Kỳ I: Đưa chủ trương đến “gần dân, sát dân”
(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ II: Ở đâu khó, có biên phòng
Luôn vững vàng nơi “đầu sóng ngọn gió”, nhiệm vụ của người lính biên phòng không chỉ đơn thuần là bảo vệ biên giới biển, giữ vững chủ quyền quốc gia. Ở những vùng đất được coi là nơi “xa xôi” nhất, cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng (ĐBP) đã “ba cùng” với dân, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, an ninh trật tự, tổ chức các hoạt động an sinh xã hội thiết thực, góp phần bồi đắp nghĩa tình quân dân bền chặt, keo sơn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lạt (Giao Thủy) thăm và chúc mừng bà Đinh Thị Mùi về nhà mới. |
Xóm 2, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) một trưa đầu tháng 6 oi ả, từ giữa xóm bỗng nghe tiếng trẻ thơ reo lên vui sướng: “A, bố ơi, bố ơi, chú Tuấn xuống nhà chơi bố ạ”. Từ trong nhà, cô bé Lê Thị Huế vui sướng lao ra ôm lấy Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ Đội vận động quần chúng ĐBP Ngọc Lâm. Ôm “con” vào lòng, anh Tuấn mắt lấp lánh, vui vẻ hỏi: “Thế nào, nghỉ hè vui không? Nghỉ hè nhưng vẫn không được quên nhiệm vụ học hành đâu nhé “đồng chí”. Cả 2 người cứ thế ríu rít cho đến khi yên vị trong nhà. Đoàn chúng tôi hình như cũng bị “cuốn” trong những câu chuyện của 2 chú cháu. Trung tá Vũ Ngọc Tuyến, Chính trị viên phó ĐBP Ngọc Lâm cho biết: “Huế là một trong những học sinh được ĐBP Ngọc Lâm nhận đỡ đầu trong chương trình “Con nuôi ĐBP” từ năm 2019. Thuộc địa bàn Thiếu tá Tuấn phụ trách nên 2 chú cháu thường xuyên gặp gỡ. Mỗi khi có thời gian rỗi, đồng chí Tuấn còn xuống nhà kiểm tra tình hình học tập của Huế, trò chuyện cùng em và gia đình. Đồng chí Tuấn cũng thay mặt gia đình giữ mối liên hệ với nhà trường, thường xuyên liên lạc với cô giáo chủ nhiệm nắm tình hình học tập của Huế”. Sinh ra trong một gia đình không may mắn, mẹ mất sớm, bố bị câm điếc, sức khoẻ yếu, Huế cùng các anh, chị, em trong nhà thiếu vắng nhiều sự quan tâm, động viên của bố mẹ. Có thời gian, do quá khó khăn, bố phải nhờ bác ruột chăm sóc, nuôi dưỡng cả 3 anh em Huế. Đồng cảm, sẻ chia với hoàn cảnh của gia đình Huế, sau khi khảo sát cụ thể tình hình, lãnh đạo ĐBP Ngọc Lâm đã quyết định nhận em làm “con nuôi”. Hàng tháng, Đồn sẽ hỗ trợ đóng học phí, tặng đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm trị giá 1 triệu đồng/tháng hỗ trợ ít nhất cho đến khi Huế học xong cấp 3. Ông Vũ Xuân Khới, bác ruột của Huế chia sẻ: “Cháu Huế may mắn được ĐBP Ngọc Lâm nhận làm con nuôi. Tuy ít nói, nhút nhát nhưng mỗi khi nhìn thấy các chú bộ đội Biên phòng (BĐBP) xuống nhà, đặc biệt là chú Tuấn, Huế vui lắm, con bé vui vẻ, hoạt bát hơn thường ngày. Nếu không có sự giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ ĐBP Ngọc Lâm thì không biết tương lai của gia đình và các cháu tôi như thế nào. Các cán bộ biên phòng là những “người bố” thứ 2 của cháu, chăm sóc, lo toan, mở hướng tương lai cho cháu”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng) giúp người dân làm vườn. |
