Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Xuân Trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững.
Sản xuất máy nông cụ tại làng nghề cơ khí Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Theo đó để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Duy trì, mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là những tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, của quốc gia đi qua địa bàn.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện tiếp tục duy trì và mở rộng các cánh đồng lớn sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phát triển kinh tế trang trại theo quy hoạch, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, chuyển sang chăn nuôi tập trung, khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. UBND huyện đã ban hành cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các xã, thị trấn tiếp tục đổi mới, tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sau chuyển đổi để phát huy vai trò là cầu nối đại diện cho nông dân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đến nay, Xuân Trường đã có 29 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 90 triệu đồng/năm…
Xuân Trường cũng là địa phương có thế mạnh về sản xuất CN-TTCN; nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như cơ khí Xuân Tiến, chế biến nông sản Xuân Kiên, đồ gỗ mỹ nghệ Xuân Bắc, in thêu Xuân Phương. Hiện 100% xã, thị trấn có làng nghề truyền thống hoạt động ổn định bảo đảm việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động. Huyện có 4 cụm công nghiệp (CCN) tập trung gồm: CCN huyện Xuân Trường, CCN Đóng tàu, CCN Xuân Tiến, CCN Xuân Bắc đều hoạt động hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt hơn 7.000 tỷ đồng, bằng hơn 60% kế hoạch năm, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt hơn 24,5 triệu USD, bằng 60% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Do đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, làng nghề, đến nay cơ cấu kinh tế của huyện có bước chuyển dịch tích cực với giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 87,96%; nông nghiệp, thủy sản chỉ còn 12,04%, gần đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Nhằm mở rộng dư địa phát triển cho Xuân Trường, hiện nay UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp vào nghiên cứu, khảo sát đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp: Xuân Kiên, Thượng Thành và mở rộng CCN Xuân Tiến giai đoạn 2; tập trung xây dựng khu trung tâm dịch vụ thương mại chân cầu Lạc Quần, hệ thống cửa hàng tiện ích nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; đồng thời chấp thuận cho Công ty Cổ phần May Sông Hồng đầu tư dự án xây dựng khu sản xuất may xuất khẩu tại xã Xuân Hòa trên diện dích 8,74ha, liên quan đến 127 hộ dân, số tiền đền bù để nhận mặt bằng 21,84 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo rà soát, điều chỉnh định hướng phát triển CN-TTCN phù hợp với nội dung quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030; quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả các CCN hiện có; tích cực hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đồng chí Bùi Văn Hảo, TUV, Bí thư Huyện ủy cho biết: huyện Xuân Trường đang được tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện cho xây dựng một số dự án giao thông quan trọng, qua đó sẽ mở ra dư địa phát triển mới, hướng giao thương thuận lợi không chỉ với các địa phương trong tỉnh mà còn đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển đi qua 5 xã: Xuân Ninh, Xuân Kiên, Xuân Hòa, Xuân Tiến và thị trấn Xuân Trường, sử dụng diện tích đất khoảng 50,8ha, liên quan tới 753 hộ gia đình, cá nhân. Hiện Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể về hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước ngày 30-6-2024. Dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình đi qua địa bàn huyện liên quan đến 7 xã: Xuân Hồng, Xuân Ngọc, Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Thủy, Xuân Phong, Xuân Tân; tổng diện tích đất sử dụng khoảng gần 80ha; trong đó đất ở 4,71ha, đất lúa 47,37ha, còn lại là các loại đất khác; địa phương đang thực hiện các bước kiểm đếm, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Xuân Trường khẳng định, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo duy trì, mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, để huyện Xuân Trường sớm trở thành trung tâm phát triển của các huyện phía nam tỉnh như kỳ vọng./.
Bài và ảnh: Xuân Thu