Kỳ I: Nâng “chất” chi bộ: Nhiệm vụ cũ, yêu cầu mới
Kỳ II: Phát triển Đảng trong đồng bào có đạo: Nét riêng Nam Định
Kỳ III: Kiên quyết “sàng”, mạnh tay “lọc”
(Tiếp theo kỳ trước)
Những năm gần đây, nhiều đảng bộ, chi bộ trên địa bàn tỉnh, nhất là tổ chức cơ sở đảng vùng nông thôn, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên; tình trạng “già hóa” đảng viên cũng đang đặt ra nhiều mối quan tâm trong công tác xây dựng Đảng. Nhận diện những khó khăn trên, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ngày 16-6-2022 về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đoàn viên, thanh niên tham quan triển lãm “Hành trình tuổi trẻ Nam Định làm theo lời Bác”. |
Đảng bộ tỉnh hiện có 15 đảng bộ trực thuộc với 933 tổ chức cơ sở đảng, 4.373 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với hơn 110.900 đảng viên. Trong đó, có 35.267 đảng viên nữ; 11.993 đảng viên là đoàn viên, thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 169 đảng viên là sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học; 7.158 đảng viên là lãnh đạo, quản lý và lao động trong các doanh nghiêp… Những năm qua, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở luôn coi trọng và đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng viên. Tuy nhiên, công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, khu vực nông thôn, trong tôn giáo gặp không ít khó khăn; số lượng kết nạp đảng viên có chiều hướng giảm; một số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Giai đoạn 2001-2009, tỷ lệ đảng viên được kết nạp hàng năm đạt từ 2,39-3,06% tổng số đảng viên; giai đoạn 2010-2017 đạt từ 2,19-2,65%; giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm chỉ đạt 1,26-1,85%.
Ở khu vực nông thôn, thanh niên là nguồn quan trọng cho công tác phát triển Đảng. Tuy nhiên, xu hướng người trẻ “ly hương” đi làm ăn ở nơi khác diễn ra phổ biến, khiến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới ở các địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Theo Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Trần Minh Hải, nhiệm kỳ 2010-2015, toàn Đảng bộ huyện kết nạp 1.280 đảng viên mới; nhiệm kỳ 2015-2020 kết nạp 1.295 đảng viên mới, trung bình mỗi năm kết nạp 295 đảng viên mới, đều vượt Nghị quyết Đại hội đề ra. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, số lượng đảng viên mới được kết nạp thấp hơn nhiều so với các nhiệm kỳ trước; bình quân mỗi năm kết nạp 153 đảng viên mới, không đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 (bình quân 200 đảng viên trở lên). Nhiều chi bộ xóm, tổ dân phố 5 năm trở lên không kết nạp được đảng viên mới; còn nhiều cán bộ xóm, tổ dân phố chưa phải là đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, kết quả đã xoá tên, cho rút khỏi Đảng 40 trường hợp.
Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Trần Minh Hải nêu rõ: Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên do nguồn phát triển đảng viên ở khu dân cư khó khăn vì người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, làm trong các công ty hoặc ngại phấn đấu vào Đảng. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, còn nguyên nhân từ một số cấp ủy cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới; chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để tạo nguồn kết nạp đảng viên mới cho từng giai đoạn, không sát sao chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên giáo dục, lựa chọn quần chúng ưu tú cho chi bộ. Công tác vận động quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng của các cấp ủy chưa kiên trì, chưa theo kịp yêu cầu mới, không ít nơi cứng nhắc hoặc cầu toàn khiến quần chúng nhụt ý chí phấn đấu.
Nghị quyết 05 ngày 5-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vụ Bản “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ Đảng và chất lượng đảng viên giai đoạn 2020-2025” đã thẳng thắn nêu rõ: Công tác kết nạp đảng viên mới còn yếu, không đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là các chi bộ thôn, xóm, có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Tỷ lệ trưởng thôn, xóm, tổ trưởng dân phố chưa phải là đảng viên còn cao (tới 40,4%) phần nào đã ảnh hưởng tới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, làm giảm hiệu quả của việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Việc bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp Đảng ở thôn, xóm, tổ dân phố gặp nhiều khó khăn; nhiều quần chúng, nhất là thanh niên có trình độ, sau khi đi học chuyên nghiệp (cao đẳng, đại học và trên đại học) xong đi làm ăn xa, không về hoặc có về địa phương nhưng tập trung lao động tại các khu công nghiệp nên ảnh hưởng tới công tác tạo nguồn và bồi dưỡng kết nạp Đảng. Một số cấp uỷ cơ sở, người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chưa quyết liệt trong công tác phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng viên.