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của những “người cha đỡ đầu”, cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn tạo ta những sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Ngày đầu tháng 6 nắng như thiêu đốt, gió biển mặn mòi thổi từng đợt ào ạt vẫn không thể “ngăn” được màu xanh non mát lành, trù phú của những dãy bưởi, ruộng đinh lăng, các luống rau muống ngọn đâm tua tủa trong khu vườn rộng mênh mông của lão nông Ngô Văn Cường, xóm 10, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng). Bận rộn liên tục với 2 đoàn khách vào tham quan nhà vườn từ sáng sớm, giọng hào sảng, lão nông già cho biết: “Đồng đất của chúng tôi có đặc điểm là chua mặn, rất khó trồng cấy. Loay hoay bao năm, tôi cũng chưa tìm được các giống cây trồng thực sự phù hợp với từng mảnh ruộng, khu vườn. Hiệu quả cây trồng thấp, đa phần người dân quê tôi không chú trọng lắm vào phát triển nông nghiệp mà chọn nghề đánh bắt thuỷ sản làm phương thức sản xuất chính”, ông Cường kể. Thế nhưng, đó là câu chuyện của nhiều năm trước khi ông Cường cũng như một số hộ gia đình ở các xã ven biển trong tỉnh “chưa gặp” BĐBP. Và, để biến những mảnh đất chua mặn thành nơi “cho cây đời mãi xanh tươi”, các cán bộ, chiến sĩ ĐBP Ngọc Lâm, phụ trách địa bàn xã Nam Điền đã phối hợp với Hội Nông dân huyện nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, đất đai địa phương, sau đó chọn ra một số cây trồng thích hợp như táo, bưởi, hồng xiêm, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con. Trước đó, cán bộ, chiến sĩ trong Đồn đã lựa chọn những gia đình có diện tích nhà vườn thích hợp, tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng. Định kỳ hàng tháng, cán bộ Đồn xuống kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây, động viên bà con nhân dân yên tâm trồng cấy, sản xuất. Đối với riêng hộ gia đình nhà ông Cường, ĐBP Ngọc Lâm tặng 50 cây bưởi Diễn, trị giá 3 triệu đồng, kinh phí từ nguồn xã hội hoá. Sau 3 năm trồng bưởi, từ năm thứ 2, 50 cây bưởi Diễn của gia đình ông Cường đã cho thu hoạch. “Năm ngoái được mùa, 2 cây ở ngoài cổng là sai quả nhất vườn, ước tính phải được hơn 100 quả. Quả ngọt đầu mùa, tôi vừa mang biếu, vừa bán cũng thu được khoảng 10 triệu đồng. Năm nay, quả sai thế này, chắc chắn hứa hẹn mùa vụ bội thu. Quan trọng nhất là tôi đã giải quyết được “bài toán” để ruộng đất không. Giờ nhà vườn của tôi ngập tràn các loại cây trái, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây lúa”, ông Cường phấn khởi cho biết. Mô hình trồng bưởi Diễn của hộ gia đình ông Cường chỉ là 1 trong số 7 mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả mà ĐBP Ngọc Lâm đã duy trì trong những năm qua. “Đối với mỗi mô hình, Đồn sẽ tặng ít nhất 50 cây giống, hỗ trợ kỹ thuật cho đến khi mô hình phát triển ổn định. Đến nay, cả 7 mô hình mà Đồn giúp đỡ đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống nhân dân”, Trung tá Vũ Ngọc Tuyến, Chính trị viên phó ĐBP Ngọc Lâm cho biết.
