Kỳ I: Đổi mới, sáng tạo trong sắp xếp đơn vị hành chính
Kỳ II: Khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”
Kỳ III: Gỡ “khó” trong sắp xếp đơn vị hành chính
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của “Ý Đảng, lòng dân”, quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Nam Định đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt kết quả cao. Từ đó đã tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển mới và phát huy nội lực, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh có những bước đột phá, để Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Một ngày cuối tháng 9 nắng hanh vàng, chúng tôi có dịp về thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). “Bao quanh” các thôn xóm, tổ dân phố là những mái nhà cao tầng kiên cố được xây dựng khang trang. Từ trụ sở UBND thị trấn, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi đã thấy “bóng dáng” của một khu đô thị mới đang ngày càng hình thành rõ nét ở Quỹ Nhất. Nằm ở vị trí giao nhau của các tuyến đường giao thông quan trọng, quốc lộ 21B, tỉnh lộ 488C, trong đó quốc lộ 21B còn có đoạn giao với đường trục phát triển nối Khu Kinh tế Ninh Cơ, thị trấn Quỹ Nhất hiện là “tầm ngắm” để nhiều doanh nghiệp, Công ty đến tìm hiểu, đầu tư, đặt địa điểm xây dựng. Là một trong những ĐVHC cấp xã của huyện Nghĩa Hưng thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập, thị trấn Quỹ Nhất được hình thành trên cơ sở sáp nhập các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Tân và thị trấn Quỹ Nhất. Sau sáp nhập, thị trấn có diện tích tự nhiên 19,9811 km2, quy mô dân số 18.499 người. Sau kỳ họp thứ 12 HĐND thị trấn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 bầu các chức danh chủ chốt, thị trấn đã chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, Huyện Nghĩa Hưng đã ban hành và công bố Quyết định thành lập Đảng bộ thị trấn Quỹ Nhất gồm 755 đảng viên, BCH Đảng bộ thị trấn gồm 22 đồng chí. Về cơ bản, đến nay bộ máy hành chính của thị trấn hoạt động ổn định. Cán bộ, công chức yên tâm với công việc, phát huy được kinh nghiệm, năng lực chuyên môn ở các vị trí công tác. Chủ tịch UBND thị trấn Quỹ Nhất Nguyễn Văn Chiến cho biết: Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để ổn định bộ máy là thực hiện tốt công tác sắp xếp cán bộ, công chức, đúng người, đúng việc. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền thị trấn đã sớm nắm bắt tâm tư của cán bộ liên quan đến vị trí việc làm, phương tiện làm việc cũng như căn cứ vào năng lực, sở trường của từng cán bộ, công chức, báo cáo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo để sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ yên tâm công tác, đặc biệt trong quá trình thực hiện việc sắp xếp các vị trí việc làm, UBND thị trấn vẫn chỉ đạo bộ phận liên quan bảo đảm giải quyết nhanh, đúng quy trình các thủ tục hành chính cho nhân dân, được nhân dân đánh giá cao”.
Ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định và xúc tiến đầu tư năm 2024. |
Đánh giá về hiệu quả của bộ máy các ĐVHC thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, đồng chí Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Sau hơn 1 tháng thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã, các hoạt động của Đảng, chính quyền, UBMT TQ và các Đoàn thể chính trị cấp xã trên địa bàn huyện đã đi vào ổn định, hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Cụ thể, đối với các chủ trương, chính sách của địa phương, bà con nhân dân luôn thể hiện sự đồng lòng nhất trí cao, thống nhất được ý Đảng, lòng dân. Chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được nâng cao, đặc biệt trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính của người dân; khí thế thi đua lao động sản xuất và các phong trào, cuộc vận động sôi nổi hơn trước. Việc huy động và tập trung nguồn lực từ nhân dân tăng lên rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”.
