Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Phụ nữ, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn tìm hướng đi mới để khởi nghiệp, làm giàu. Thành công của họ không chỉ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương, khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong thời đại mới mà còn tạo nguồn cảm hứng tích cực lan tỏa đến nhiều chị em khác.
Sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ thành phố Nam Định tại Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn năm 2023. |
Chị Trần Thị Dâng, hội viên chi Hội Phụ nữ xóm Thiện Thắng, xã Nghĩa Thành là một trong những gương điển hình về khởi nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Lập gia đình từ khi rất trẻ, vợ chồng chị gặp khó khăn về kinh tế, nhiều năm thuộc diện cận nghèo của xã. Không cam chịu nghèo khó, chị Dâng luôn trăn trở, nghĩ cách làm giàu. Vì vậy, vợ chồng chị “xoay” đủ nghề kiếm sống, nuôi con ăn học. Tranh thủ những lúc nông nhàn, chị Dâng đi học thêm nghề may với hy vọng mở một xưởng may nhỏ, cải thiện kinh tế. Chăm chỉ, chịu khó lại có “hoa tay”, chị Dâng nhanh chóng thành thạo các công đoạn của nghề, may được các loại quần áo thời trang, đặc biệt là mặt hàng công sở đẹp. May xong quần áo, chị còn tìm đến các cửa hàng trong, ngoài huyện để gửi bán. Từ chỗ gửi bán “nhờ”, dần dần chị đã có khách đặt may với số lượng lớn. Nhận được các đơn hàng với số lượng lớn, cơ sở may của chị Dâng lại xuất hiện “vấn đề” thiếu nhà xưởng. Tuy nhiên, thời điểm đó, kinh tế gia đình chị chưa đủ điều kiện để mở rộng xưởng. Để có thêm vốn kinh doanh, mở xưởng may, chồng chị Dâng đã quyết định đi xuất khẩu lao động. Đến năm 2009, từ sự nỗ lực của cả 2 vợ chồng, chị Dâng đã mở được xưởng may, tạo việc làm cho hơn 20 lao động nữ với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, nhận thấy nghề may công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, chị cùng với các con của mình tự thiết kế mẫu, liên kết với các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện cơ sở may của chị đang tạo việc làm cho hơn 50 lao động với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, chị thu lãi 500-600 triệu đồng/năm. Không chỉ là tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công, chị Dâng và gia đình còn rất tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Về xóm 5, xã Hải Phong (Hải Hậu), chúng tôi bị “choáng ngợp” trước nhà vườn trồng rau, củ, quả rộng mênh mông của chị Trần Thị Hiền. Chị Hiền chia sẻ, bản thân rất “mê” đồng ruộng nên chị thấy “tiếc” khi nhiều hộ gia đình bỏ ruộng. Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chị Hiền đã mạnh dạn đấu thầu 12 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả sạch như: cà tím, dưa kim Thiên Vương, dưa lê, cà chua và rau các loại. Đặc biệt, qua tìm hiểu, chị Hiền nhận thấy đặc tính của cây cà tím ghép trồng một lần có thể cho thu hoạch 2 năm, các loại dưa kim Thiên Vương, dưa lê dễ trồng cho năng suất cao, giá thành ổn định nên đã tập trung vốn, khoa học kỹ thuật để canh tác. Theo đó, chị đầu tư hệ thống phun nước tự động để tưới cho cây, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, các loại rau củ trong vườn nhà chị cho chất lượng và năng suất cao, được thị trường tin dùng, ưa chuộng. Mỗi ngày, chị thuê 8-10 công nhân để trồng, làm cỏ, chăm sóc các loại cây với thu nhập ổn định từ 3,5-4 triệu đồng người/tháng. Bình quân hàng tháng sau khi trừ chi phí chị thu lãi từ 10-12 triệu đồng/tháng.
Mở xưởng may và trồng rau, củ, quả sạch chỉ là 2 trong số nhiều mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ toàn tỉnh thời gian qua. Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như: duy trì tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” hàng năm, từ đó phát hiện, kết nối nguồn lực hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của phụ nữ; động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân phụ nữ có ý tưởng, công trình nghiên cứu đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng; tư vấn, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ xây dựng thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp. Ngoài ra, để giúp các sản phẩm khởi nghiệp của chị em nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại, các cấp Hội còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kiến thức cho hàng nghìn lượt hội viên. Đồng thời, phối hợp tư vấn, đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho hội viên phụ nữ và thành viên HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho chị em tham gia các hội chợ, hội thảo liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Qua đó, thúc đẩy hoạt động thương mại trong và ngoài nước, kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp với hoạt động sản xuất kinh doanh của phụ nữ khởi nghiệp.
Cùng với các hoạt động kết nối nguồn lực, các cấp Hội còn tư vấn, hỗ trợ và tạo điều kiện để chị em được tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các Quỹ cho vay phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, các nguồn vốn của tổ chức Hội… để phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp. Hiện các cấp Hội đang hỗ trợ 86.408 hộ vay tại 5.295 tổ tiết kiệm và vay vốn, nhóm tín dụng tiết kiệm để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh… Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ, nhiều hội viên phụ nữ đã được các cấp Hội hỗ trợ để thực hiện các mô hình, dự án khởi nghiệp hiệu quả. Giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh đã có gần 300 ý tưởng, dự án tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” của tỉnh. Trong đó có gần 150 ý tưởng tiêu biểu cấp tỉnh được biểu dương khen thưởng; 58 ý tưởng tham gia cấp Trung ương, có 3 ý tưởng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao giải thưởng. Hội LHPN tỉnh cũng hỗ trợ thành lập 8 HTX, 12 tổ hợp tác, tổ liên kết phát triển sản xuất kinh doanh do phụ nữ quản lý, điều hành.
Với những hỗ trợ thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ, thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh mạnh dạn khởi nghiệp để tạo ra các mô hình, sản phẩm, dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, khẳng định “sức mạnh” của chị em trên lĩnh vực phát triển kinh tế./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân