Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh với mục tiêu “Xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh ta đã đạt nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh chụp ảnh cấp thẻ căn cước công dân cho nhân dân.
Ảnh: Văn Đại
|
Để đạt kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, ngày 16-7-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU. Tỉnh tích cực chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ CCHC thuộc Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh và ban hành các kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC), yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá toàn diện các TTHC tại các cấp đã được công bố. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác CCHC; nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Các sở, ngành, các địa phương đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong nỗ lực CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng thiết thực hơn, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan, đơn vị. Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng thực thi công vụ cho đội ngũ công chức, viên chức phụ trách công tác CCHC, nhất là trực tiếp làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh và Bộ phận “một cửa” cấp huyện. Các sở, ban, ngành, địa phương lấy kết quả thực hiện công tác CCHC hàng năm là một trong các cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành, trách nhiệm của người đứng đầu và công tác thi đua khen thưởng. Tích cực chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 9-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các cấp chính quyền, các ban, ngành chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước như: Sử dụng hệ thống “một cửa” điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; sử dụng văn bản điện tử; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh nhằm công khai, minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước; giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC cho các nhà đầu tư, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh, doanh như: đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, tiếp cận nguồn vốn, điện năng…
Bên cạnh đó, việc giám sát, đánh giá, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nghị quyết; thường xuyên duy trì hoạt động của Tổ công tác kiểm tra công vụ theo hướng tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết TTHC.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, công tác CCHC của tỉnh tiếp tục chuyến biến đáng ghi nhận. Nhận thức về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về CCHC được nâng lên. Những quy định TTHC không còn phù hợp được kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành. Hầu hết các TTHC được rút ngắn thời gian, giảm chi phí, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện TTHC. Các TTHC còn được chủ động công bố, công khai tại Bộ phận hành chính một cửa và trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị theo quy định. Toàn tỉnh có 1.716 TTHC (100%) được niêm yết công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trong đó có 1.248 TTHC, tỷ lệ đạt 74% được cung cấp trực tuyến ở 2 mức độ theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24-6-2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng (gồm: 918 TTHC là dịch vụ công trực tuyến toàn bộ và 330 là dịch vụ công trực tuyến một phần). Hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên Hệ thống năm 2022 đạt tỷ lệ 54%, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông Nam Định xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.
Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục hoạt động hiệu quả và được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đảm bảo các điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC với cơ quan Nhà nước. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì thường xuyên theo nguyên tắc nhà đầu tư chỉ phải làm việc với một cơ quan đầu mối duy nhất và không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định. Hiện có 17/17 cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” liên thông tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện, 226/226 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Cổng dịch vụ công đã đáp ứng chức năng, yêu cầu kỹ thuật và cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến theo danh mục đã được phê duyệt. Đến nay đã có hơn 6,3 triệu lượt người truy cập; Nam Định là một trong 8 địa phương đầu tiên hoàn thành việc kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với Hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,9%. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh năm 2022 đạt 84,86 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố; thuộc nhóm khá trong bảng xếp hạng toàn quốc, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra (mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chỉ số Par Index của tỉnh thuộc nhóm khá trong bảng xếp hạng của cả nước). Chuyển biến tích cực trong CCHC đã đóng góp nhiều điểm cộng trong cải thiện môi trường đầu tư, Nam Định đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
Những kết quả đạt được trong công tác CCHC sau nửa nhiệm kỳ đại hội, tạo tiền đề và động lực quan trọng góp phần giúp Nam Định thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Thanh Thúy