Kỳ I: Phát triển chuỗi đô thị làm trụ cột và động lực
(tiếp theo và hết)
Kỳ II: Phát triển đô thị thúc đẩy kinh tế – xã hội tăng trưởng bền vững
Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, mà yêu cầu nhiệm vụ phát triển đô thị lại đòi hỏi nguồn lực rất lớn và nhanh chóng theo xu thế của cách mạng công nghệ 4.0. Để đạt mục tiêu: Xây dựng mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp vùng và cấp tỉnh kết nối với các đô thị trong khu vực đồng bằng sông Hồng; đến năm 2025 kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 75% vào GRDP của tỉnh và đến năm 2030 đạt khoảng 85%; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc tỉnh năm 2025 đạt bình quân 25-30%, đến năm 2030 đạt từ 35-40% đề ra trong Kế hoạch số 91/KH-UBND của UBND tỉnh, tỉnh đã xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp chủ yếu đối với các cấp, các ngành và địa phương.
Một góc thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển hệ thống đô thị của tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 20,3%, thấp hơn bình quân chung toàn quốc (33,8%). Khu vực có tốc độ đô thị hoá cao là dọc theo các tuyến Quốc lộ 21, 10 – đây là trục động lực phát triển chính của tỉnh với các đô thị: thành phố Nam Định và các thị trấn Cổ Lễ, Xuân Trường, Quất Lâm, Rạng Đông, Quỹ Nhất. Các đô thị hiện có trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ; nhiều điểm đô thị hóa còn mang tính tự phát từ các cụm điểm dân cư nông thôn, bám theo các trục quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ. Do đặc thù đất chật người đông nên mật độ phân bố đô thị của tỉnh là khá dày, trung bình 10,2 đô thị/1.000km2 (bình quân mỗi huyện có 2-3 đô thị); cự ly phân bố trung bình khoảng 15-20 km/đô thị; đặc biệt ở các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, các thị trấn chỉ cách nhau từ 5-7km.
Cấu trúc các đô thị phần lớn theo mô tuýp phát triển hướng tâm với 1 trung tâm lớn và các trung tâm này thường là giao lộ liên vùng nên khi phát triển về quy mô sẽ rất ảnh hưởng đến chất lượng đô thị (sinh thái, dịch vụ, di chuyển). Ngoài thành phố Nam Định có quy mô dân số khá lớn (hơn 23 vạn dân), được quy hoạch bài bản và xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ khá tốt; đây là tiêu biểu cho diện mạo về đô thị của tỉnh; còn lại các thị trấn phần lớn quy mô nhỏ, sức phát triển kém, hệ thống giao thông giản đơn, thiếu chiều sâu, chưa hình thành mạng lưới đường đô thị cụ thể và không tạo ra hình thái đô thị rõ rệt.
Từ việc thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế của hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh và công tác phát triển đô thị thời gian qua, trên cơ sở quán triệt, bám sát các quan điểm, mục đích yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ và Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 28-4-2022 của Ban TVTU, Kế hoạch số 91/KH-UBND đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: tỷ lệ đô thị hoá đạt 45%; toàn tỉnh có 21 đô thị (có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 17 đô thị loại V); tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9%; 100% đô thị hiện có và đô thị mới đều có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị;… Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%. Đến năm 2030 thì toàn tỉnh có 26 đô thị (có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 19 đô thị loại V); bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị; phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt 100%… Đến năm 2045 hệ thống đô thị trong tỉnh liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các huyện, thành phố, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.
Để thực hiện và hoàn thành được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố Nam Định tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững; Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật với 31 nhiệm vụ cụ thể.
Trong nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố Nam Định tích hợp quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc với các nội dung: Đến năm 2025, phủ kín quy hoạch phân khu, cụ thể hóa điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đến năm 2030, phủ kín quy hoạch phân khu các đô thị khác có quy định lập quy hoạch phân khu đô thị. Tiếp tục hoàn thành lập và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc đô thị tại các đô thị trên toàn tỉnh.
Sau khi Bộ Nội vụ hoàn thành lập Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh lập Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Nam Định đảm bảo tính tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu với các nội dung: Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án đang thực hiện về nâng cấp, phát triển đô thị. Xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành các Chương trình về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và đầu tư phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị ở tỉnh và từng đô thị nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu của Nghị quyết số 148/NQ-CP đối với tỉnh, từng đô thị để thống nhất rà soát, lập chương trình phát triển đô thị để thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 1 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị.
UBND các huyện, thành phố Nam Định tổ chức thực hiện chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị đối với các đô thị loại IV trở lên, cụ thể hóa các chỉ tiêu của Nghị quyết số 148/NQ-CP đối với tỉnh và từng đô thị trong tỉnh; rà soát, lập chương trình phát triển đô thị, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các đô thị trong đó chú trọng phát triển các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn đô thị theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch đô thị và quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, các yêu cầu cụ thể tại Nghị quyết số 148/NQ-CP; ưu tiên thực hiện các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị (cây xanh, giao thông, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn)…
Thực hiện đồng bộ, thống nhất, sáng tạo các giải pháp, nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch số 91 của UBND tỉnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị được kỳ vọng sẽ tạo dựng hệ thống đô thị của tỉnh tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Từ đó, sẽ tăng năng lực thu hút đầu tư với những cơ hội phát triển mới cho các địa phương và toàn tỉnh. Đó là một trong những chìa khóa mở cánh cửa đột phá cho kinh tế của từng địa phương cũng như toàn tỉnh theo đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra./.
Bài và ảnh: Thành Trung