Với lợi thế 14km đê, 8.800ha đất bãi bồi ven biển, những năm qua, hội viên nông dân huyện Nghĩa Hưng đã năng động sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu từ kinh tế biển.
Ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 6, thị trấn Rạng Đông, liên kết các hộ xây dựng chuỗi sản xuất cá bống bớp an toàn, khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Các cấp Hội Nông dân (HND) trong huyện thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, định hướng cho nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trong đó chú trọng nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân trong huyện đã tích cực tham gia tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn như: hàng hóa đặc sản, hàng hóa chất lượng cao, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất vụ đông; phát triển đa dạng các đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, hội viên nông dân còn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản do HND huyện và cơ sở chủ động phối hợp với các trường và trung tâm tổ chức; tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi liên kết, trong đó có nhiều mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Phần lớn các tổ hợp tác đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất đầu vào như vật tư, nguyên liệu thức ăn thủy sản và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên… Điển hình tại thị trấn Rạng Đông, từ tháng 10-2015, HND thị trấn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp với 17 thành viên tham gia nhằm liên kết nông dân cùng nhau sản xuất, mang lại khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng cao, đồng đều; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Với gần 7km bờ biển và vùng bãi triều rộng lớn, có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng của cá bống bớp, các thành viên Tổ hợp tác đã liên kết chặt chẽ trong các khâu của quá trình sản xuất, tạo thành chuỗi giá trị hiệu quả. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Từ chỗ không chủ động được nguồn con giống, người dân phải tự khai thác, đánh bắt ngoài biển hoặc thu mua lại của những hộ dân ven biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu… về nuôi vỗ thành thương phẩm, đến nay đã có 2 thành viên Tổ hợp tác đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất giống cá bống bớp, giúp các hộ nuôi giảm chi phí sản xuất. Trong đó, từ năm 2012, ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 6 đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trại sản xuất giống, mời kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp. Từ 1,5ha nuôi thương phẩm ban đầu, đến nay trang trại của ông được mở rộng lên 10ha với công nghệ nuôi hiện đại; trong đó có 2ha ao nuôi thương phẩm được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, 8ha còn lại được chia thành hơn 100 bể ương giống, mỗi bể có thể tích 6m3. Nhằm gia tăng giá trị cá bống bớp, ông liên kết với gần 300 hộ nuôi ở địa phương và các xã lân cận xây dựng chuỗi sản xuất an toàn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, cung ứng con giống đến nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ cá bống bớp. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán 5 tấn cá thương phẩm, cung ứng hơn 10 triệu con giống; tổ chức thu mua 500-600 tấn cá cho bà con, thu lãi 1,5 tỷ đồng. Tham gia chuỗi liên kết của ông Sơn, các hộ nuôi thu lãi bình quân 200-300 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng…
Với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện ven biển, ngày càng có nhiều hội viên nông dân vươn lên làm giàu. Điển hình như ông Vũ Văn Chức, hội viên chi HND 3, xã Phúc Thắng. Năm 1995, ông đầu tư nuôi thả ngao giống và ngao thương phẩm với diện tích trên 1ha, cho thu hoạch 50 tấn/năm. Từ thành công bước đầu, ông tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 15-20 địa điểm nuôi thả ngao với sản lượng 500 tấn/năm, tạo việc làm cho từ 30-35 lao động với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nỗ lực không ngừng và tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, đến nay, ông đã xây dựng được cơ sở kinh doanh, sản xuất ngao với tổng số vốn, đất đai, tài sản đầu tư khoảng trên 30 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được hàng năm trên 1,8 tỷ đồng. Sản phẩm ngao của gia đình ông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC, là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Ông còn liên kết với các công ty thủy sản để tiêu thụ các sản phẩm ngao giống, ngao thương phẩm cho gia đình và các hộ nuôi ngao trong xã, đảm bảo đầu ra luôn ổn định, tạo mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị… Với những thành tích nổi bật, ông Chức là một trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh được tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI giai đoạn 2017-2022. Đó còn là ông Hoàng Văn Minh, tổ dân phố 6, thị trấn Rạng Đông nuôi tôm, sản xuất giống cá bống bớp kết hợp trồng cây đinh lăng; ông Ngô Văn Lạc ở chi hội 4, xã Nam Điền nuôi thả cá mú, cá bống bớp cho hiệu quả năng suất cao, thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Hội viên Tổ hợp tác chế biến thủy, hải sản ở Nghĩa Hải tạo việc làm cho 10-15 lao động, thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ sự năng động sáng tạo, phát huy thế mạnh của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm thị trường, mở mang ngành nghề, hội viên nông dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển toàn diện, trong đó có kinh tế biển. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 1.845ha; sản lượng thuỷ sản đạt 33.540 tấn (nuôi trồng 20 nghìn tấn, khai thác 13.540 tấn). Toàn huyện đã có 13 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có những sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có của vùng biển như: mắm tôm của cơ sở sản xuất Lại Văn Quang, xã Nghĩa Hải; nước mắm Lạch Giang, xã Phúc Thắng./.
Bài và ảnh: Lam Hồng