Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng luôn coi trọng công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên nhằm thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động, sự đồng thuận xã hội trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng chủ trì hội nghị tuyên truyền công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn. |
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, những năm qua, Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TW, Thông báo Kết luận số 225-TB/TW ngày 3-3-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của Đảng trong tình hình mới” cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương có liên quan. Đồng thời, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy tại Quy định số 01-QĐ/HU ngày 16-6-2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của cấp ủy Đảng và chế độ cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; bổ sung vào nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng chính trị của Đảng bộ huyện. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ huyện và các tổ chức chính trị – xã hội của huyện tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên theo chức năng nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện đã nghiên cứu, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo về củng cố đội ngũ báo cáo viên, đồng thời tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở cấp mình. Với trên 1.500 đồng chí là báo cáo viên, tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện được chọn lựa kỹ càng, dựa theo điều kiện và tiêu chuẩn quy định, có lập trường, tư tưởng và bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có phẩm chất, đạo đức và lối sống trong sáng, lành mạnh; biết nắm bắt tâm lý đối tượng, có phương pháp và nghiệp vụ tuyên truyền, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng; có mối quan hệ gần gũi với nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn huyện thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền miệng, kết hợp lồng ghép với các hình thức tuyên truyền khác như: tổ chức giao ban công tác tình hình tư tưởng, công tác dư luận xã hội định kỳ; tổ chức giảng dạy các lớp bồi dưỡng nhận thức về chính trị; tổ chức các cuộc đối thoại, các hội thi, các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ,… do đó công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ngày càng đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Với đặc thù là huyện có đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm 49,8% dân số nên Ban Thường vụ Huyện uỷ Nghĩa Hưng thường xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong huyện luôn xác định công tác tuyên truyền giúp đồng bào có tôn giáo nói riêng và nhân dân địa phương nói chung hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân tại địa phương. Công tác tuyên truyền của hệ thống Tuyên giáo trên địa bàn huyện luôn tiên phong, tích cực định hướng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh và của huyện có liên quan đến công tác tôn giáo cho các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Các địa phương, đơn vị thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng kịp thời xem xét, giải quyết và động viên đồng bào có tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”. Từ đó tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy đồng bào có đạo ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện.
Nét nổi bật trong công tác tuyên truyền của huyện Nghĩa Hưng thời gian qua là nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện uỷ ban hành 6 nghị quyết chuyên đề toàn khóa, trong đó 2 nghị quyết về lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ven biển; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn như: Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Kênh nối Đáy – Ninh cơ, Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình giai đoạn II, Đường bộ ven biển, các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh, các dự án xây dựng khu dân cư tập trung tái định cư tại thị trấn Quỹ Nhất, xã Nghĩa Châu; hoàn tất thủ tục công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng khu tái định cư tại xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong. Hầu hết các công trình trọng điểm đều có quy mô rất lớn cả về diện tích đất thu hồi và số hộ bị ảnh hưởng. Để các dự án được triển khai đúng tiến độ, Huyện uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị phát huy cao tinh thần trách nhiệm, đội ngũ làm công tác báo cáo viên và tuyên truyền viên các cấp phải thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tuyên truyền miệng, công tác vận động, thuyết phục nhân dân. Lực lượng tham gia tuyên truyền từ huyện đến cơ sở, nhất là lực lượng ở địa bàn khu dân cư phải tích cực, chủ động vào cuộc, linh hoạt tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như xây dựng nội dung sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, tổ, hội; tích cực tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện và cơ sở; tuyên tuyền trên trang thông tin điện tử của huyện, trang nhóm của Ban Chỉ đạo 35 huyện và các địa phương, đơn vị; tuyên truyền cổ động trực quan lưu động; tổ chức hội nghị đối thoại giữa đại diện cấp uỷ, chính quyền các cấp với nhân dân, tổ chức các tổ đi đến từng hộ dân để tuyên truyền. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực từ các dự án mang lại cho nhân dân cũng như xây dựng diện mạo mới cho huyện Nghĩa Hưng và tỉnh Nam Định trong tương lai. Nhờ vậy, đến nay các dự án, công trình cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho Ban Quản lý dự án để thi công, một số công trình đã đưa vào sử dụng, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, khang trang, thông thoáng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Với sự hoạt động tích cực của đội ngũ báo cáo viên và hoạt động tuyên truyền miệng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đến nay, huyện Nghĩa Hưng đã lãnh đạo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, kinh tế tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch được giao, toàn huyện có 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 70 thôn, xóm, tổ dân phố đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 6 đơn vị tiếp tục xây dựng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị thông minh năm 2023. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh tiếp tục được chú trọng, nâng cao.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục yêu cầu Ban Tuyên giáo Huyện uỷ cần tập trung vào một số giải pháp để đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên của huyện phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân; không ngừng nỗ lực, cố gắng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện năm 2023 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hoa
(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo
Huyện ủy Nghĩa Hưng)