Kỳ I: Phật giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc
Với đường hướng hành đạo: “Kính Chúa – Yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, đồng bào các tôn giáo tỉnh Nam Định luôn thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, thực hiện tốt phương châm hành đạo của các tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các hoạt động từ thiện, nhân đạo và giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương, giáo.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Đông Dương, xã Xuân Hoà – nay là xã Xuân Phúc (Xuân Trường). |
Về Hải Hậu hôm nay, đến thăm các vùng quê xứ đạo; từ các xã miền biển Hải Đông qua thị trấn Cồn… đến các xã nội đồng Hải Hưng, Hải Anh, Hải An, Hải Xuân là những vùng quê có đông đồng bào Công giáo, chúng tôi ấn tượng trước sự khởi sắc của những “miền quê đáng sống”. Đường đi lối lại trong các xứ, họ, khu dân cư được mở rộng, đổ nhựa, đổ bê tông, trồng hoa, cây bóng mát ven các trục đường và có hệ thống điện thắp sáng, tạo cảnh quan “sáng – xanh – sạch – đẹp”. Các công trình tôn giáo hầu hết đều được tôn tạo, nâng cấp, sửa sang khang trang sạch đẹp.
Xã Hải Phương (Hải Hậu) triển khai thực hiện tốt các mô hình phong trào “Xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội” tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. |
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trấn Cồn (Hải Hậu) bắt đầu hoạt động từ 1/9/2024 trên cơ sở sáp nhập từ các xã Hải Chính, Hải Lý và thị trấn Cồn. Trước khi sáp nhập, Hải Chính có 7 xóm, dân số 6.418 người, trong đó có gần 90% đồng bào theo đạo Công giáo; xã có 2 nhà thờ xứ, 4 nhà thờ họ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cồn cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” do Đảng, chính quyền và MTTQ các cấp phát động; phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động gắn với phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân địa phương rất phấn khởi đoàn kết tích cực hưởng ứng, tham gia. Từ năm 2017 đến nay, bà con giáo dân trong thị trấn tự nguyện hiến trên 1ha đất; tháo dỡ, di chuyển trên 200 công trình hàng rào, cổng, sân, ngõ và công trình phụ trợ có giá trị; đóng góp, ủng hộ tiền mặt trên 10 tỷ đồng, trên 3.000 ngày công để làm nhà văn hoá, mương tiêu thoát nước, đường giao thông nội đồng, đường dong, xóm; nâng cấp và làm mới 12,3km đường giao thông trong khu dân cư với tổng giá trị gần 9 tỷ đồng; làm mới và nâng cấp 8,6km đường giao thông nội đồng với tổng trị giá trên 2,5 tỷ đồng; xây mới, nâng cấp gần 6km mương tiêu thoát nước, với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng, trồng và chăm sóc 4,5km đường hoa, trên 13km đường điện thắp sáng.
Các công trình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định được tôn tạo, nâng cấp, khang trang. |
“Tại địa phương, nhiều gia đình Công giáo ủng hộ lớn như: Ông Lại Văn Bách ủng hộ 430 triệu đồng, ông Thành 200 triệu đồng, ông Tôn 100 triệu đồng, nhiều gia đình ủng hộ từ 5 đến 30 triệu đồng… Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất xây dựng NTM tổng diện tích trên 4.000m2, tiêu biểu như: gia đình ông Nguyễn Văn Lân ở xóm Trung Châu hiến trên 100m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng; ông Nguyễn Văn Khanh xóm 5 hiến 80m2 trị giá 180 triệu đồng…” – Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân thông tin.