Nghĩa tình của những người lính biên phòng thấm đượm trong lòng nhân dân khu vực biên giới biển của tỉnh. Đón đoàn cán bộ, chiến sĩ ĐBP Ba Lạt (Giao Thủy) đến thăm trong căn nhà mới vững chãi, khang trang, vợ chồng ông Lê Văn Bình, 70 tuổi và bà Đinh Thị Mùi, 68 tuổi, xóm Thị Tứ, xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) rạng rỡ niềm vui. Vất vả, ky cóp cả đời, ông bà cũng không xây nổi ngôi nhà “đàng hoàng” để “an cư” lúc về già. Vậy nên, ngày khánh thành, nhìn căn nhà mới khang trang, đẹp đẽ đầy đủ công trình phụ trước mắt bà Mùi nghẹn ngào: “Tôi cảm giác như ở… trong mơ”. Bà Mùi và ông Bình lấy nhau đến nay khoảng 50 năm thì có đến gần 40 năm ông bà sống xa nhau. Chồng đi làm ăn xa, một mình bà Mùi ở nhà xoay xở, vật lộn với ruộng đồng, nuôi 3 con nhỏ, chăm bố mẹ già yếu. “Dấu vết” của những ngày lao động nặng nhọc, vì thế hằn in rõ trên gương mặt của người phụ nữ khắc khổ. Tuy nhiên, từ năm 1996 khi cán bộ, chiến sĩ ĐBP Ba Lạt mới “cắm” địa bàn ở xã Giao Xuân, thông cảm với điều kiện công tác vất vả của bộ đội xa nhà, bà Mùi sẵn sàng dành một phần diện tích nhà, nấu cơm cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng ăn, ở. “Tôi coi các chú BĐBP như người thân trong gia đình. Nhìn thấy các chú, tôi lại nghĩ đến ông nhà tôi, quanh năm đi làm xa nhà, xa gia đình, bố mẹ, vợ con. Vì vậy, trong điều kiện của gia đình, giúp được gì, tôi sẵn sàng giúp đỡ”, bà Mùi kể. Cũng từ đó, gia đình bà Mùi trở thành “cơ sở ruột” của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Ba Lạt. Những năm trở lại đây, gia đình bà Mùi gặp nhiều khó khăn về kinh tế, bà còn bị gãy tay, việc đồng áng không làm được nữa. Ngôi nhà ông bà ở theo thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng, tường mục nát, mái ngói thủng. Sẻ chia với hoàn cảnh của 2 vợ chồng bà Mùi, ĐBP Ba Lạt đã giúp ông bà xây nhà mới, ổn định cuộc sống. Từ nguồn xã hội hoá, Đồn đã vận động được 100 triệu đồng, cán bộ, chiến sĩ trong Đồn đóng góp thêm 30 triệu đồng, 50 ngày công lao động giúp bà Mùi xây nhà mới. “Trước đây vào mỗi ngày mưa bão 2 vợ chồng già chúng tôi lo lắng lắm, lo nhà đổ, không có chỗ ở. Từ ngày có nhà mới, tôi yên tâm hẳn, sức khoẻ cũng được cải thiện nhiều. Gia đình tôi cảm ơn các anh BĐBP nhiều lắm”, ông Bình chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng) dạy học cho học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. |
Môi hình “Con nuôi ĐBP”, giúp dân phát triển kinh tế, xây nhà tình nghĩa chỉ là ba trong số hàng chục mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực được ĐBBP tỉnh triển khai thời gian qua. Các ĐBP đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhân rộng nhiều mô hình tự quản bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống tội phạm cũng như các hoạt động an sinh xã hội thiết thực như: “Tổ hội nghề nghiệp khai thác hải sản”; “Khu dân cư vùng giáo tiên tiến và an toàn về an ninh trật tự”; “Câu lạc bộ phụ nữ vì sự phát triển bình yên tuyến biển”, “Nông dân tự quản về an ninh trật tự và tham gia giữ gìn bình yên tuyến biển”, “Tổ tàu thuyền an toàn”, “Tự quản về an ninh trật tự”… Hoạt động của các mô hình đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế. Đến nay, BĐBP tỉnh đã thành lập được 5 “Tổ hội nghề nghiệp khai thác hải sản” đang hoạt động có hiệu quả; 4 tổ “Đan thủ công”; có 16 xứ họ/36 giáo xứ tuyến biên giới biển duy trì tốt hoạt động của mô hình “Khu dân cư vùng giáo tiên tiến và an toàn về an ninh trật tự”. Hiện các đơn vị đang phối hợp rà soát để nhân rộng ra các giáo xứ, giáo họ còn lại. 19/19 xã, thị trấn duy trì hoạt động của “Câu lạc bộ phụ nữ vì sự phát triển bình yên tuyến biển”; 43 “Tổ tàu thuyền an toàn”, “Tự quản về an ninh trật tự” với 866 thành viên.
Những câu chuyện cảm động và những việc làm thắm đượm nghĩa tình quân dân của những người lính quân hàm xanh ở địa bàn đứng chân đã gắn kết nghĩa tình quân dân thắm thiết thủy chung. Với phương châm “Đồn là nhà, biển cả là quê hương, bà con nhân dân vùng chân sóng là ruột thịt”, những người lính biên phòng của tỉnh đã trở thành “điểm tựa” vững chắc trong lòng người dân vùng chân sóng.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Hoa Xuân – Văn Huỳnh