Không chỉ các địa phương, công tác phát triển đảng viên trong các trường học, doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong tỉnh thời gian qua kết quả còn “khiêm tốn”; tổng số đảng viên mới kết nạp từ năm 2020 đến năm 2022 là 273 đồng chí; trong đó: đảng viên là sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng, trung cấp là 164 đồng chí; đảng viên là cán bộ, công nhân viên, người lao động khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 109 đồng chí. Nguyên nhân dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên và doanh nghiệp ngoài Nhà nước hiện nay là: Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; đời sống công nhân, lao động, việc làm không ổn định, thu nhập còn ở mức thấp… đã tác động, ảnh hưởng đến việc phấn đấu vào Đảng của quần chúng. Một số doanh nghiệp chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, ít chú ý đến công tác phát triển Đảng. Sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn cho công tác tạo nguồn bồi dưỡng, rèn luyện kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng.
Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU, ngày 15-9-2022 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; Thường trực Tỉnh ủy ban hành Công văn số 928-CV/TU ngày 2-2-2023 “Về việc triển khai thí điểm sinh hoạt đảng và công tác phát triển đảng viên”, giao chỉ tiêu và bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên; thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền kết nạp đảng viên; kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với quản lý, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Hải Hậu ban hành Công văn 411 ngày 21-10-2022 về tăng cường công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới; yêu cầu đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hàng năm đạt từ 3-4% tổng số đảng viên; đề ra các giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới hàng năm. Phân công cán bộ, đảng viên phụ trách và chịu trách nhiệm tạo nguồn đối tượng cảm tình Đảng cho chi bộ; quan tâm quần chúng là người trực tiếp lao động, sản xuất, người có đạo.
Chi bộ Trường THPT Trần Hưng Đạo, Đảng bộ thành phố Nam Định tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho học sinh Trần Đình Đức (Lớp 12, có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện năm học 2022-2023). |
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Vụ Bản Phạm Văn Quyết cho biết: Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra các mục tiêu và nhiều giải pháp về phát triển đảng viên. Theo đó, phấn đấu mỗi chi bộ kết nạp ít nhất từ 1-3 đảng viên trở lên/nhiệm kỳ (đối với các chi bộ có nguồn quần chúng); hàng năm có từ 80% đảng viên và 80% chi bộ trực thuộc cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Khắc phục tình trạng trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên, phấn đấu tới hết năm 2025 có từ 85% trở lên trưởng thôn, xóm, tổ trưởng dân phố là đảng viên. Định kỳ hàng năm, các cấp ủy xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên trên cơ sở đánh giá chất lượng quần chúng; chú ý những quần chúng là trưởng thôn, xóm, tổ dân phố chưa phải là đảng viên, những sinh viên đã ra trường, bộ đội xuất ngũ đang tham gia các phong trào ở cơ sở, những người sản xuất, kinh doanh giỏi, có uy tín trong cộng đồng dân cư… để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Các chi bộ đưa công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên vào nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng; yêu cầu đánh giá nghiêm túc kết quả, tiến độ đã thực hiện để đưa ra các giải pháp cụ thể. Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Vụ Bản kết nạp được 239 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là 6.569 người, sinh hoạt tại 57 tổ chức cơ sở đảng.
Tại huyện Xuân Trường, công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới cũng gặp không ít thách thức, song các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp 317 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện là 8.758 đồng chí. Chất lượng đảng viên ngày càng nâng lên (trong đó tỷ lệ nữ năm 2021 là 59/104 đảng viên, đạt tỷ lệ 56,7%; tỷ lệ nữ năm 2022 là 67/104 đảng viên, đạt 64,4%). Qua phân tích chất lượng đảng viên cuối năm, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%. Đồng chí Bùi Văn Hảo, Bí thư Huyện ủy Xuân Trường chia sẻ: Để có được kết quả trên, Huyện ủy giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới tới từng tổ chức cơ sở đảng; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10, ngày 19-4-2021, của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội đã chăm lo đào tạo, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, giúp đỡ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xem xét giới thiệu kết nạp vào Đảng.
Bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương; sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp để phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện tạo nguồn đối tượng kết nạp đảng đã góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” thiếu nguồn.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Việt Thắng