Xây dựng văn hóa Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (kỳ 1)
(Tiếp theo và hết)
Thực hiện quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về các trụ cột xây dựng phát triển đất nước: “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; đặc biệt là những chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, sự nghiệp phát triển văn hóa Nam Định đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học của học sinh tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2024. |
Xây dựng văn hóa
trong chính trị và kinh tế
Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9/6/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định”; đồng thời xác định “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại, góp phần động viên, tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp tích cực đầu tư phát triển kinh tế, tham gia xây dựng, phát triển văn hóa.
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; cả chuyên nghiệp và phong trào quần chúng; trong đó, nhiều sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật quy mô hoành tráng, có chất lượng chuyên môn cao được đầu tư dàn dựng, tổ chức, tạo hiệu ứng lan tỏa. Công tác giải quyết thủ tục hành chính về hoạt động biểu diễn nghệ thuật được triển khai hiệu quả, đúng quy định, trình tự, tạo thuận lợi cho các đơn vị. Hoạt động quảng cáo ngoài trời được quản lý, kiểm soát, hạn chế tình trạng vi phạm, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ… Trung bình mỗi năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận gần 200 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, văn nghệ, TDTT đã góp phần thiết thực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam” chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2024 tại Tiền sảnh Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh. |
Tăng cường nguồn lực đầu tư
lĩnh vực văn hóa
Đầu tư cho phát triển toàn diện văn hóa chính là đầu tư cho con người, vì sự phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách địa phương hạn hẹp nên nguồn ngân sách dành cho phát triển văn hoá của tỉnh còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng tìm kiếm, tranh thủ các nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa, con người, xây dựng thiết chế văn hóa, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa cũng được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, phát huy sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội để phát triển văn hóa. Công tác xã hội hóa hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đã được triển khai hiệu quả để vừa chống xuống cấp di tích, vừa khai thác, phát huy các giá trị kinh tế – xã hội của di tích, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch danh thắng, du lịch tín ngưỡng tâm linh…, như: Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần – Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định), Quần thể di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Phủ Dầy (Vụ Bản)… Nhiều dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành cho các di tích được triển khai thực hiện tốt như: Dự án trùng tu tôn tạo các di tích Đình Sùng Văn (Mỹ Lộc); Cầu Ngói – Chùa Lương (Hải Hậu), Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Đền Gin, Chùa Đại Bi (Nam Trực), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Keo Hành Thiện, Đền – Chùa Kiên Lao (Xuân Trường)…
Qua việc phối hợp duy trì hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống di tích lịch sử… của báo chí, truyền thông và ngành chức năng, nhận thức của xã hội đối với hoạt động này ngày càng được nâng lên. Việc sưu tầm, bảo quản hiện vật, di tích được chú trọng. Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận 1.400 hiện vật từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tư nhân, 1.500 cuốn sách nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, 133 hiện vật có niên đại đồ đá, văn hóa Đông Sơn đến thời Trần, Lê – Nguyễn, 22 hiện vật đồ trang sức văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu của các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Thư viện tỉnh Nam Định đã tiếp nhận “Tủ sách của những ước mơ”, gồm 7 giá sách, 1.300 cuốn sách các loại của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đây là dự án nhằm gia tăng kết nối, hỗ trợ phát triển giáo dục cho trẻ em, đóng góp thiết thực trong xây dựng và tổ chức các hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc tại Nam Định, đồng thời lan tỏa tích cực thông điệp về tầm ảnh hưởng của sách đến thế hệ tương lai. Đặc biệt, Triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị” là sự kiện văn hóa được thực hiện từ chủ trương xã hội hóa có sự chung tay tham gia của đại diện cộng đồng, chủ thể văn hóa không chỉ ở Nam Định mà còn ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình… Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh được tổ chức thành công từ nguồn đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, góp phần tạo ra các sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú, thúc đẩy phát triển du lịch Nam Định. Tiêu biểu như: Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các chương trình nghệ thuật “Chào năm mới”, “Tết quê hương”; “Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định”…
Âm vang nhạc kèn trong Ngày hội Văn hóa – Thể thao truyền thống huyện Trực Ninh năm 2024. |
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương trong tỉnh đã tập trung rà soát, lồng ghép và huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 47 nhà văn hóa cấp xã, 855 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Kinh phí trung bình từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/nhà văn hóa cấp xã, từ 450-800 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Nhiều địa phương đã có cơ chế khuyến khích xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố với mức hỗ trợ từ 50-150 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, nguồn lực còn lại để đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ và mua sắm các trang thiết bị cho nhà văn hóa chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa. Sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cùng với các nguồn kinh phí khác đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu du lịch trong tỉnh. Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch, trong đó phải kể đến việc nâng cấp mạng lưới giao thông giúp du khách tiếp cận với các địa điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn và góp phần thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch. Số lượng khách du lịch đến Nam Định tăng dần trong những năm gần đây với đối tượng khách du lịch chủ yếu là khách nội địa. Ngành Du lịch tỉnh nhờ đó đã có những đóng góp nhất định vào ngân sách tỉnh, tạo sinh kế, thu nhập và góp phần cải thiện đời sống nhân dân; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng gia tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ nhờ vào doanh thu từ các dịch vụ nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ phục vụ khác.
Những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đã tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh, tạo sức lan tỏa trong việc hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vì mục tiêu chung: “Xây dựng văn hóa, con người Nam Định từng bước hoàn thiện theo các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam cùng đặc trưng của Nam Định theo hướng nhân văn, trí tuệ, sáng tạo và trách nhiệm”. Đến nay toàn tỉnh có 2.052/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt tỷ lệ 95%); 581.482/620.944 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 93,64%); 1.519/1.670 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 5 năm (đạt tỷ lệ 91%). Kết quả này đóng góp quan trọng tạo môi trường xã hội lành mạnh, tích cực, thiện cảm, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Kết quả tăng trưởng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào tỉnh vượt bậc trong những năm gần đây là một minh chứng thuyết phục. Điều này cũng cho thấy sự đúng đắn, hợp lòng dân trong định hướng, chủ trương của Đảng coi văn hóa là một trụ cột quan trọng được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong tổng thể chiến lược phát triển đất nước.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202409/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-xay-dungvan-hoa-nam-dinh-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-ky-2-2250cce/