Chi bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) là tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Công an tỉnh Nam Định, có vai trò quan trọng trong lãnh đạo bộ phận chuyên môn thực hiện các nhóm nhiệm vụ: Công tác kỹ thuật hình sự, pháp y phục vụ hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; khám nghiệm hiện trường tất cả các vụ việc mang tính hình sự xảy ra trên địa bàn tỉnh; thực hiện giám định kỹ thuật hình sự đối với các loại dấu vết; triển khai biện pháp kỹ thuật phòng, chống tội phạm theo yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ trong ngành Công an, các tổ chức xã hội và công dân theo quy định; triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản liên quan đến kỹ thuật phòng, chống tội phạm; đồng thời thực hiện những nhiệm vụ liên quan do Giám đốc Công an tỉnh giao. Để xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, thời gian qua, cấp uỷ Chi bộ Phòng KTHS thường xuyên sáng tạo, đổi mới trong triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng; đặc biệt coi trọng thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Một buổi sinh hoạt chính trị chuyên đề về công tác chuyển đổi số của Chi bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Nam Định. |
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, Bộ Công an đã quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn lực lượng; trong đó KTHS là một trong những lực lượng được Đảng ủy Công an Trung ương xác định tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025. Để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương trên, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCA về “Tăng cường hiện đại hóa công tác KTHS và pháp y Công an nhân dân trong tình hình mới”; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa công tác KTHS đến năm 2025 trong Công an nhân dân”. Nội dung các chỉ thị, đề án đều xác định rõ hiện đại hóa là yêu cầu tất yếu, bắt buộc đối với lực lượng KTHS theo xu thế phát triển của xã hội, là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới…
Nhằm triển khai, thực hiện tốt các nghị quyết, đề án, chỉ thị, Chi bộ Phòng KTHS phối hợp với chuyên môn luôn xác định phải quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, có những phương pháp thực sự hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, Chi bộ đã tổ chức nghiên cứu, tham gia góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác KTHS như: Thông tư quy định về công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm của lực lượng KTHS Công an nhân dân; Thông tư ban hành quy trình giám định KTHS; Thông tư khám nghiệm hiện trường; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định tối thiểu cho tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực KTHS… Chi bộ phối hợp với lãnh đạo phòng chuyên môn tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định KTHS và pháp y; công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm của lực lượng KTHS để sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp. Qua đó, đối với lực lượng KTHS cấp tỉnh bố trí, sắp xếp cán bộ có trình độ công nghệ thông tin để thực hiện công tác giám định kỹ thuật số, điện tử và triển khai lĩnh vực giám định âm thanh khi có phương tiện; đề xuất trang cấp phương tiện, đào tạo cán bộ để từng bước mở rộng lĩnh vực giám định hóa pháp lý; đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm chức danh giám định viên, kỹ thuật viên đối với các đồng chí đủ điều kiện. Đối với lực lượng KTHS cấp huyện, thành phố chú trọng củng cố, kiện toàn lực lượng đảm bảo mục tiêu “tỉnh mạnh, huyện toàn diện”. Thời gian tới tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án thành lập Đội KTHS tại các Công an thành phố Nam Định, các huyện trọng điểm nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ngay tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu 100% các vụ án do cấp huyện thụ lý; đồng thời nghiên cứu thông tin, dữ liệu camera phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường, kỹ thuật phòng, chống tội phạm, giúp cơ quan điều tra giải quyết tốt các vụ án xảy ra trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đánh giá dấu vết, tài liệu, đủ năng lực phát hiện nhanh các chất ma túy tại hiện trường phục vụ điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện.
