Hương ước, quy ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần gìn giữ và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.
Nhân dân xã Hải Châu (Hải Hậu) thực hiện tốt quy định của hương ước về bảo vệ môi trường, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu. |
Gìn giữ hồn quê
Ở huyện Vụ Bản, bên cạnh các quy định trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các hương ước, quy ước ở các thôn, xóm trong huyện đã góp phần gìn giữ thuần phong, mỹ tục độc đáo. Tiêu biểu như ở các thôn Chinh, xã Trung Thành; thôn Tân Cốc, xã Tân Thành; thôn Bách Cốc, xã Thành Lợi… những tục lệ đầu năm như: Lễ động thổ, tục lệ trong đêm Trừ tịch, lễ Khai hạ, lễ Thần nông, lễ Tịch điền, lễ Thượng Nguyên hay cúng Rằm tháng Giêng, cúng Thổ công được nhân dân lưu giữ, bảo tồn. Ở thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận hiện còn lưu truyền lệ “trục quyên” (bắt đuổi cuốc) làm lễ tế thần đầu năm; lễ tịch điền cúng Thần Nông – Hậu Tắc bằng ba chân giò dựng đứng, trên đặt một miếng thịt dài tượng trưng cho bộ gầu sòng tát nước. Tại xã Vĩnh Hào, những thuần phong mỹ tục và các sinh hoạt văn hóa xã hội lâu đời vẫn được bảo lưu qua quy định của hương ước trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, đình đám. Làng Hồ Sen còn có tục lệ khi con gái về nhà chồng, bố mẹ sẽ cho một con dao chẻ nan, ý nói về nhà chồng vẫn không quên nghề đan lát tảo tần. Làng Vĩnh Lại hiện còn giữ nhiều tín ngưỡng nguyên sơ như tục thờ bản thổ thành hoàng. Ở làng vào ngày tết, ngày hội làng, mọi nhà đều dùng rơm bện lại quấn quanh cây tre, cây bương để làm cây nêu, hay cắm cột treo đèn, treo cờ dọc đường lễ hội rước qua và làm cổng chào bện bằng rơm trong ngày lễ hội. Đây là một mỹ tục độc đáo với ý nghĩa nhắc nhở con cháu biết quý trọng những sản phẩm từ nông nghiệp.
Ở huyện Giao Thuỷ, hàng năm, Ban công tác Mặt trận khu dân cư thường xuyên phối hợp với các trưởng thôn, xóm và bí thư chi bộ rà soát hương ước, quy ước; đề cao việc thực hiện hương ước, quy ước trong các cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại gia đình văn hóa, làng văn hóa, góp phần làm cho đời sống văn hóa cộng đồng phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ. Đến nay, tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) đều xây dựng được hương ước, quy ước đúng quy định. Các xóm, TDP lồng ghép quy chế dân chủ vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước, trong đó tập trung thực hiện nếp sống văn minh qua các hoạt động: mừng thọ, giỗ tổ, lễ hội, việc hiếu, việc hỉ… Từ việc thực hiện hương ước, quy ước, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức theo nghi thức truyền thống, phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, cờ tướng, cờ người, bơi chải, đấu vật… kết hợp với biểu diễn văn nghệ quần chúng. Bên cạnh đó, vào dịp Tết Nguyên đán, lễ mừng thọ các bậc cao niên được tổ chức trang trọng tại Nhà văn hóa trung tâm các xã, thị trấn. Việc tổ chức liên hoan mừng thọ chỉ trong phạm vi nội bộ gia đình, không làm cỗ mời khách ăn uống linh đình như trước đây. 100% các khu dân cư đưa việc tang thành điều khoản trong hương ước, quy ước với các tiêu chí: gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh. Các đám tang đều do chính quyền, đoàn thể cơ sở đứng ra thành lập ban tang lễ; các khu dân cư thành lập tổ giúp việc cộng đồng, hội hiếu để giúp đỡ các tang gia, qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Phát huy giá trị hương ước bền vững
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phê duyệt, thực hiện các chương trình, đề án, chiến lược trên các lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh như: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, “Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”; “Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026”. Các chương trình, đề án, chiến lược đã đề ra những nội dung, mục tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện đồng bộ nhằm phát huy các giá trị truyền thống của địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng văn hóa, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) phối hợp với Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước; bãi bỏ những hương ước, quy ước không còn phù hợp quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương. Bên cạnh đó, Sở ban hành văn bản hướng dẫn Phòng VH-TT các huyện, thành phố tham mưu UBND cùng cấp thực hiện công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; triển khai lồng ghép nội dung về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sở VH, TT và DL còn phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý VH, TT và DL (Bộ VH, TT và DL) tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu lĩnh vực quản lý Nhà nước về văn hóa, trong đó có nội dung xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cho hơn 200 học viên là lãnh đạo, cán bộ Phòng VH-TT các huyện, thành phố và công chức văn hóa xã hội các xã, phường, thị trấn. Năm 2022, toàn tỉnh có 2.160 hương ước, quy ước được cấp có thẩm quyền công nhận. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã trở thành một trong những tiêu chí bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Đến nay, toàn tỉnh có 578.453/620.899 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 93,16%); 2.048/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt tỷ lệ 94,81%). Từ hiệu quả việc thực hiện hương ước, quy ước, các giá trị mới về tư tưởng, văn hóa, đạo đức tiếp tục kế thừa những nền tảng truyền thống tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được triển khai xây dựng, thực hiện tại các địa phương. Toàn tỉnh đã xây dựng được 167 mô hình phòng, chống BLGĐ; 782 CLB gia đình phát triển bền vững; 982 nhóm phòng, chống BLGĐ; 1.177 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; thiết lập 181 đường dây nóng về phòng, chống BLGĐ. Việc xây dựng và duy trì các mô hình, CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ cùng với các mô hình khác như: “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”… tại cơ sở đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn BLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Thời gian tới các cấp uỷ, chính quyền tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về xây dựng và triển khai thực hiện Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 8-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện thực tế địa phương. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, đưa việc xây dựng, thực hiện hương ước là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa./.
Bài và ảnh: Viết Dư