Khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” từ cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đến nhân dân, hàng nghìn hộ dân trong tỉnh đồng lòng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của làm đường. Qua đó khẳng định niềm tin ngày càng vững chắc của người dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân. Đó là nguồn lực vô giá, kết quả từ quá trình củng cố, xây dựng tổ chức đảng, bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Người dân xã Tam Thanh (Vụ Bản) góp của, góp sức làm đường giao thông nông thôn. |
Từ một xã nghèo ven biển, xã Giao Phong (Giao Thủy) đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Đây là thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến thôn, xóm và sự đồng lòng của người dân. Điều này được thể hiện rõ nét qua phong trào hiến đất, làm đường với hơn 1.000 hộ tự nguyện hiến trên 53 nghìn m2 đất nông nghiệp, 300 hộ dân tự nguyện hiến 10 nghìn m2 đất thổ cư. Một trong những hộ gia đình tiên phong phá tường bao, hiến đất mở rộng đường phải nói đến gia đình ông Mai Đức Kiên, xóm Lâm Trụ. Ông Kiên cho biết: “Sau khi được cán bộ xã và thôn phổ biến, tuyên truyền và phát động phong trào hiến đất, làm đường, xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương, người dân chúng tôi đều nhận thức được hiệu quả thiết thực cho chính mình khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Chúng tôi đồng thuận bảo nhau tự nguyện hiến đất; tự bỏ công sức, thời gian phá dỡ tường bao, công trình phụ, kể cả kinh phí xây dựng lại tường bao để có đất mở rộng, nâng cấp đường, tạo diện mạo mới cho khu vực. Trong đó gia đình tôi hiến 150m2 đất thổ cư và tự phá bỏ hơn 100m tường bao để địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống rãnh thoát nước”. Không chỉ gia đình ông Kiên, nhiều đơn vị, cá nhân như: chùa Bảo Hoa; Chi bộ và nhân dân các xóm Lâm Hoan, Lâm Quan; gia đình đảng viên Nguyễn Hồng Giang, xóm Lâm Trụ… là những tấm gương tiêu biểu, tích cực hưởng ứng, đi đầu thúc đẩy phong trào hiến đất làm đường, xây dựng kiến thiết cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương ngày càng khang trang, hiện đại.
Đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Giao Phong chia sẻ: Muốn dân tin, dân hiểu, dân làm theo trong hiến đất, mở rộng đường thì trước hết chủ trương phải thấm vào dân. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thực hiện tốt công tác dân vận khéo. Đặc biệt, xã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đề cao tinh thần tiên phong, trách nhiệm nêu gương bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”… Không ngại khó, ngại khổ, khối dân vận xã đã chủ động phối hợp với ban phát triển thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong nhân dân. Vì vậy, nhân dân đồng thuận, tích cực góp sức, góp của mở đường. Hiện tất cả các đường giao thông liên xã, liên xóm, nội đồng ở Giao Phong đều được mở rộng, nâng cấp, cứng hóa, được lắp đặt các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc, hàng cây xanh theo quy định và có hệ thống chiếu sáng vào ban đêm đảm bảo “Sáng – xanh – sạch – đẹp”.
