Lý do bởi nhắc đến ẩm thực Việt Nam, bạn bè quốc tế đều biết đến món phở.
Sẽ phải có kế hoạch phát huy di sản phở
* Thưa bà, một số người ngạc nhiên đặt câu hỏi sao phở lại là di sản phi vật thể, xin bà nói rõ điều này?
– Tri thức dân gian phở Hà Nội và Tri thức dân gian phở Nam Định là hai trong số 588 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc “nhận diện” di sản thuộc loại hình nào sẽ căn cứ vào bản chất, biểu hiện và hiện trạng thực hành nổi trội của di sản đó.
Điều này còn phụ thuộc quá trình tiếp cận, kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản, viết lý lịch khoa học di sản của địa phương.
Đối với phở Hà Nội và phở Nam Định, các kỹ năng, kỹ thuật làm phở là bí quyết riêng, gia truyền của các chủ cửa hàng, trao truyền qua nhiều thế hệ trong dòng họ, gia đình để tạo nên bản sắc riêng.
Sự tinh tế trong việc thưởng thức phở, cũng như sự tồn tại, biến đổi của phở trong đời sống với bao thăng trầm của người Việt từ nhiều đời nay, từ phở “bao cấp”, “phở không người lái”, phở chan cơm nguội, đến chuyện “xách cặp lồng đi mua phở là biết nhà có người ốm”… đã tạo nên một trong những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của chúng ta.
Ngày nay, mỗi người Việt Nam đều có quyền tự hào bởi nhắc đến ẩm thực Việt Nam, bạn bè quốc tế đều biết đến món phở. Sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế ấy trong cả việc chế biến và thưởng thức phở chính là các tri thức dân gian liên quan tới ẩm thực truyền thống mà chúng ta được kế thừa từ cha ông và vẫn liên tục duy trì, thực hành, kết tinh thành di sản văn hóa phi vật thể, để được ghi danh.
* Việc được “ghi danh di sản” sẽ giúp giữ gìn, phát triển nghề nấu phở ra sao và nó có giúp quảng bá món ăn này rộng rãi hơn?
– Tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, sau khi di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia, UBND tỉnh, thành phố có di sản phải xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
Trong đó việc tổ chức liên hoan, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong nước và quốc tế là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Đưa di sản vào danh mục quốc gia là một trong những động lực khích lệ cộng đồng thêm tự hào về di sản, quan tâm và có các hành động cụ thể hỗ trợ nghệ nhân, người thực hành trong bảo vệ và phát huy di sản.
Những quán phở gia truyền qua nhiều thế hệ sẽ được nhiều người biết và tìm đến thưởng thức, lượng khách của quán đông hơn. Đương nhiên, phở vốn nổi tiếng cũng sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa.
Đã có nhiều nghề chế biến món ăn là di sản quốc gia
* Tiềm năng đưa món ăn này ra với thế giới sẽ khác thế nào sau khi phở được ghi danh?
– Những năm qua, phở không những là món ăn yêu thích trong tâm thức của người Hà Nội, người Nam Định mà đã được bạn bè quốc tế biết đến.
Như phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng trên thế giới và hiện diện ở 50 quốc gia trên thế giới.
Theo bình chọn từ trang Lonely Planet, Việt Nam là một trong những quốc gia có bảy món ăn được phục vụ trong bát (tô) mang tới trải nghiệm tốt nhất trên thế giới.
Phở Việt còn được tạp chí nổi tiếng Business Insider bình chọn là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời đối với những người thích du lịch.
Tờ The Travel công bố danh sách 10 quốc gia có thức ăn ngon nhất thế giới, trong đó có món phở của Việt Nam.
Sau khi được đưa vào danh mục di sản quốc gia, phở sẽ được biết đến nhiều hơn nữa và càng trở thành một sản phẩm văn hóa truyền thống có giá trị đặc biệt trong quảng bá hình ảnh Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội.