Hải Hậu có 31 xã và 3 thị trấn, dân số trên 29 vạn người; trong đó có trên 42% là người Công giáo. Trên địa bàn huyện có 54 giáo xứ, 94 giáo họ được phân thành 3 hạt: Quần Phương, Kiên Chính, Tứ Trùng; có 57 linh mục; có 4 dòng tu với trên 70 nữ tu chăm lo đời sống đức tin và sinh hoạt tôn giáo cho bà con giáo hữu. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Hải Hậu cho biết: Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua đồng bào Công giáo Hải Hậu luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là tích cực thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM mới, đô thị văn minh” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo được sự lan tỏa trong nhân dân. Thực hiện tốt công tác bác ái, từ thiện, nhân đạo và coi đây là việc làm thường xuyên, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”. Các linh mục, tu sĩ và các giáo xứ, giáo họ đã vận động được trên 6,56 tỷ đồng, tổ chức thăm, tặng quà 20.782 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ làm 22 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa với số tiền 630 triệu đồng; tặng 66 xe lăn cho người tàn tật; tặng quà trị giá trên 258 triệu đồng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ.
Giáo xứ Hoành Nhị, xã Giao Hà (Giao Thủy). Ảnh: Đăng Khoa |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Thư mục vụ của Tòa giám mục Bùi Chu, đã có hàng nghìn lượt người Công giáo tham gia hiến máu cứu người, trên 100 người hiến giác mạc, gần 1.000 người đăng ký hiến giác mạc, hàng trăm người đăng ký hiến nội tạng; tiêu biểu như giáo dân các xã Hải Minh, Hải Hưng, Hải Nam… Nhiều linh mục và Ban hành giáo ở các xứ, họ đã xây dựng quỹ khuyến học để động viên khuyến khích con em giáo dân tới trường, tới lớp, tiêu biểu như các giáo xứ: Ninh Mỹ, Ninh Sa, Phạm Rỵ, Phạm Pháo, Nam Hòa, Tân Bồi, Hai Giáp, Tứ Trùng, Giáp Nam… Hàng năm, vào dịp đầu năm học, các linh mục tổ chức tặng quà và tiền thưởng cho học sinh nghèo vượt khó và học sinh có thành tích cao trong học tập. Đến nay các giáo xứ, giáo họ có số dư quỹ khuyến học, khuyến tài trên 1,6 tỷ đồng. Toàn huyện có 117/148 lượt giáo xứ, giáo họ đạt tiêu chuẩn “Xứ, họ đạo tiên tiến” và trên 26.970 hộ giáo dân đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”.
PGS. TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Nam Định là nơi khai mở công cuộc truyền đạo Công giáo vào Việt Nam và cũng là mảnh đất ghi lại những trang sử của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Trong lịch sử kháng chiến, Nhà nước đã ghi nhận công lao to lớn của đồng bào Công giáo Nam Định đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, với 544 gia đình là cơ sở bí mật, 54 nghìn lượt anh chị em thanh niên Công giáo lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 1.700 người Công giáo Nam Định đã hy sinh cho Tổ quốc, gần một nghìn thương binh, 23 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Giáo dân xứ Vinh Phú (xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Xã Hải Phương (Hải Hậu) triển khai thực hiện tốt các mô hình phong trào “Xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội” tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. |
Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) tỉnh cho biết: Thời gian qua, UBĐKCG tỉnh đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi người Công giáo trong tỉnh, vận động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động, tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội. Phát huy những thành tích đã đạt được của phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh xây dựng NTM, phong trào “Xây dựng NTM, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” tiếp tục được lan tỏa sâu rộng đến 100% các xứ, họ và được người Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện. Đến nay, đã có 892 lượt xứ, họ được công nhận đạt danh hiệu “Xứ, họ tiên tiến” và 151.761 lượt hộ gia đình Công giáo được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu”.
Lễ hội Văn hóa, thể thao mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại huyện Hải Hậu. |
“UBĐKCG tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động giáo sĩ, giáo dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động; góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, để mỗi người dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đó cũng chính là việc cụ thể hóa sâu sắc huấn từ của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI “Là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” – Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn bày tỏ.
Hội thánh Tin lành Hoành Nhị nằm trên địa bàn xã Giao Hà (Giao Thủy), trực thuộc Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, được thành lập từ năm 1931. Các Mục sư, tín hữu của Hội thánh Tin lành Hoành Nhị luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước; Hội thánh luôn tuân theo tôn chỉ, mục đích trong điều lệ của Giáo hội Tin lành Việt Nam miền Bắc: “Kính Chúa – Yêu nước, phục sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc, thực hiện công bằng, bác ái”.
