Vùng đất văn hiến Nam Định là nơi hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống với kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng. Theo số liệu kiểm kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), toàn tỉnh hiện có 1.361 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Đền Trần – Chùa Tháp và di tích Chùa Keo Hành Thiện), 87 di tích cấp quốc gia, 341 di tích cấp tỉnh; 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt) và 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Rước kiệu trong lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ nghề đúc kim loại, thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong đời sống xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa; trong đó tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, góp phần phát triển du lịch và kinh tế – xã hội địa phương. Đối với di sản văn hóa vật thể, tập trung triển khai các chương trình, dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhiều di tích đã được tu bổ đúng quy định, đảm bảo chất lượng và quy định về giữ nguyên vẹn kiến trúc gốc khi trùng tu di tích.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần (thành phố Nam Định) với tổng mức đầu tư trên 734 tỷ đồng; quy mô xây dựng trên diện tích 92,53ha. Dự án hoàn thành sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá Trần và nơi phát tích của Vương triều Trần tại Nam Định, làm phong phú hơn các địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, phù hợp với ước nguyện của nhân dân. Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy và các vùng phụ cận có liên quan (Vụ Bản) cũng được UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000), coi toàn bộ khu vực là môi trường bảo tồn và phát triển nối tiếp các giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan sinh thái đặc sắc với những đặc trưng: trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt; khu vực bảo tồn quần thể di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia và nhân loại; khu vực trọng điểm phát triển du lịch văn hóa – lễ hội – tâm linh, gắn với thưởng ngoạn thắng cảnh tiêu biểu của huyện Vụ Bản nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung.
Trong những năm gần đây, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ý thức hướng về nguồn cội của người dân, hàng trăm di tích trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, tu bổ, chống xuống cấp. UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH, TT và DL làm tốt công tác tham mưu cũng như phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích bằng nhiều nguồn kinh phí. Nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí từ hàng trăm đến hàng chục tỷ đồng như: Chùa Keo Hành Thiện, Đền – Chùa Kiên Lao, Đền Gin, Chùa Đại Bi, Đền Bảo Lộc, Đình – Miễu Cao Đài, Đền thờ các Trạng nguyên: Lương Thế Vinh, Trần Văn Bảo, Vũ Tuấn Chiêu…
Cùng với ngành VH, TT và DL, các huyện, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ, phát huy giá trị di tích, huy động kinh phí ủng hộ, quyên góp của các tầng lớp nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm kịp thời tu bổ, bảo tồn các di tích. Việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đã thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, trùng tu di tích. Các di tích sau khi được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đã khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn sử dụng công trình. Nhiều di tích sau khi được trùng tu đã trở nên khang trang, trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương. Diện mạo các làng quê trong tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước, của dân tộc cho các thế hệ.
Không gian di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, vùng đất Thiên Trường xưa – Nam Định nay là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống. Trong đó, các di sản văn hóa “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, “Lễ hội Phủ Dầy”, “Lễ hội Đền Trần” với giá trị tinh hoa văn hóa đặc sắc của đất và người Nam Định, gắn liền với các tín ngưỡng thờ Đức Thánh Cha và Thánh Mẫu đã được Bộ VH, TT và DL đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó là nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác như: “Nghề sơn mài Cát Đằng”, “Phở Nam Định” và các lễ hội: Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Đại Bi, Đền – Chùa Linh Quang, Chùa Cổ Lễ… Sau khi di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016), UBND tỉnh đã phối hợp Bộ VH, TT và DL chỉ đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Sở VH, TT và DL phối hợp xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”, trong đó có mục tiêu: từng bước phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa của người dân; trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nhằm tăng cường khả năng đối thoại giữa cộng đồng; phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, giao Sở VH, TT và DL là đầu mối triển khai; đồng thời giao các sở, ngành có liên quan, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo khuyến nghị của Công ước 2003 của UNESCO, Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với các hoạt động triển khai thực hiện những nội dung của Đề án, tháng 11/2023, tỉnh đã phối hợp với Bộ VH, TT và DL tổ chức hội nghị, hội thảo, thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) để đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước 2003 tại Việt Nam. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của các địa phương trong toàn quốc có di sản được thể hiện tại hồ sơ đề cử và các địa phương có phạm vi lan toả, các nghệ nhân, người thực hành và đại diện cộng đồng, chủ thể di sản.
Toàn tỉnh có 245 lễ hội truyền thống, trong đó có 4 lễ hội văn hóa cấp huyện và nhiều lễ hội cấp thôn, xóm, tổ dân phố gắn với di tích. Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH, TT và DL ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý hoạt động lễ hội, đảm bảo gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phòng ngừa, ngăn chặn biểu hiện lạm dụng tín ngưỡng để truyền bá mê tín dị đoan, xâm hại di tích… Các lễ hội lớn, quy mô vùng diễn ra trong thời điểm đầu xuân như: hội chợ Viềng xuân, lễ Khai ấn Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy hàng năm đón hàng vạn lượt du khách. Việc tổ chức tốt các lễ hội không chỉ tạo thuận lợi cho người dân du xuân, vãng cảnh, chiêm bái di tích, thực hành tín ngưỡng tâm linh, tham dự các hoạt động hội đặc sắc mà còn thúc đẩy phát triển du lịch. Một số di tích tiêu biểu như: nhà lưu niệm, nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ đã trở thành nơi nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Trên cơ sở nguồn lực văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tỉnh xác định đây là nguồn tài nguyên giàu giá trị, là một trong những lợi thế để Nam Định phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm, đặc biệt là du lịch tâm linh, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Di sản văn hóa Nam Định đã trở thành nhân tố đắc lực, tạo nên bản sắc riêng của tỉnh Nam Định trong bối cảnh hội nhập và có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/nhan-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-2311-nang-cao-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-di-san-van-hoa-b2b4b15/