Đường giao thông nông thôn xã Giao Phong được mở rộng to đẹp, sạch sẽ, hiện đại. |
Con đường thôn Phú Thứ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) được xem là công trình điển hình cho việc người dân đồng thuận và chung sức thực hiện chủ trương xây dựng NTM tại địa phương. Con đường nằm trong dự án xây dựng tuyến đường liên xã Tam Thanh – Yên Lương do huyện Vụ Bản làm chủ đầu tư, dài 4km, trong đó 3,5km đi qua xã Tam Thanh. Quá trình xã Tam Thanh giải phóng mặt bằng để thi công con đường đã gặp vướng mắc lớn ở đoạn hơn 1,5km qua thôn Phú Thứ với khoảng 70 hộ có công trình nhà cửa, tường bao trong phạm vi phải giải tỏa. Khi biết có dự án làm đường qua đây, giá đất ngoài thị trường tại khu vực lên đến gần 30 triệu đồng/m2. Nếu thực hiện như các dự án thông thường thì nguồn ngân sách không thể đáp ứng việc đền bù để giải tỏa mặt bằng làm đường. Chính quyền xã quyết tâm vận động người dân hiến đất làm đường, vì mục tiêu chung. Thôn Phú Thứ có khoảng một nửa số dân cư là đồng bào Công giáo thuộc Giáo xứ Phú Thứ. Cùng với Ban hành giáo Giáo xứ, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Thanh đã vận động, thuyết phục nhân dân trong nhiều tháng. Ban đầu, Linh mục mở lời mời gọi cộng đoàn trong nhiều buổi làm lễ; chọn điểm đột phá ngay khu vực mặt bằng đi qua nhà thờ, chủ động phá dỡ và đầu tư hơn 400 triệu đồng xây lại cổng cùng tường bao dài hơn 100m của nhà thờ Phú Thứ để đường được mở rộng. Tuy vậy, do giá trị đất rất lớn, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý hiến đất. Không nản lòng, chẳng quản nắng, mưa, sớm, tối, đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bài kiên trì cùng Linh mục chánh xứ Phú Thứ đến từng nhà thuyết phục người dân. “Mưa dầm thấm lâu” cùng với sự gương mẫu của các hộ có cán bộ, đảng viên, hơn 70 hộ dân đã đồng lòng hiến hàng nghìn m2 đất ở, các nhà lùi 50cm đến hơn 1m. Đặc biệt, có 2 hộ còn phải dỡ 1 phần ngôi nhà của mình nhưng cũng không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì. Nhờ đó tuyến đường liên xã được mở rộng từ 3,5m lên 7m, hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Giờ đây, con đường trở thành niềm tự hào của nhân dân xã Tam Thanh nói chung và bà con của Giáo xứ Phú Thứ nói riêng.
Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng, “đi trước mở đường”. Nhiều năm trở lại đây, vấn đề này đã được tỉnh tập trung giải quyết nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” cản trở phát triển. Song nhu cầu đối với hệ thống giao thông của tỉnh rất lớn trong khi năng lực ngân sách có hạn, mà đường nông thôn để mở rộng sẽ cần giải phóng mặt bằng khối lượng lớn, chi phí lớn! Bởi vậy, đường nông thôn, nhất là đường liên thôn, trục xã ở nhiều địa phương nếu có được nâng cấp thì cũng nhỏ; nhiều tuyến mới chỉ được làm cứng mặt, ổ voi, ổ gà, “nắng bụi, mưa lầy”. Nếu không khắc phục được thì việc thông thương hàng hóa “đến tận ruộng” cũng khó khăn. Thực trạng này đã được khắc phục trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với phương thức giải phóng mặt bằng theo cơ chế NTM, cụ thể là vận động nhân dân hiến đất. Diện mạo giao thông ở nông thôn thay đổi hoàn toàn. Ngày càng nhiều những con đường trải nhựa, trải bê tông rộng rãi, thông thoáng nối các thôn, xóm, làng, xã, tạo thành những mạng lưới kéo dài hàng trăm km giăng mắc khắp tỉnh. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện góp trên 2.800ha đất nông nghiệp, hiến 206ha đất thổ cư (tổng giá trị ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng); đóng góp, ủng hộ 1.553 tỷ đồng làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi ở cấp xã và khu dân cư. Người dân trong tỉnh đã đồng thuận hiến đất, không toan tính thiệt hơn; thậm chí rất nhiều gia đình nông dân là những hộ nghèo, thu nhập thấp ở địa phương trong khi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, giá trị “tấc đất, tấc vàng” nhưng vẫn sẵn sàng hiến vì những lợi ích chung cộng đồng. Những con đường được trải nhựa, bê tông phẳng phiu, rộng rãi đang và sẽ tiếp tục được nối dài, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường giao giao lưu văn hóa giữa các địa phương, tạo diện mạo mới cho nông thôn Nam Định ngày càng phát triển.
Để đạt được kết quả trên là do Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các cấp đồng thuận, nhất trí cao từ chủ trương đến thực hiện, công khai, minh bạch, giúp nhân dân thấy được lợi ích mang lại cho chính họ; đồng thời phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” từ cấp ủy Đảng, chính quyền đến nhân dân, hàng nghìn hộ dân trong tỉnh đồng lòng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của làm đường. Qua đó khẳng định niềm tin ngày càng vững chắc của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân. Đó là nguồn lực vô giá, kết quả từ quá trình củng cố, xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202410/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-noi-dai-nhung-con-duongy-dang-long-dan-6bf49f5/