Hàng năm, cùng với chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trọng tâm của ngành như: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Dạy tốt – Học tốt”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; nữ cán bộ, giáo viên “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”… Qua đó, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được phát động sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ để cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành vượt qua mọi khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh đoạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024. |
Kỳ I: Linh hoạt, sáng tạo
trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua”, Sở GD và ĐT đã quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh về công tác thi đua khen thưởng và các phong trào thi đua, các cuộc vận động tới các đơn vị trong toàn ngành. Các đơn vị trong ngành luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, với nhiều cách làm hay, sáng tạo triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động đặc thù của ngành như: thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”… Các cơ sở giáo dục (CSGD) thường xuyên phát động và triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong học sinh, sinh viên như các phong trào “tự học, tự quản”; “sáng tạo, khởi nghiệp”; “làm theo lời Bác”; “hiến máu tình nguyện”… gắn với các chủ đề của từng năm học, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiêu biểu như Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh), xác định đẩy mạnh các phong trào thi đua là hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ chuyên môn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của nhà trường gắn với phong trào thi đua, nhằm hướng tới thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường là đào tạo, rèn luyện, tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi của huyện, bởi nhà trường là CSGD chất lượng cao của tỉnh. Thầy Nguyễn Sỹ Hiệp, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu các năm học, nhà trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của ngành và tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo” ở địa phương, xây dựng và thực hiện “Phong cách nhà giáo Trực Ninh”… Qua đó, cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục. Chất lượng giáo dục của trường từng bước được cải thiện rõ rệt, số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt những năm gần đây luôn đạt 100%.
Để các hoạt động của phong trào thi đua thực sự đi vào nền nếp, hiệu quả, Sở GD và ĐT căn cứ đặc điểm, tình hình, sự tương đồng trong triển khai nhiệm vụ giáo dục để chia thành các khối thi đua, các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố tiếp tục chia khối thi đua theo cấp học đối với các CSGD trực thuộc. Hằng năm, căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD và ĐT, các khối thi đua xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các phong trào thi đua; công tác khen thưởng, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, bình xét, biểu dương nhân rộng điển hình tiên tiến được kịp thời.
Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, nhiều trường học đã đảm bảo “vào cuộc” hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện. Đặc biệt, các trường học luôn coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên về các phong trào thi đua, các cuộc vận động; không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động. Quá trình thực hiện các phong trào thi đua, nhiều nhà trường đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp đặc thù đơn vị, địa phương.
Tại Trường Tiểu học Rạng Đông (Nghĩa Hưng), để đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc đẩy mạnh phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; gắn với việc xây dựng nhà trường theo phương châm 4 tốt “Môi trường giáo dục tốt, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt” và “Trường học hạnh phúc”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong “Dạy tốt – Học tốt”. Đặc biệt, để xây dựng nhà trường “4 tốt”, cùng với xây dựng môi trường giáo dục tốt, quản lý tốt, nhà trường đã tạo điều kiện cho giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để “Dạy tốt”. Để học sinh “Học tốt”, nhà trường tham mưu Đảng ủy thị trấn ban hành Nghị quyết số 07 về nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương; cán bộ, đảng viên đi đầu trong thực hiện đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tổ chức cho đảng viên, giáo viên phối hợp cùng chi hội khuyến học, tổ trưởng các tổ dân phố kiểm tra đôn đốc việc học tập ở nhà của học sinh, qua đó nâng cao chất lượng “Học tốt” của học sinh nhà trường và ở các cấp học của thị trấn.
Nhiều trường học đã yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ “Dạy tốt”, có ý thức trách nhiệm trên mọi cương vị, vị trí công tác; giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống của người giáo viên. Đặc biệt, Ban giám hiệu phải gương mẫu “nêu gương” theo đúng tinh thần của Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trong các phong trào, các nhiệm vụ được giao để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Các thầy, cô giáo thực hiện nêu gương “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương” sáng về đạo đức, nhiệt huyết với nghề, yêu thương học sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, qua đó, rất nhiều thầy, cô nêu cao tinh thần say mê nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chuyên môn. Nhà trường khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động theo chủ đề “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, trọng tâm là tăng cường ý thức và ý chí học tập, tu dưỡng đạo đức, hành vi văn minh, tuân thủ nội quy nhà trường. Học sinh được giáo dục đạo đức thông qua các giờ học Giáo dục công dân, tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp chính khóa để rèn luyện kỹ năng sống, được giáo dục lòng nhân ái thông qua việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các bạn học sinh nghèo vượt khó vươn lên đạt kết quả cao trong học tập; tiêu biểu như các trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định); THPT Giao Thủy (Giao Thủy), THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực), THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh), THCS Trần Huy Liệu (Vụ Bản)…
Việc linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động trọng tâm của ngành GD và ĐT đã và đang làm chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc ý thức, nhận thức trong cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác đối với ngành Giáo dục “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Minh Thuận
Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202410/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-lan-toa-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-trong-nganh-giao-duc-ky-i-a065638/