Vụ xuân là vụ sản xuất có ý nghĩa quan trọng vì có điều kiện thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và các huyện, thành phố Nam Định đang tập trung chỉ đạo tổ chức tốt các điều kiện phục vụ gieo trồng lúa, rau màu phù hợp với điều kiện thực tế, quyết tâm giành vụ xuân thắng lợi.
Hợp tác xã Bảo Xuyên, xã Thành Lợi (Vụ Bản) ra quân làm thuỷ lợi nội đồng, phục vụ sản xuất vụ xuân 2025. |
Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2025 toàn tỉnh gieo cấy 70,2 nghìn ha lúa bằng các giống chất lượng cao (chiếm khoảng 85% tổng diện tích) như: Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, LP5, TBR225, BC15 kháng đạo ôn, TBR87, TBR97, Nếp 97, CS6-NĐ, Hồng Đức 9, Hương cốm 4, Đài thơm 8, ST24, ST25…; gieo trồng 11,5 nghìn ha rau màu các loại. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, các địa phương gieo mạ tập trung từ ngày 31/1 đến 4/2/2025, gieo mạ theo phương thức mạ nền là chủ yếu và bắt đầu xuống đồng gieo, cấy lúa xuân từ ngày 13/2; phấn đấu cấy xong toàn bộ diện tích vụ xuân trước ngày 25/2. Bám sát kế hoạch gieo cấy và định hướng của ngành Nông nghiệp, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định đã chuẩn bị lượng giống lúa chất lượng cung ứng cho nông dân các địa phương gieo cấy đúng thời vụ. Chủ tịch HĐQT Công ty Mai Văn Đức cho biết: “Ngoài 2 giống lúa thuần NĐ5, LP5 kháng bạc lá của đơn vị chọn tạo đã được Bộ NN và PTNT công nhận là giống lúa độc quyền sản xuất với số lượng sản xuất và cung ứng hàng năm khoảng 250-300 tấn, vụ xuân năm 2025 Công ty còn sẵn sàng cung ứng khoảng 350 tấn giống lúa thuần, lúa lai cho nông dân các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng, khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung”.
Theo Sở NN và PTNT, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân được các địa phương, nông dân triển khai tích cực, nhất là việc làm đất, chuẩn bị các loại giống lúa, phân bón, vật tư nông nghiệp. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, sản xuất vụ xuân năm 2025 diễn ra trong điều kiện hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 55-60%. Không khí lạnh hoạt động tăng cường và gây rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nguồn nước trên hệ thống các sông tiếp tục thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, lưu vực sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 10-20%.
Bám sát diễn biến và lường trước những khó khăn do thời tiết diễn biến cực đoan, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ cuối tháng 11/2024, ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố, các công ty thuỷ nông đã bước vào đợt cao điểm làm thủy lợi nội đồng. Theo đó, toàn tỉnh đào đắp 4.172 bờ vùng, kênh mương, kiên cố 60 kênh với tổng khối lượng đào, đắp gần 1 triệu 314 nghìn m3 đất, gạch đá xây 4.364m3, 531m3 bê tông; làm mới 820 cống đập cấp III; sửa chữa 75 công trình đầu mối, 125 công trình cống đập cấp I, cấp II và 1.791 công trình cống đập cấp III; nạo vét 33 cửa cống, 29 bể hút, 18 kênh cấp I, 151 kênh cấp II và 5.203 kênh cấp III; sửa chữa 409 máy bơm, 197 máy đóng mở và duy tu bảo dưỡng tất cả máy bơm, thiết bị tại các trạm bơm. Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: “Quá trình sửa chữa máy móc, thiết bị bơm, nạo vét, đào đắp kênh mương, cống, đập, xi phông… được tiến hành tập trung, bảo đảm chất lượng, hoàn thành sớm để chuẩn bị phục vụ sản xuất vụ xuân 2025. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT, các địa phương và các công ty thuỷ nông cũng chủ động xây dựng kế hoạch lấy nước phục vụ làm đất, đổ ải, gieo mạ, gieo cấy và chăm sóc lúa, màu”. Theo Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Mỹ Thành Trần Ngọc Sơn cho biết: Bám sát diễn biến thời tiết và các đợt xả nước liên hồ Hòa Bình – Thác Bà – Tuyên Quang để Công ty có kế hoạch điều hành hệ thống thủy nông bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, xây dựng các phương án và lịch lấy đủ nước phục vụ làm đất, gieo mạ, cấy lúa, trồng màu vụ xuân 2025 bảo đảm phù hợp với từng xã, vùng sản xuất do đơn vị phụ trách.
Cùng với việc chuẩn bị tốt số lượng, chủng loại giống, vật tư nông nghiệp, các phương án tưới tiêu nước, ngành Nông nghiệp cũng dự báo nhiều đối tượng sâu bệnh, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng, nhất là bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ. Lực lượng lao động nông nghiệp thiếu và yếu do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, lực lượng lao động trẻ đi làm xa hoặc chuyển sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Giá các loại vật tư nông nghiệp có nhiều biến động, thị trường và giá nhiều loại nông sản không ổn định ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của các hộ nông dân. Mặt khác các cơ chế, chính sách của Nhà nước, địa phương đối với nông nghiệp, nông thôn chưa tạo nhiều động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Lường trước những khó khăn, thách thức và để bảo đảm sản xuất vụ xuân theo đúng kế hoạch đã xây dựng, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương tập trung nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất, hình thành thêm nhiều vùng sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn sản xuất đồng trà, đồng giống… nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông sản hàng hoá quy mô theo chuỗi giá trị và hiệu quả cao; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tập trung lực lượng, máy móc đẩy nhanh tiến độ làm đất và hoàn thành trước Tết âm lịch; thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ tàn dư thực vật; tranh thủ tối đa mọi nguồn nước để thau rửa cho những ruộng nhiễm chua, mặn và phèn. Trong thâm canh lúa, sử dụng các giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ sản phẩm; đối với chân ruộng nhiễm chua, mặn hoặc úng, trũng tăng cường sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao. Tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn lựa chọn các giống lúa mới có triển vọng như: Thiên Trường 900, Hạt vàng 36, Hạt Ngọc 9, Ngọc Nương 9, TBR 225 kháng bạc lá… để bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Trong chăm sóc lúa, thực hiện bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm, không bón phân lai nhai, không bón phân đạm muộn; tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân ruộng nhiễm chua, mặn, phèn. Đặc biệt các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê dồn đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả và diện tích ruộng bị bỏ hoang để hình thành các vùng sản xuất tập trung; lựa chọn đối tượng chuyển đổi phù hợp và lập phương án chuyển đổi theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp tích tụ, thuê mượn ruộng để sản xuất hàng hoá theo cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp, các huyện, thành phố khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển các hình thức cơ giới hoá các khâu làm đất, gieo cấy bằng máy; tập trung nguồn kinh phí khuyến nông, kinh phí quản lý, sử dụng đất trồng lúa để hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP hoặc theo công nghệ Nhật Bản.
Trong điều kiện có không ít khó khăn, thách thức đối với sản xuất vụ xuân năm 2025, song ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ sản xuất để phấn đấu giành thắng lợi cao nhất.
Bài và ảnh: Văn Đại
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/nha-nong-can-biet/202412/san-sang-cho-san-xuat-vu-xuan-nam-2025-thang-loi-dc96b8f/