Kỳ I: “Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”
Kỳ II: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phá thế chia cắt về hạ tầng giao thông
(Tiếp theo và hết)
Kỳ III: Tạo lập “bệ phóng” vững chắc để Nam Định bứt phá
Sau hơn 3 năm nỗ lực, quyết tâm thực hiện khâu đột phá về hạ tầng giao thông để đẩy mạnh tăng tốc phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, tỉnh Nam Định đã có bước bứt tốc toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM), thu hút đầu tư… Đó là những tiền đề vững chắc, tự tin để tỉnh phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững kinh tế – xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đã đề ra.
Thi công cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi. |
Năm 2024 được xác định là năm bứt phá để Nam Định thực hiện và hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Trong 9 tháng năm 2024, nền kinh tế tỉnh phát triển ổn định với quy mô kinh tế (theo giá hiện hành) ước đạt 82.647 tỷ đồng, tăng 14,79% so với cùng kỳ năm 2023); huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023, là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh Nam Định là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu hút đầu tư FDI gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 57 dự án, bao gồm 28 dự án đầu tư trong nước và 29 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 7.091,7 tỷ đồng và 228,9 triệu USD.
Tỉnh xác định những tháng cuối năm 2024 tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Phấn đấu hoàn thành dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng và các dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Dự án cầu vượt sông Đáy đã được khởi công từ tháng 8/2023 với tổng chiều dài tuyến chính khoảng 2km, quy mô 4 làn xe, phần cầu vượt sông có chiều dài khoảng 1,36km, đường dẫn dài khoảng 0,64km; tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng nối các huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và Yên Khánh (Ninh Bình) khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối các tuyến giao thông huyết mạch của Ninh Bình và Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực Đồng bằng sông Hồng. Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông huyết mạch của tỉnh; trong đó thông nền đường dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển trước ngày 1/1/2025; hợp long cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi trước ngày 1/1/2025; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình giai đoạn II… Cùng với đó, tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng, phối hợp với các đơn vị để khởi công các dự án: Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định; cầu Ninh Cường… Triển khai thủ tục đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định giai đoạn 1 khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “Tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định theo mô hình tổ chức không gian “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau, cùng phát triển”. Để thực hiện quy hoạch tỉnh, ngành GTVT xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là nỗ lực nghiên cứu, rà soát để từ đó tham mưu cho tỉnh tập trung nguồn lực; tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm của Bộ GTVT trình Chính phủ đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại không chỉ kết nối thuận lợi các vùng động lực, các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế của tỉnh mà còn thỏa mãn yêu cầu kết nối vùng, liên vùng và hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia.
Những tháng cuối năm 2024, Sở GTVT đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ và phối hợp với Bộ GTVT triển khai các dự án cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ và cầu Đống Cao đơn nguyên 2 vượt sông Đào (dự kiến khởi công trong năm 2025). Hiện tại, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B với tổng mức đầu tư trên 581 tỷ đồng quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng cầu 12m; đường dẫn hai đầu cầu có quy mô đường cấp III đồng bằng theo TCVN 4054:2005, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, 2 làn xe, nền đường rộng 12m; đường gom, đường hoàn trả quy mô đường giao thông nông thôn theo TCVN 10380:2014 và phù hợp với quy mô đường hiện hữu. Chiều dài tuyến khoảng 1,65km kết nối các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh; điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km73+200 theo lý trình Quốc lộ 37B), thuộc địa phận thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh), điểm cuối tại Km1+650 (khoảng Km74+500 theo lý trình Quốc lộ 37B), thuộc địa phận thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). Cùng với đó, vừa qua Sở đã tham mưu cho tỉnh trình và được Chính phủ cho phép Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định, giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đến thành phố Nam Định (Nam Định). Trong giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ đầu tuyến Km0+00 (Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, tỉnh Hà Nam) đến nút giao với Quốc lộ 10, thành phố Nam Định trước năm 2030 (Giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030) với chiều dài khoảng 25,1km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam khoảng 16,6km, đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định khoảng 8,5km. Tuyến đường thuộc dự án sẽ xây dựng theo quy mô tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành, đường gom 2 bên, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Mạng lưới giao thông tỉnh sẽ cơ bản đảm bảo kết nối các hành lang kinh tế của tỉnh và kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Năm 2024 là năm “tăng tốc, bứt phá” thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025. Do vậy, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh; tập trung các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI như: Tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển; cầu qua sông Đào; Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sớm trình cơ quan có thẩm quyền đồng ý chủ trương nâng cấp tuyến đường Phủ Lý – Nam Định thành đường cao tốc và dự án “Đường địa phương – tỉnh Nam Định (LRAMP-FO)” nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, đường trục xã, liên xã, các cầu và cảng khách.
Quyết tâm dồn lực từng bước đầu tư trọng tâm, trọng điểm hệ thống hạ tầng giao thông đang khẳng định là những giải pháp đúng đắn để tỉnh ta xây chắc nền móng, tạo sức đột phá toàn diện, mạnh mẽ về các cơ hội, không gian phát triển mới, kiến tạo các lợi thế mới cho sự bứt phá của tỉnh; tiến tới hoàn thành mục tiêu “phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
Bài và ảnh: Thành Trung
——————
Kỳ I: “Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”
Kỳ II: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phá thế chia cắt về hạ tầng giao thông
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/Bai-du-thi-Giai-bua-liem-vang/202410/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-dot-pha-ha-tang-giao-thong-chia-khoa-phat-trien-ky-3-0a2518f/