Từ năng khiếu mỹ thuật, với sự kiên trì và lòng đam mê, ông Nguyễn Xuân Dưỡng ở xóm 5, xã Hải An (Hải Hậu) đã trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài, rồi sáng tác ra các dòng tranh sơn mài thếp vàng. Những tác phẩm của ông không chỉ góp phần làm cho tranh sơn mài thêm sống động mới mẻ mà còn tạo thành một “làn gió mới” trong giới hội họa được khách hàng xa gần yêu thích.
Ông Nguyễn Xuân Dưỡng, xã Hải An (Hải Hậu) giới thiệu sản phẩm tranh của mình. |
Khác với không khí náo nhiệt của các xưởng sản xuất, cơ sở vẽ tranh của gia đình ông Nguyễn Xuân Dưỡng lại có nhịp sản xuất khá chậm. Hàng ngày, đôi vợ chồng già ngồi cần mẫn, tỉ mỉ sơn phết lên các bức tranh sơn mài. Ông Dưỡng cho biết, đam mê vẽ từ nhỏ, nhưng gia đình không cho ông theo môn năng khiếu nên mãi năm 20 tuổi, ông Dưỡng mới có cơ hội tiếp cận với “nghiệp” mình thích khi ông được rong ruổi khắp nơi chứng kiến hình ảnh, cảnh vật và con người để về nhà vẽ rồi nhận chép tranh, vẽ minh họa báo. Trong quá trình làm, ông Dưỡng được học những kỹ thuật, phương pháp căn bản để làm tranh. Khi có được kinh nghiệm và khả năng vẽ tranh, năm 1998, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, đi vẽ tranh thuê cho các cửa hàng, rồi tiếp tục học hỏi thêm về các dòng tranh khác nhau. Thời gian đầu ông Dưỡng gặp khó khăn do chưa thuần thục kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm khi làm nên tranh bị hỏng nhiều. Không nản chí, ông quyết tâm gắn bó với nghề. Dần dần, ông tìm cách quảng bá tranh của mình cũng như nâng cao chất lượng và tính mỹ thuật trong các dòng sản phẩm. Cuối cùng, những bức tranh do ông sáng tác được người tiêu dùng yêu thích do chất lượng tranh sơn mài đẹp, giá cả lại hợp lý. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người tìm đến ông để đặt hàng. Năm 2001, ông Dưỡng mở được một tiệm tranh nhỏ.
Ông Nguyễn Xuân Dưỡng, xã Hải An (Hải Hậu) sáng tạo tác phẩm dòng tranh sơn mài thếp vàng. |
Năm 2010, bắt nguồn từ sự đam mê, tìm kiếm một chất liệu mang tính đột phá, ông đã ý tưởng thếp vàng lên tranh sơn mài. “Người họa sĩ vẽ một bức tranh sơn mài được công chúng ghi nhận thì chỉ có thể nhìn nhận đánh giá sự thành công ở góc độ mỹ thuật đơn thuần. Đối với dòng tranh thếp vàng không chỉ đòi hỏi người sáng tác làm tốt vai trò của họa sĩ mà còn là một người thợ khéo léo, bởi công đoạn thếp vàng lên tranh sơn mài đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao cùng sự làm việc tập trung”, ông Dưỡng cho biết thêm. Để làm ra được một bức tranh đảm bảo các yếu tố về tính thẩm mĩ, ông Dưỡng đã tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ kỹ thuật là phẳng trong tranh sơn mài của các họa sĩ nổi tiếng thế giới và trong nước. Khi bắt đầu làm tranh, người họa sĩ phải nắm thật chắc kỹ thuật phủ vừa phải. Nếu lớp lót quá dày sẽ tạo độ thô của bức tranh còn quá mỏng khi kết hợp với thếp vàng rất dễ bị cho rằng nhái dòng tranh mỹ nghệ thực dụng. Công đoạn tiếp theo là dùng bút lông mịn để xoa cho đến khi những đường nét tranh ánh lên chất vàng. Tranh thếp vàng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề khéo léo và trình độ cao. Các nghệ nhân không chỉ am hiểu về nghệ thuật mà cần có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề mới chế tác được những tác phẩm đẹp. Bên cạnh đó, ông thường dùng loại vải bố để vẽ tranh sơn mài và thếp vàng lên dòng sản phẩm này. Ông Dưỡng cho biết thêm: “Để có bức tranh sơn mài thếp vàng đẹp phải phụ thuộc vào thời tiết, độ ẩm của không khí. Người thợ vẽ cũng phải công phu trong quá trình xử lý các công đoạn như lựa chọn vỏ trứng, bạc và vàng, bột tre, bột giấy”… Với người giỏi nghề và sáng tạo, các tác phẩm tranh sơn mài thếp vàng luôn “thiên biến vạn hóa”, sáng tạo ở chất liệu và tuỳ thuộc vào cảm xúc người vẽ, vào thăng hoa của mỗi người thợ. Tranh của ông luôn thu hút khách, nhất là từ tháng 10 đến tiết Thanh minh. Khách đến với tranh thếp vàng của ông tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện kinh tế có thể thoải mái lựa chọn các mặt hàng từ trung bình đến hàng kỳ công, đắt giá, trong đó một tác phẩm đòi hỏi sự cẩn thận, kỳ công thì dao động trong khoảng 2,5-3 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dưỡng, xã Hải An (Hải Hậu) bên các tác phẩm của mình. |
Có dịp về Hải An (Hải Hậu), đến thăm cơ sở sản xuất tranh sơn mài thếp vàng của gia đình ông Nguyễn Xuân Dưỡng như lạc vào một thế giới huyền ảo của những gam màu khác nhau, bỏ lại sau lưng những chen lấn, xô bồ của phố phường. Làm bạn với cây cọ vẽ, với chất liệu hội họa, mỗi năm ông Dưỡng đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị và tính nghệ thuật cao. Đam mê với cây cọ, gắn bó với tranh sơn mài trên 50 năm, ông Dưỡng mong muốn sản phẩm của gia đình ngày càng được khách hàng ưa chuộng, tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh