Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025 là phát triển trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Do đó, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, thành phố đã gia tăng các giải pháp thiết thực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện nhiệm vụ này.
Sản xuất sợi tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định. |
Thành phố Nam Định đã nỗ lực huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên tập trung, lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, là cơ sở để phát huy vai trò đô thị trung tâm, động lực phát triển. Hạ tầng đô thị phát triển nhanh, hệ thống thương mại dịch vụ ngày càng hiện đại, đa dạng, thu hút người tiêu dùng. Một số dự án, công trình trọng điểm đã hoàn thành, đang thi công hoặc chuẩn bị triển khai thi công tạo các điểm nhấn về cảnh quan đô thị và cơ hội thu hút đầu tư phát triển cho thành phố như: Cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; đường trục trung tâm phía nam thành phố (đoạn từ Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); đường gom Quốc lộ 10 (đoạn từ đường Tức Mạc đến đường Phù Nghĩa); khu đô thị mới phía nam sông Đào; khu đô thị Nguyễn Công Trứ; Quảng trường Hòa Bình; cải tạo, nâng cấp cảnh quan hồ Vị Hoàng; cải tạo, nâng cấp hệ thống hè đường chính trong nội đô; khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thành phố còn tập trung phát triển các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, văn hoá và thể thao, y tế, khoa học và công nghệ tạo tiền đề từng bước hình thành các chức năng trung tâm vùng. Theo đó, hệ thống cơ sở vật chất giáo dục được tích cực xây dựng đạt chuẩn theo quy định; đã có 5 công trình hạ tầng thể thao đủ tiêu chuẩn phục vụ thi đấu cấp quốc gia, quốc tế và 3 nhà thi đấu đa năng của các trường đại học, cao đẳng. Năm 2022, Nam Định là 1 trong 12 tỉnh vinh dự được đăng cai và tổ chức thành công các trận thi đấu bóng đá nam SEA Games 31, được Ban Tổ chức và đông đảo cổ động viên, bạn bè trong nước, quốc tế đánh giá cao; đặc biệt là sự ghi nhận của một số kênh truyền thông quốc tế và khu vực có uy tín. Các bệnh viện, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo chuyển giao các kỹ thuật y tế chuyên sâu; duy trì 4 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Trung ương. Hệ thống y tế tư nhân được đầu tư quy mô, chất lượng như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Phòng khám Đa khoa Đông đô – Hà Nội (Chi nhánh Nam Định), Phòng khám chuyên khoa Xét nghiệm Medlatec Nam Định góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, thành phố tăng cường rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai và các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Thành phố cũng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của thành phố theo quy hoạch; tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Nhờ đó, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại đều tiếp tục chuyển biến tích cực, thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đối với phát triển thương mại hiện thành phố có 9 siêu thị đang hoạt động, trong đó các siêu thị lớn của các tập đoàn, Công ty bán lẻ như GO!, Co.op Mart, Nguyễn Kim, Media Mart, HC. đang hoạt động rất hiệu quả; một số thương hiệu đã đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi và hoạt động hiệu quả như VinMart, MinMart, Thành Nam Food, Thế giới sữa… Từ tháng 7-2021 đến nay, thành phố đã thực hiện triển khai giao đất cho thuê đất được 3 dự án đất thương mại dịch vụ với tổng diện tích 5,56ha. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Hưng Long nghiên cứu, khảo sát địa điểm đầu tư tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từ năm 2021 đến hết tháng 5-2023, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 22 dự án với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 316 tỷ đồng và 23,4 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 3 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 200,4 tỷ đồng và 7,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án đầu tư trong nước và 9 dự án FDI với tổng số vốn bổ sung là 115,5 tỷ đồng và 15,5 triệu USD. Bên cạnh các dự án mới đầu tư, các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được thành phố đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ, thiết bị máy móc; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiếp cận thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, duy trì phần mềm định danh điện tử và sử dụng tem Orcode để quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả. Hướng dẫn giám sát và duy trì điều kiện cho các cơ sở doanh nghiệp đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm có uy tín tạo chỗ đứng trên thị trường (nông sản sấy Minh Dương; muối biển nhạt Royal; ngao sạch Lenger…). Nhờ đó, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn như: Ngao sạch Lenger xuất sang EU; muối sạch xuất sang Nhật Bản. Ngoài ra, thành phố tăng cường hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với 6 mô hình liên kết chuỗi; đáng kể là chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngao… Với những chuyển biến tích cực này, từ năm 2021 đến nay, kinh tế – xã hội của thành phố tiếp tục có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10-11%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15% (cao hơn mức tăng của tỉnh).
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong phát triển thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ của thành phố còn hạn chế, khó khăn. Việc huy động các nguồn lực xã hội hoá, thu hút đầu tư chưa mạnh mẽ, hiệu quả chưa cao. Chưa thu hút đầu tư khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của người dân thành phố và các vùng lân cận. Một số công trình đầu tư hạ tầng phục vụ cải thiện diện mạo, nâng cao năng lực thu hút đầu tư của thành phố còn chậm tiến độ.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư phát triển trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thời gian tới, thành phố Nam Định sẽ tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, cải thiện vị thế, gia tăng sức thu hút đầu tư của thành phố. Tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai; kết nối các đô thị lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng; khai thác có hiệu quả quỹ đất hai bên đại lộ Thiên Trường, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và phân khu phía nam sông Đào để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư trên địa bàn thành phố.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng: công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao. Quy hoạch và thực hiện vùng sản xuất chuyên canh ở các xã ven đô. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, thuỷ sản. Hình thành, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như: Văn hóa nhà Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, nhà máy Dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh… Trong thu hút đầu tư sẽ tập trung thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và các dự án sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư lớn có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; và từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao như là: cơ khí chế tạo, điện – điện tử; hóa – dược, công nghệ sinh học./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy