Đảng bộ xã Hồng Quang (Nam Trực) hiện có 537 đảng viên, sinh hoạt ở 18 chi bộ. Với quyết tâm xây dựng miền quê đáng sống, nhiều năm qua, Đảng ủy xã Hồng Quang đã đề cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, từ đó tạo sự đồng thuận giữa “Ý Đảng – lòng dân” cùng chung sức hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.
Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang. |
Khi “Ý Đảng hợp lòng dân”
Năm 2020, xã Hồng Quang “về đích” xây dựng NTM nâng cao, hoàn thành sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra. Đó là thành quả của sự khởi sắc diện mạo mới, sức sống mới cho quê hương, là động lực tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, BCH Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết số 21A-NQ/ĐU ngày 25-12-2021 về việc “Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025”; UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, Đảng uỷ, UBND xã tổ chức hội nghị họp toàn thể cán bộ, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể trong xã để triển khai các nội dung xây dựng NTM kiểu mẫu, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ xã đến cơ sở thôn, xóm và các tầng lớp nhân dân. Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, trong quá trình triển khai thực hiện, xã phát động phong trào thi đua tới các cấp, các ngành; vận động các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, con em xa quê chung sức xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí.
Xã xác định bước đột phá để nâng cao đời sống của nhân dân là thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu, từ đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng, giá trị cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, thu hút các chương trình dự án đầu tư về nông nghiệp, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật cơ giới hóa đồng ruộng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác; triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Tiến đã liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) xây dựng mô hình cơ giới hóa áp dụng các khâu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm giống lúa thuần Bắc thơm số 7 có quy mô diện tích 31,3ha với 105 hộ tham gia. Ngoài sản phẩm chủ lực là cây lúa được cấp mã vùng, xã còn tập trung phát triển chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã đã tích cực tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Một số hộ chăn nuôi gia cầm quy mô lớn hàng nghìn con như các ông: Nguyễn Văn Chanh, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Châm, Phan Văn Khánh, Tô Văn Thế, Lê Văn Thể. Các hộ chăn nuôi chủ động ký hợp đồng với các doanh nghiệp trong cung ứng nguồn thức ăn chăn nuôi, con giống đảm bảo chất lượng. Trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, xã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần giảm tỷ lệ hộ cận nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong những năm qua, các ngành nghề ở địa phương từng bước phát triển và mang tính bền vững như nghề làm hoa nhựa thôn Báo Đáp, làm đèn ông sao dịp Trung thu, dịch vụ vận tải hàng hóa… đã góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Từ việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và áp dụng các biện pháp khoa học tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân trong xã nâng cao rõ rệt. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 72,91 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,97% (dưới 1% theo tiêu chí NTM).
“Trái ngọt” từ sự đồng thuận
Kinh tế phát triển bền vững, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên tạo đà để xã Hồng Quang tập trung các nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu. Đến nay, 3 tuyến đường trục xã với chiều dài 4,1km đã được cứng hoá, đảm bảo cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Các tuyến đường trục xã có đầy đủ hệ thống biển báo, hệ thống cây xanh, hệ thống ánh sáng. Xã cũng có hơn 5km đường trục thôn, mặt đường rộng từ 3,5m trở lên với đầy đủ hệ thống chiếu sáng, cây xanh, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp. Tiêu chí chất lượng môi trường là một trong những tiêu chí khó nhưng nhanh chóng được Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp thực hiện. Đồng chí Lê Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác vệ sinh môi trường giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, UBND xã đã xây dựng đề án và được HĐND xã nhất trí thông qua. Quá trình triển khai thực hiện, một số đảng viên và nhân dân chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của trạm trung chuyển rác thải nên có tâm lý e dè. Trước tình hình đó, Thường trực Đảng ủy xã đã trực tiếp về dự họp ở từng chi bộ; tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân của từng thôn, xóm… Để tạo niềm tin trong nhân dân, Thường trực Đảng ủy xã đã có cam kết “3 bên”: giữa chính quyền xã với thôn, đội và nhân dân. Với sự đoàn kết, đồng lòng, nhân dân đều đồng thuận, đến nay xã đã có 2 trạm trung chuyển rác đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, UBND xã ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường xanh Nam Trực đảm nhận vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Nam Giang. Bên cạnh đó, các điểm trong tiêu chí môi trường cũng được Đảng ủy, UBND xã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và thu nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch của xã hiện đạt 100%; 30/30 hộ kinh doanh cá thể và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm; 100% hộ dân có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo 3 sạch.
Đặc biệt, trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Đảng ủy, UBND xã lựa chọn tiêu chí nổi trội là văn hóa. Trong bảo tồn di sản văn hóa, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân tham gia chung tay giữ gìn và phát huy giá trị các di tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo di tích, thời gian qua xã đã huy động hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân cho công tác trùng tu, tôn tạo, sửa chữa. Tiêu biểu như các di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Xám và 3 di tích cấp tỉnh gồm: Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo; đền, chùa, miếu làng Rạch và Đình Thị. Gắn với các di tích, xã có nhiều lễ hội truyền thống với quy mô lớn. Trong các lễ hội còn lưu giữ nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian như: bơi chải Đền Xám, Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo; múa rối nước; hát văn, hát ca trù, hát chèo… Trong công tác bảo tồn các môn nghệ thuật, thể thao truyền thống, xã đã chú trọng, quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để nghệ thuật rối nước phát triển. Năm 2023, xã đầu tư xây dựng và nâng cấp Thuỷ Đình với kinh phí trên 300 triệu đồng. Tập trung hoàn thiện thiết chế văn hóa, tất cả các nhà văn hóa thôn được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới khang trang, sạch đẹp. Năm 2022, từ nguồn vốn xã hội hóa, toàn xã có 14/14 thôn, xóm lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các địa điểm công cộng với tổng kinh phí 381 triệu đồng. Hiện nay, xã có 11 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập, biểu diễn các sự kiện chính trị của địa phương. Đến nay, xã đã đạt tất cả các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022.
Một diện mạo NTM mới Hồng Quang đang khởi sắc từng ngày đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân trong việc phát huy giá trị truyền thống và sức mạnh đoàn kết, cách làm sáng tạo, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo sức bật trong phát triển kinh tế – xã hội, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.
Ban Tuyên giáo
Huyện ủy Nam Trực
Ảnh: Viết Dư