Một góc trung tâm xã Hải Nam (Hải Hậu). |
Không chỉ ở thị trấn Quỹ Nhất, các huyện, xã thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh cũng đã nhanh chóng tiến hành sắp xếp, kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Đồng thời các ĐVHC mới cũng tổ chức thực hiện sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công theo Kế hoạch 112/KH-UBND ngày 15/8/2023 của UBND tỉnh và Hướng dẫn của Sở Tài chính; thực hiện thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp xã, phường sau khi thực hiện sáp nhập… Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận: Nam Định là một trong 5 địa phương có số lượng sắp xếp đơn vị hành chính nhiều nhất của cả nước nhưng đã sớm triển khai thực hiện và hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra. Tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, tiến hành bài bản, khoa học, chắc chắn từng bước theo trình tự, thủ tục, hướng dẫn của Trung ương và đảm bảo chất lượng, tiến độ; tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân.
Khu Công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) với tổng diện tích gần 200 ha, có nhiều doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đầu tư. |
Sau sắp xếp ĐVHC, tỉnh Nam Định còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện; 175 đơn vị hành chính cấp xã; qua đó giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị khẳng định: “Việc sáp nhập sẽ tạo hiệu ứng để các xã có điều kiện, không gian phát triển; đặc biệt, huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định có dư địa để phát triển hơn”. Theo đó, các ĐVHC mới sau sáp nhập đều có diện tích và quy mô dân số lớn hơn nhiều lần, hình thành nguồn quỹ đất dồi dào, tạo ra những mặt bằng đủ lớn để đón “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn. Đồng thời thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Đó cũng chính là điều kiện “tiên quyết” để các địa phương trong tỉnh thu hút đầu tư, thúc đẩy, hiện thực hoá các quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác có liên quan, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; mở ra không gian mới, định hình động lực và giải pháp tạo sức bật phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Sau sắp xếp, sáp nhập ĐVHC, thành phố Nam Định có diện tích tự nhiên 120,90 km2 và quy mô dân số là 364.181 người; có 21 ĐVHC cấp xã, gồm 14 phường và 7 xã (giảm 15 đơn vị). Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Ban TVTU, Bí thư Thành uỷ Nam Định cho biết: “Thành phố Nam Định sau sáp nhập sẽ có điều kiện mở rộng không gian phát triển, tăng diện tích đất xây dựng đô thị, tạo dư địa phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Sau sáp nhập, các nguồn vốn sẽ được huy động, tập trung đầu tư cho các hạng mục trong quy hoạch đáp ứng kịp thời Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050”.
Được tỉnh Nam Định hỗ trợ, Tập đoàn Quanta Computer Inc., đã nhanh chóng thực hiện công đoạn đầu tư, sản xuất. |
Bên cạnh đó, việc tăng quy mô dân số của các xã, phường và tăng số lượng đảng viên trong các đảng bộ, các tổ chức chính trị – xã hội cũng tạo thuận lợi hơn cho việc lựa chọn được những cán bộ, công chức có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu công việc, giảm chi ngân sách, từng bước nâng cao mức lương, chất lượng cán bộ, công chức. Sau sắp xếp, sáp nhập, qua tính toán, ngân sách tỉnh tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng/năm chi trả lương cho cán bộ, công chức. Từ đó, tỉnh có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn tạo điều kiện cho các đảng bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Đảng bộ xã Hải Nam (Hải Hậu) được sáp nhập từ 3 đảng bộ Hải Vân, Hải Phúc và Hải Nam. Sau sáp nhập, đảng bộ Hải Nam hiện có 1.106 đảng viên, là một trong các đảng bộ có số lượng đảng viên đông của huyện Hải Hậu. “Thêm người là thêm sức mạnh”, đồng chí Lã Văn Tiên, Bí thư Đảng bộ Hải Nam khẳng định: Mặc dù đảng bộ đông đảng viên nhưng nền nếp sinh hoạt rất đảm bảo, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt khoảng 83%. Đảng viên đông thì “sự lan toả” trong việc nắm bắt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các định hướng phát triển kinh tế đến nhân dân càng sâu rộng. Ngoài ra, việc sáp nhập còn giúp Hải Nam huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho xã nâng cao chất lượng xây dựng NTM, đặc biệt là huy động các khoản đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM.
Cán bộ xã Hải Nam (Hải Hậu) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân, nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực, bảo đảm tiến độ đề ra. Hoạt động của chính quyền cấp xã ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Khí thế thi đua thực hiện các phong trào ở các địa phương sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Nam Định có bước bứt phá vượt bậc về kinh tế – xã hội: tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 6 toàn quốc); thu ngân sách Nhà nước đạt 10.452 tỷ đồng (hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra); quy mô kinh tế cán mốc 100.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế – xã hội của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 9,35% (đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 10 toàn quốc); một số chỉ tiêu kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,52%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.000 tỷ đồng (tăng 68%); quy mô kinh tế tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 82.647 tỷ đồng; tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 57 dự án (bao gồm 28 dự án đầu tư trong nước và 29 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 7.091,7 tỷ đồng và 228,9 triệu USD. Theo đó, quy mô nền kinh tế được mở rộng, ước năm 2024 (so với năm 2020): tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) gấp 1,5 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 1,4 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 2 lần.
Thời gian qua, tỉnh cũng tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với việc đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu… góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh. Nam Định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao và 23,3% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao).
Công ty TNHH TOP TEXTILES, Khu Công nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng) sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao, dự kiến khi hoàn tất đầu tư sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm. |
Với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và những chủ trương, quyết sách đúng đắn, không ngừng đổi mới trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng những cách làm hiệu quả, có chiều sâu, tỉnh Nam Định đã tạo được niềm tin, động lực cho các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu đầu tư vào địa bàn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn, vị thế toàn cầu yên tâm lựa chọn Nam Định làm địa điểm đầu tư phát triển lâu dài. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Nam Định trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước. Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 253 dự án (gồm 181 dự án đầu tư trong nước, 72 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 87.859 tỷ đồng và 621,78 triệu USD, vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025). Nhiều Dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, tạo sức bật phát triển kinh tế – xã hội, như: Dự án sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc), tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận, với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Dự án Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng), với tổng mức đầu tư hơn 203 triệu USD; Dự án của Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc) và các doanh nghiệp phụ trợ, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD, tại KCN Mỹ Thuận…
Sản xuất tại Công ty TNHH TOP TEXTILES, Khu Công nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng). |
Ngoài thu hút vốn FDI, với môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, thủ tục hành chính được cải thiện, Nam Định ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn trong nước. Một số các dự án lớn, trọng điểm đã và đang được khẩn trương thực hiện, như tổ hợp 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư là 98.900 tỷ đồng; Dự án Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng (tương đương trên 100 triệu USD) tại KCN Bảo Minh mở rộng… Các dự án lớn trên địa bàn tỉnh khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ tạo việc làm cho hàng trăm nghìn công nhân, lao động và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương; nâng cao đời sống của nhân dân.
Chỉ sau 16 tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, Tập đoàn Quanta Computer Inc., của Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức xuất hai lô hàng mẫu máy tính xách tay từ nhà máy tại KCN Mỹ Thuận (thành phố Nam Định). |
“Ý Đảng hợp lòng dân”, vì vậy mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn, Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đưa bộ máy các ĐVHC mới nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Từ đó đã tạo thêm niềm tin, khí thế mới; mở ra không gian và tạo động lực phát triển mới trên nền tảng vững bền đã được tạo lập trong thời gian qua, với những cơ hội mới để Nam Định tăng tốc, bứt phá, sớm “về đích” trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Thu Thủy – Hoa Xuân – Viết Dư
—————————
Kỳ I: Đổi mới, sáng tạo trong sắp xếp đơn vị hành chính
Kỳ II: Khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”
Kỳ III: Gỡ “khó” trong sắp xếp đơn vị hành chính
Nguồn: https://baonamdinh.vn/multimedia/202410/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-quyet-tam-dong-thuan-trong-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-tao-dong-luc-moi-cho-nam-dinh-phat-trien-ky-iv-27561e9/