Cán bộ, đảng viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Nam Định nghiên cứu, mở rộng lĩnh vực giám định sinh – hóa pháp lý. |
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, Chi bộ Phòng KTHS phối hợp với chuyên môn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cử nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia các lớp học nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ do Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tổ chức; tổ chức tập huấn, hướng dẫn và cấp phát trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng KTHS cấp huyện; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ KTHS và pháp y Công an nhân dân cho các đồng chí là lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ thuộc lực lượng điều tra, giao thông, KTHS và Công an xã, thị trấn. Hàng năm rà soát, thống kê đánh giá thực trạng và nhu cầu nguồn nhân lực của lực lượng KTHS để có cơ sở đề xuất chỉ tiêu đào tạo tại các học viện, trường nghiệp vụ Công an nhân dân; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để bổ sung kiến thức cho đội ngũ giám định viên tư pháp, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nghiệp vụ cơ bản và thực hiện yêu cầu áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng, chống tội phạm. Định kỳ xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng KTHS cấp huyện, Công an cấp xã về kỹ năng bảo vệ hiện trường, xác định hiện trường, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc; phát hiện, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan theo chức năng của từng cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác tự học, tự rèn luyện luôn được chi bộ, lãnh đạo đơn vị chú trọng bằng các biện pháp thiết thực; khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ tự học tập nâng cao trình độ, từng bước áp dụng khoa học, công nghệ, khai thác tính năng của các phương tiện, trang thiết bị hiện có để mở rộng các lĩnh vực giám định…
Trên lĩnh vực lãnh đạo xây dựng, triển khai các dự án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, Chi bộ đã tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về nhu cầu diện tích xây dựng cơ sở làm việc cho lực lượng KTHS Công an địa phương. Công an tỉnh đã báo cáo, đề xuất và được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nhất trí chủ trương xây trụ sở làm việc độc lập cho Phòng KTHS. Đơn vị vừa đề xuất Bộ Công an trang cấp phương tiện và gia hạn bản quyền các phần mềm cho lực lượng KTHS Công an cấp tỉnh phục vụ công tác giám định tư pháp, công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm; triển khai phần mềm nghiệp vụ cơ bản cho lực lượng KTHS; trang cấp thêm các phương tiện nghiệp vụ cơ bản, cần thiết cho lực lượng KTHS cấp huyện để phục vụ công tác nghiệp vụ trên địa bàn.
Trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, Chi bộ phối hợp với chuyên môn đang xây dựng hệ thống tàng thư lưu trữ mẫu hình dấu, chữ ký của các tổ chức, cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhanh chóng công tác giám định khi có yêu cầu. Qua khai thác, sử dụng cho thấy nhiều ưu điểm, như chế độ tìm kiếm nhanh, thuận lợi, mẫu so sánh chuẩn, không bị phá hủy theo thời gian, đạt chất lượng cao, thể hiện rõ đặc điểm cá biệt… giúp rút ngắn thời gian giám định, kết quả giám định chính xác. Trong lĩnh vực giám định dấu vết cơ học đã chủ động thu thập mẫu vân lốp của các hãng ô tô, xe máy theo tiêu chuẩn của các hãng sản xuất để xây dựng hệ thống tàng thư mẫu vân lốp phục vụ công tác giám định so sánh vết vân lốp trong các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây chết người nhưng lái xe trốn chạy. Nghiên cứu, ứng dụng thành công máy quét hiện trường 3D trên không gian 3 chiều vào công tác dựng lại hiện trường bằng mô hình, video tình huống mô phỏng lại diễn biến các vụ va chạm tai nạn giao thông giúp cho việc xác định lỗi của các phương tiện tham gia giao thông được chính xác, khách quan, khoa học. Tiếp tục cải tiến, ứng dụng, nhân rộng sáng kiến công tác “Phát hiện dấu vết đường vân tại hiện trường bằng phương pháp xông keo di động” đạt chất lượng cao trong công tác phát hiện và giám định dấu vết đường vân.
Bên cạnh các giải pháp chuyên môn, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, Chi bộ Phòng KTHS đặc biệt quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhiều năm qua, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn gương mẫu, đương đầu với khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều phần việc khó, phải đưa ra quyết định sớm, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tiến hành hội ý ngay để bàn bạc, thống nhất cách thức giải quyết, không trông chờ, ỷ lại ở cấp trên. Phương châm của đơn vị là “giỏi một việc, biết nhiều việc”, khuyến khích mỗi cán bộ được bổ nhiệm giám định viên từ 2 lĩnh vực giám định trở lên, thậm chí giám định viên của lĩnh vực giám định này làm trợ lý giúp việc cho lĩnh vực giám định khác, như vậy mới có thể đảm đương được nhiều phần việc. Bên cạnh đó, Chi bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động quản lý và nắm tình hình đảng viên. Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ hàng tháng, sinh hoạt chuyên đề hàng quý, họp giao ban đơn vị nhằm tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, học tập, quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước; phân tích, đánh giá tình hình an ninh trật tự, khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác của lực lượng KTHS trong tình hình mới. Trong nhiều năm qua, Chi bộ không có đảng viên, cán bộ, chiến sĩ vi phạm bị xử lý kỷ luật; tất cả vì mục tiêu chung “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” như Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã đề ra.
Bài và ảnh: Trung tá Hoàng Đình Vấn
(Chi bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Nam Định)
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202410/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-phat-huy-vai-tro-lanh-dao-cua-to-chuc-dang-o-phong-ky-thuat-hinh-su-cong-an-nam-dinh-f6a7d3c/