Lễ hội Văn hóa, thể thao mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại huyện Hải Hậu. |
Mục sư Nguyễn Ngọc Thành, Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Hoành Nhị chia sẻ: Giao Hà là địa phương có 3 tôn giáo đồng hành tồn tại; chúng tôi luôn nêu cao tinh thần “đại đoàn kết toàn dân tộc” cùng với Phật giáo và Công giáo đoàn kết, tương thân, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động cũng như tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại cộng đồng dân cư. Tín hữu Hội thánh Tin lành Hoành Nhị đã tự nguyện hiến đất, đóng góp hơn 1 tỷ đồng cùng nhân dân trong xã làm đường bê tông, cánh đồng mẫu lớn, trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh cảnh quan, xây dựng nhà văn hóa xóm 12. Trong 5 năm vừa qua, Hội thánh đã trao tặng hơn 1.000 suất quà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn xã; tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 600 lượt bệnh nhân không phân biệt tôn giáo. Bà con, tín đồ luôn tin tưởng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng lối sống lành mạnh, văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, hài hòa tại địa phương.
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2023), chiều 14/11, Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an) đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thôn Đông Dương, xã Xuân Phúc (Xuân Trường).
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc mừng cán bộ, nhân dân thôn Đông Dương, xã Xuân Hoà- nay là xã Xuân Phúc (Xuân Trường). |
Thôn Đông Dương có 353 hộ gia đình, 960 nhân khẩu, 100% người dân theo đạo Công giáo. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền xã Xuân Hòa, Ban công tác Mặt trận thôn Đông Dương đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; thực hiện tốt quy ước nếp sống văn minh; tích cực phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn của thôn Đông Dương được đầu tư nâng cấp, xây mới. Người dân trong thôn đã ủng hộ làm 3km đường bê tông nội đồng, 2,7km kênh, mương, xây dựng, tu bổ khuôn viên nhà văn hóa với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 78,91 triệu đồng/người/năm; số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 95%…
Tháng 11/2023, Tổng Bí thư Tô Lâm; Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thôn Đông Dương, xã Xuân Hòa – nay là xã Xuân Phúc (Xuân Trường). |
Bày tỏ vui mừng trước những kết quả mà cán bộ và nhân dân thôn Đông Dương đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Những kết quả đạt được là minh chứng cụ thể, sinh động cho sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của nhân dân, của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội, các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của đồng bào Công giáo Việt Nam nói chung, Giáo phận Bùi Chu nói riêng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đặc biệt là trong giữ gìn trật tự – tạo môi trường ổn định, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong thời gian qua.
“Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để các tôn giáo, trong đó có Công giáo hoạt động tuân thủ pháp luật, ngày càng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào theo đạo. Giáo phận Bùi Chu là một ví dụ sinh động điển hình cho phong trào sống tốt đời, đẹp đạo; đoàn kết lương – giáo, cùng nhau bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tương trợ nhau phát triển kinh tế; góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” – Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Nông thôn mới Kiểu mẫu xã Giao Tân (Giao Thủy). Ảnh: Đăng Khoa |
Tổng Bí thư đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện, xã tiếp tục khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy tinh thần thi đua sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; phát động sâu rộng hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. “Việc xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi gia đình, khu dân cư, thôn, bản có thành công được hay không là do chính mỗi chúng ta; xây dựng khu dân cư, thôn, bản trong lành, bình yên, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện và nâng cao là để chính chúng ta được hưởng thụ. Vì vậy, tôi mong muốn bà con luôn đồng lòng phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm phấn đấu xây dựng xã Xuân Hòa, thôn Đông Dương và nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh ” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Việt Thắng, Xuân Lộc
Đồ họa: Trường Vinh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202410/phat-huy-gia-tri-van-hoa-va-nguon-luc-cua-cac-ton-giao-goi-ten-nam-dinh-ky-ii-5813509/