Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách con người; lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình có ý nghĩa tiên quyết để xây dựng những nền tảng văn hóa vững chắc, điểm tựa cho sự phát triển của con người và xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Từ nhận thức đó, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác gia đình; trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa theo các mục tiêu “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”; đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình (BLGĐ), xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật xã Yên Phong (Ý Yên). |
Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Sở VH, TT và DL phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh như các kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, giai đoạn 2021-2030”; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Sở VH, TT và DL đã ban hành các văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6); ban hành kế hoạch hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên cơ sở gìn giữ, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu giá trị văn hóa mới; hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động nhân Tháng Hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”. “Ngày hội” gia đình Việt Nam (28-6) hàng năm được ngành VH, TT và DL tỉnh và các địa phương tổ chức với các chủ đề mang ý nghĩa thiết thực như: “Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”, “Kết nối yêu thương”, “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”…
Từ năm 2022 đến nay, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các diễn đàn: “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ 4.0” cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, hội viên phụ nữ. Tại các diễn đàn, các đại biểu đã được nghe diễn giả chia sẻ, phân tích thời cơ, thách thức đối với gia đình trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa trong thời đại công nghệ số… Thông qua các diễn đàn, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, hội viên phụ nữ trong tỉnh được bổ sung kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa của mái ấm gia đình; vai trò của phụ nữ trong việc vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình thời kỳ mới. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các thông điệp về gia đình và phòng, chống BLGĐ qua các hình thức cổ động trực quan: băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, bảng tin cộng đồng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các tiêu chí ứng xử chung như: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” với 4 nguyên tắc cụ thể cho 4 mối quan hệ cơ bản trong gia đình: vợ – chồng (chung thủy, nghĩa tình); cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương); con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép); anh – chị – em (hòa thuận, chia sẻ). Các khẩu hiệu tuyên truyền như: “Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Gia đình – Nơi của yêu thương và chia sẻ”, “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”… Việc thực hiện phong trào “Gia đình văn hóa” đã phát huy vai trò của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi gia đình trong xã hội để chung tay xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh; từ đó phát huy vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, định hướng giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 87% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Gia đình ông Bùi Văn Vạn, xóm 4, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) là gia đình văn hóa có truyền thống hoạt động nghệ thuật. |
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ được các địa phương, cơ sở lồng ghép trong hướng dẫn, kiểm tra thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt xây dựng gia đình văn hóa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025… Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phòng ngừa, khắc phục, hạn chế một số nội dung còn tồn tại trong triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ tại các địa phương. Các mô hình phòng, chống BLGĐ được xây dựng, nhân rộng và ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 167 mô hình theo chuẩn của Bộ VH, TT và DL; 782 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 982 nhóm phòng, chống BLGĐ; 1.177 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 181 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh các trường hợp BLGĐ, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Việc xây dựng và duy trì các mô hình, câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ cùng với các mô hình khác như: mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Gia đình văn hóa làm kinh tế giỏi”… ở cơ sở đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn, làm giảm tình trạng BLGĐ. Năm 2022, qua báo cáo, toàn tỉnh xảy ra 28 vụ BLGĐ, 25 hộ có xảy ra BLGĐ; trong đó 19 vụ bạo lực về tinh thần, 8 vụ bạo lực về thân thể, 1 vụ bạo lực về kinh tế. Các ngành chức năng đã có những biện pháp xử lý tích cực, hiệu quả; trong đó: góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 24 người; xử phạt vi phạm hành chính 4 người. Cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi BLGĐ mang tính răn đe đối với người có hành vi vi phạm, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với các nạn nhân bị BLGĐ như: tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật và chăm sóc hỗ trợ sức khỏe sau khi bị BLGĐ. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng, BLGĐ bị lên án, tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội, gia đình thực hiện, bảo vệ và phát huy.
Bối cảnh đô thị hóa, lối sống hiện đại trong môi trường số hóa với tốc độ nhanh chóng đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đe dọa sự duy trì tồn tại của văn hóa gia đình truyền thống; càng đặt ra những vấn đề cấp thiết đối với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình và đời sống cộng đồng. Thời gian tới, Sở VH, TT và DL tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương để triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ theo các chương trình, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; phổ biến kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) năm 2022. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3); Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) với nội dung thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, tạo sự lan toả, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của gia đình và xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ mới./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng