Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hội viên nông dân thuận lợi tiếp cận và được vay vốn chương trình mục tiêu để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, chung tay cùng xây dựng “Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Thông qua tổ vay vốn và tiết kiệm, người dân đã kịp thời tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Agribank để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. (Trong ảnh: Vận hành máy đục CNC tại xưởng sản xuất đồ gỗ Yến Vinh, xóm 2, xã Hải Phương, Hải Hậu). |
Theo đánh giá thường niên giữa Agribank và Hội Nông dân tỉnh, hoạt động phối hợp giữa hai đơn vị ngày càng được mở rộng. Đến nay, cơ bản các tổ vay vốn của Hội Nông dân tỉnh hoạt động hiệu quả, đúng quy trình, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thực sự phát huy vai trò là “cánh tay vươn dài” của Agribank đối với hoạt động tín dụng trên địa bàn nông thôn. Hơn thế, tổ vay vốn còn làm tốt chức năng tuyên truyền đến với đông đảo người dân, giúp họ nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật về tài chính, tín dụng, đồng thời được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận tiện nhất. Qua đó cũng giúp cho ngân hàng có điều kiện để mở rộng tín dụng cho vay hiệu quả và giảm tải áp lực cho cán bộ tín dụng. Đồng thời, tổ vay vốn còn làm tốt nhiệm vụ đôn đốc thu nợ, thu lãi, xử lý nợ, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn nguồn vốn cho vay, nợ quá hạn luôn ở mức thấp. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng quan tâm đến việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả nợ vay (gốc, lãi) đầy đủ, đúng kỳ hạn đã cam kết. Nhờ vậy, Chi nhánh không ngừng tăng số lượng khách hàng, mở rộng đầu tư phát triển về nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và quảng bá thương hiệu.
Để nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả cao nhất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, khó khăn để hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ ngay từ cơ sở. Hàng năm Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định kết hợp với các cấp Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình xét duyệt cho vay và quản lý vốn vay của các hội cơ sở và tổ vay vốn như: Việc tổ chức họp, sinh hoạt tổ; giao ban tổ trưởng tổ vay vốn; thực hiện nhiệm vụ của ban lãnh đạo tổ vay vốn; quy trình xét duyệt cho vay và quản lý vốn vay thông qua tổ vay vốn; việc mở sổ sách theo dõi cho vay, quản lý, lưu giữ hồ sơ pháp lý; xếp loại tổ… Qua đó, kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý, chấn chỉnh và khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện; nâng cao trình độ, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo và hoạt động tín dụng, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vay vốn. Trong năm 2017, Agribank tỉnh Nam Định đã ban hành “Sổ tay cho vay qua tổ vay vốn”, hướng dẫn từng bước thực hiện quy trình cho vay qua tổ vay vốn cho cán bộ ngân hàng, Ban lãnh đạo tổ và phòng đại diện tại các xã, thị trấn. Đẩy mạnh chỉ đạo các chi nhánh Agribank loại II phối hợp với các cấp Hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ, triển khai các văn bản mới, chính sách mới về tín dụng.
Đầu tư vốn vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa bàn nông thôn; giúp cho hộ sản xuất, kinh doanh có thêm cơ hội lựa chọn các dự án đầu tư; đặc biệt đối với các làng nghề, hộ làm kinh tế trang trại, kinh tế biển có vốn để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh; khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thông qua chương trình phối hợp đã tạo được niềm tin của hội viên, là đòn bẩy để các cấp Hội Nông dân vận động tập hợp, thu hút hội viên, tạo sức hấp dẫn cho tổ chức Hội; xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; đẩy mạnh phong trào thi đua nòng cốt của Hội “Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”… Nhờ đó, ở các địa phương xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân nông dân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, khôi phục và phát triển nghề truyền thống. Tiêu biểu như nghề nuôi trồng thuỷ sản tại xã Hải Phúc, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Hải Minh (Hải Hậu), nuôi ngao vạng ở Giao Xuân (Giao Thủy), nuôi cá bống bớp ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); nghề cơ khí tại thị trấn Xuân Trường… góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và có thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Các hộ vay vốn ngày càng tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nông dân thêm tin tưởng gắn bó với tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương; nhiều hộ được vay vốn đã giải quyết được việc làm và vươn lên thoát nghèo, nhiều trang trại mở ra cách làm ăn mới có hiệu quả kinh tế cao. Đến hết tháng 2-2023, tổng dư nợ cho vay qua tổ của Chi nhánh đạt 12.484 tỷ 174 triệu đồng; giai đoạn 2016-2022 bình quân tăng trưởng dư nợ hàng năm đạt 7%. Mạng lưới tổ vay vốn đạt 1.709 tổ với 39.239 thành viên; bình quân đạt 314 triệu đồng/người; Bình quân dư nợ cho vay qua tổ đạt 7 tỷ 304 triệu đồng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,08% trên tổng dư nợ. Đến hết tháng 6-2023, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định đã xây dựng được hệ thống vững chắc với 1.364 tổ vay vốn qua kênh Hội Nông dân tỉnh, chiếm 83,5% tổng số tổ vay vốn. Dự nợ cho vay qua Hội Nông dân tỉnh đạt 9.319 tỷ đồng với 27.340 khách hàng còn dư nợ; nợ xấu chỉ có 4,9 tỷ đồng.
Thông qua chương trình phối hợp giữa Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định và Hội Nông dân các cấp đã góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mô hình cho vay qua tổ vay vốn là kênh dẫn vốn hiệu quả, giúp cho hộ vay được tiếp cận nguồn vốn và sử dụng các dịch vụ của Agribank nhanh chóng, thuận lợi và an toàn. Nguồn vốn đã hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất, liên kết hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Đức Toàn