* Không ít người cho rằng chúng ta có một nền ẩm thực rất hấp dẫn, đáng lẽ phải ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ lâu để quảng bá ẩm thực Việt tốt hơn, bà nghĩ sao?
– Ẩm thực của Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú mà còn vô cùng hấp dẫn. Mỗi cộng đồng tộc người, mỗi vùng miền lại có những món ẩm thực đặc trưng riêng gắn với đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng đó.
Tuy nhiên, việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục quốc gia cần tuân thủ những quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chúng tôi luôn khuyến khích các tỉnh, thành phố liên tục tiến hành nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng hồ sơ khoa học di sản liên quan đến lĩnh vực ẩm thực truyền thống đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo đảm khoa học, trên cơ sở nhận diện đầy đủ những biểu hiện văn hóa, giá trị của di sản.
Thời gian qua, đã có nhiều tỉnh, thành phố rất quan tâm tới các tri thức dân gian về ẩm thực truyền thống, cũng như hiểu được tầm quan trọng của các di sản này với phát triển du lịch địa phương nên đã xây dựng hồ sơ khoa học di sản và được ghi danh.
Như nghề làm bánh pía (Sóc Trăng), nghệ thuật chế biến món ăn chay (Tây Ninh), nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp), nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng (Điện Biên), nghề làm bánh chưng, bánh giầy (Phú Thọ), kỹ thuật chế biến rượu cần của người Xtiêng (Bình Phước)…
Tới thời điểm hiện tại, đã có 32 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống liên quan tới ẩm thực truyền thống trên tổng số 588 di sản đã được ghi danh trong danh mục quốc gia.
Chị Phúc Thịnh, chủ quán phở Hương Bình (TP.HCM) – đơn vị tham dự Vietnam Phở Festival do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 5 và 6-10 năm nay tại Seoul (Hàn Quốc), chia sẻ với Tuổi Trẻ:
“Hai năm liên tiếp quán phở của chúng tôi nằm trong hạng mục Bib Gourmand 2024 (quán ngon, giá cả phải chăng) của Michelin Guide. Kể từ khi được vinh danh, quán đón nhiều khách hơn, trong đó rất nhiều khách du lịch.
Giờ nghề phở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì đó chính là niềm tự hào của những người kinh doanh phở, và cũng là bệ đỡ món phở trở nên phổ biến hơn.
Bởi duy trì một quán phở qua thời gian là không dễ dàng, nên các danh hiệu có ý nghĩa rất lớn, giúp các nhà hàng tự tin theo đuổi hương vị truyền thống lâu đời.
Sẽ có nghệ nhân nhân dân, ưu tú nấu phở
Sở VH-TT Hà Nội, Sở VH-TT&DL Nam Định tới đây sẽ thực hiện nhiều biện pháp để phát huy giá trị di sản, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo giới thiệu về phở, bàn luận các vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề nấu phở cũng như tập quán ăn phở.
Hà Nội, Nam Định sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu về di sản, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm làm rõ nguồn gốc, quá trình hình thành nghề nấu phở.
Tổ chức phỏng vấn, ghi âm, ghi hình quy trình thực hành di sản của những chủ quán phở là nghệ nhân nấu phở lâu năm trong gia đình nhiều đời thực hành nghề, có uy tín được cộng đồng thưởng thức phở bình chọn.
Hỗ trợ nghệ nhân là chủ thể nắm giữ và thực hành nghề nấu phở truyền dạy kinh nghiệm; đề xuất xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đối với những nghệ nhân này.
Hai địa phương còn có kế hoạch hỗ trợ chủ thể thực hành di sản đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu theo quy định của pháp luật, nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa thực hành di sản…
Riêng Hà Nội dự kiến xây dựng bản đồ phở Hà Nội nhằm đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn cụ thể về những cửa hàng phở ngon ở thủ đô.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/nguoi-viet-tu-hao-ve-pho-20240816090250493.htm