Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền của tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần lan tỏa thông tin tích cực về các điển hình tiên tiến, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời phê phán, đấu tranh với những hành vi phản văn hóa, những lệch lạc trong lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nghi thức rước kiệu trong Lễ hội truyền thống Đền Trần (thành phố Nam Định). |
Lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng con người mới phát triển toàn diện
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những năm qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về giá trị tốt đẹp của dân tộc, đấu tranh phê phán những hành vi phản văn hóa trong một bộ phận nhân dân đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chú trọng. Ở tỉnh, ngay sau khi Nghị quyết số 35-NQ/TW được ban hành, 100% các cấp ủy, tổ chức đảng đã nhanh chóng quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Các địa phương, đơn vị đều thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35) để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện, đảm bảo việc triển khai một cách bài bản, thông suốt. Quá trình chỉ đạo thực hiện, Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy chú trọng định hướng các cơ quan báo chí, các trang, nhóm mạng xã hội trong hệ thống tăng cường thông tin tuyên truyền lan tỏa những thông tin tích cực về các giá trị văn hóa truyền thống, những nhân tố tích cực, những tấm gương tiêu biểu, góp phần tạo bầu không khí tươi sáng, nhân lên niềm tin của Nhân dân đối với cả hệ thống chính trị, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa ngày 24/11/2021.
Thời gian qua, đã có hàng chục nghìn tin, bài, hình ảnh, thông tin đồ họa được đăng tải, chia sẻ trên 47 trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội của Ban Chỉ đạo 35 các cấp tuyên truyền về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh liên quan đến phát triển văn hóa, những thành tựu của địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển. Đối mặt với những thay đổi nhanh chóng của xã hội, trong đó các giá trị văn hóa cũng chịu áp lực không hề nhỏ, Báo Nam Định, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã xây dựng, duy trì nhiều chương trình, chuyên mục, tiểu mục về gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân như Góc nhìn Văn hóa, Nam Định tôi yêu, Tạp chí Đất và người, Cuộc sống muôn màu, Đất nước và con người… Nhiều thuần phong mỹ tục, nếp sinh hoạt truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư được lan tỏa, qua đó giáo dục văn hóa, định hình các chuẩn mực xây dựng con người mới phát triển toàn diện, đấu tranh chống các hành vi biến tướng tâm linh, lợi dụng văn hóa để xuyên tạc những quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền với tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh triển khai chương trình truyền thông, phóng sự, bài viết tuyên truyền về tỉnh. Trong 2 năm 2022 và năm 2023, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất 2 tập phim tài liệu “Khám phá Thành Nam” và “Về với Thiên Trường xưa”; bộ phim “Đánh thức vùng đất Rạng Đông” và 66 phóng sự chuyên đề, công chiếu rộng rãi trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các nền tảng internet, mạng xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Nam Định năng động, giàu bản sắc.
Công tác tuyên truyền, định hướng đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhận thức và hành vi của cộng đồng. Lối sống văn hóa trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến rõ nét. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần ở các địa phương từng bước được hạn chế và đẩy lùi; những hành vi phản cảm tại các lễ hội lớn như Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Chợ Viềng… gần như vắng bóng; người dân có ý thức hơn trong xây dựng và bảo tồn văn hóa địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp, đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư được quan tâm thực hiện. Đã có 2.160 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được tỉnh phê duyệt góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, tạo sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân vào các cấp ủy đảng; đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.
Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng là bảo vệ linh hồn, mạch sống của Đảng. Từ góc nhìn văn hóa, trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trước hết cần thực thi, lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ trong toàn xã hội “giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định:“Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững”. Theo đó việc đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị văn hóa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải được triển khai thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Hiện nay các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách để phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Chúng tận dụng triệt để báo chí, internet, mạng xã hội… để chuyển tải các nội dung sai trái, thù địch nhằm lôi kéo, kích động làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Với phương châm tư tưởng phải đi trước một bước, không để bị động đối phó, với nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng trong việc phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trọng tâm là: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bản sắc văn hóa dân tộc, về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước; xác định phát triển văn hoá và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong hệ thống chính trị; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Quan tâm chỉ đạo và tổ chức thường xuyên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống; khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đề cao các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống lành mạnh của người Việt Nam; nâng cao cảnh giác cách mạng, bảo đảm được định hướng chính trị trên lĩnh vực văn hóa, khắc phục những hiện tượng thiếu dân chủ hoặc can thiệp thái quá đối với hoạt động văn hóa hoặc ngược lại là buông lỏng, né tránh, lúng túng, bị động trong xử lý các vấn đề về văn hóa. Chủ động cung cấp thông tin để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong đấu tranh trên internet, mạng xã hội; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá. Phát huy vai trò của các phương thức truyền thông mới trong việc thông tin lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức các chiến dịch truyền thông cao điểm, cung cấp thông tin chính thống, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong xã hội. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội để có biện pháp giải quyết kịp thời, uốn nắn những hành vi lệch lạc, sai trái. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản; thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu, thông tin sai trái, xuyên tạc, không để các thế lực thù địch lợi dụng tác động, hướng lái dư luận, góp phần kiến tạo niềm tin, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới hiện nay.
Trần Thị Kim Dung
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202409/tac-pham-du-thi-giai-bua-liem-vang-lan-thu-ix-nam-2024-phat-huy-suc-manh-cua-van-hoa-trong-cong-tac-tuyen-truyen-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-1bb3347/