Kỳ 1: Kết quả từ thực tiễn
Kỳ 2: Các giải pháp hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đảng viên trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Phần lớn các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chưa có tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh mới có 173 đảng viên là chủ doanh nghiệp; 826 đảng viên là lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp; 1.821 đảng viên là nhân viên, người gián tiếp sản xuất; 4.511 đảng viên là công nhân, lao động sản xuất trực tiếp trong doanh nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) gia công hàng may mặc xuất khẩu. |
Hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức công đoàn đều được tuyên truyền, vận động thành lập chi bộ Đảng và khuyến khích phát triển đảng viên. Hàng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp với Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức từ 1-2 lớp bồi dưỡng kết nạp đảng viên cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Mặc dù vậy, công tác phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn gặp khá nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân như: Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ có tâm lý không muốn người lao động tham gia tổ chức Đảng bởi phải dành thời gian sinh hoạt Đảng định kỳ và việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng sẽ làm gián đoạn công việc sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến năng suất lao động của doanh nghiệp và tâm lý bị “chia sẻ” quyền lực khi có thêm một tổ chức nữa tồn tại trong doanh nghiệp. Về phía người lao động, phần lớn công nhân chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập. Một bộ phận người lao động không mặn mà để phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng, do ngại bố trí thời gian sinh hoạt Đảng, học tập lý luận chính trị… Bên cạnh đó, nhiều công nhân thường xuyên thay đổi công việc, dẫn đến khó khăn trong công tác bồi dưỡng, kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ. Nhiều người học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa kịp kết nạp đã chuyển nơi làm việc; trong khi ở một số doanh nghiệp tư nhân vai trò của đảng viên còn mờ nhạt, nhiều đảng viên chưa phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, chưa tạo được niềm tin cho chủ doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, để làm tốt công tác phát triển Đảng trong CNVCLĐ, những năm qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về sự cần thiết xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch định hướng tuyên truyền, triển khai tới các cấp công đoàn, trong đó có các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền thành lập tổ chức đảng và kết nạp đảng viên tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Đảng, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng giác ngộ giai cấp, tinh thần tự giác phấn đấu để trở thành đảng viên cho đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ thông qua việc thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền theo chuyên đề, tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, tọa đàm, sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, việc xây dựng tổ chức đảng cần kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng tổ chức công đoàn và lực lượng nòng cốt trong doanh nghiệp để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Vì vậy, các cấp công đoàn cần thống nhất quan điểm chỉ đạo “Ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức công đoàn, có tổ chức đảng”; đồng thời xác định công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động, thực trạng tổ chức đảng, đảng viên, đoàn viên ưu tú dự nguồn kết nạp đảng viên ở các loại hình doanh nghiệp trong các đơn vị kinh tế tư nhân; phân loại đối tượng cụ thể ở doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, chưa có tổ chức đảng, những doanh nghiệp chưa có đảng viên nhưng có tổ chức công đoàn để có giải pháp phù hợp… Các cấp công đoàn tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, từ đó phát huy năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và phát triển Đảng trong công nhân. Đồng thời, nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn cần tiếp tục đổi mới; tăng cường phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tạo điều kiện cho công nhân rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết để rút ra những mô hình mới, cách làm hay, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu; tổ chức các cuộc đối thoại, tọa đàm về công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân và mời chủ doanh nghiệp tham dự để nhận thức rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Mai Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: Để đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong công nhân lao động, trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh và Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp về “Công tác phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp thuộc các KCN tỉnh”, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định… lồng ghép với tuyên truyền về công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp; tích cực giới thiệu quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng do Đảng ủy Khối tổ chức. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Khối và tổ chức Công đoàn Ban Quản lý KCN tỉnh trong tuyên truyền, vận động doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm chủ doanh nghiệp về tăng cường xây dựng tổ chức đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân theo tinh thần của Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Khối tổ chức các buổi đi thực tế, học hỏi các mô hình hay, cách làm sáng tạo ở các tỉnh khu vực miền Bắc, các doanh nghiệp đã có tổ chức cơ sở đảng phục vụ công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng; kiên trì làm việc với chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung vào những đơn vị đã làm việc trong năm 2022; đồng thời có kế hoạch làm việc với chủ doanh nghiệp ở một số doanh nghiệp mới, phấn đấu năm 2023 phát triển 2 đến 3 tổ chức cơ sở đảng; thành lập tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cơ sở khi đủ điều kiện. Tổ chức kết nạp Đảng đối với những quần chúng ưu tú ở doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, trong đó quan tâm kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng, đảm bảo các điều kiện theo quy định Điều lệ Đảng. Tiếp tục rà soát, nắm bắt và làm thủ tục chuyển Đảng cho đảng viên đang sinh hoạt ở nơi khác về tổ chức đảng trong doanh nghiệp hoặc Đảng bộ Ban Quản lý các KCN tỉnh sinh hoạt.
Cùng với sự quan tâm, chăm lo từ LĐLĐ, các ngành chức năng, các cấp công đoàn tiếp tục làm tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước để đoàn viên hăng hái tham gia, phấn đấu rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng trong CNVCLĐ./.
Bài và ảnh: Lam Hồng – Ngọc Linh