Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Hiện giá thịt gia súc, gia cầm đã tăng trở lại nhưng không ổn định, nguy cơ về dịch bệnh trên vật nuôi vẫn tiềm ẩn nên các hộ chăn nuôi cần chú ý lựa chọn con giống chất lượng, quy mô hợp lý nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Mặc dù đã đầu tư cả trăm triệu đồng để mua hệ thống máy ấp nở gà giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín với quy mô hàng chục nghìn con gà/lứa nhưng vụ nuôi cuối năm này, anh Trần Văn Nam, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) chỉ duy trì đàn gà khoảng 2.000 con, vừa nuôi gà đẻ trứng vừa ấp nở bán giống. Anh Nam cho biết: Giá gà giống bán xô khoảng 10 nghìn đồng/con, vịt từ 12-13 nghìn đồng/con, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm 2023 đến nay cũng được điều chỉnh giảm 4 lần. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mặc dù đã bước vào vụ chăn nuôi cuối năm tạo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán 2024 nhưng việc tái đàn không sôi động. Các hộ chăn nuôi cho biết, hiện giá gà thịt đang ở mức khá cao, từ 60-85 nghìn đồng/kg tùy loại gà. Với giá bán như vậy, người chăn nuôi đã có lãi. Dù vậy, tâm lý lo sợ về giá bán ra có thể giảm bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên người chăn nuôi vẫn đắn đo khi quyết định đầu tư tái đàn nuôi cuối năm.
Người chăn nuôi ngày càng chú trọng việc phòng bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi (Trong ảnh: Trang trại của anh Đoàn Văn Hùng, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn). |
Không riêng các hộ nuôi gà, người nuôi lợn cũng khá thận trọng tái đàn quy mô lớn. Vừa mới xuất bán gần 5 tấn lợn hơi với giá 65 nghìn đồng/kg, thu lãi khoảng 100 triệu đồng, gia đình anh Đoàn Văn Hùng, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đang tập trung vệ sinh chuồng trại để tái đàn chuẩn bị cho thị trường dịp cuối năm. Trước đây, gia đình anh Hùng thường nuôi 500 con lợn/lứa. Tuy nhiên, sau nhiều lần giá lợn thịt xuống thấp, thua lỗ, cộng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện giờ gia đình anh Hùng chỉ nuôi từ 200-250 con lợn thịt/lứa. Anh Hùng chia sẻ: “Thời điểm này là phù hợp nhất để các hộ vào giống nuôi vụ mới để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng nội địa dịp cuối năm. Hiện nay, giá cám và các loại thức ăn chăn nuôi đã giảm nhưng điều chúng tôi lo nhất là giá bán ra không ổn định. Chỉ trong vài ngày, giá lợn từ 65 nghìn đồng/kg giảm xuống còn 60 nghìn đồng/kg, một lứa lợn cùng xuất chuồng nhưng tôi phải bán 2 mức giá nên không dám mạo hiểm đầu tư nuôi quy mô lớn hơn. Mặt khác thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, phát sinh lây lan nên chúng tôi rất lo…”.
Người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị con giống, tái đàn phục vụ nhu cầu dịp tết cũng là thời điểm thời tiết diễn biến bất lợi, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, dễ cho các loại vi-rút tấn công gây hại. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần cẩn trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Các địa phương đang tích cực triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh vụ thu và thực hiện Tháng Vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ ngày 15-9 đến 15-10. Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra và cấp 2.561 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Số lượng động vật, sản phẩm động vật được kiểm dịch là 120 nghìn 602 con lợn, 891 nghìn 378 con gia cầm giống, hơn 1 triệu 392 con gia cầm thịt, 5.650 con thỏ, 3.590 con trâu, bò, 6.591 con chim… Thẩm định và cấp 26 Chứng chỉ hành nghề thú y, 34 Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; 6 Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y và 2 Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Lấy 426 mẫu gộp dịch hầu họng, phân gia cầm tại hộ chăn nuôi gia cầm, chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn 10 huyện, thành phố để giám sát lưu hành vi-rút cúm gia cầm. Kết quả xét nghiệm, tất cả mẫu đều âm tính với bệnh cúm gia cầm; lấy 258 mẫu phủ tạng lợn tại các cơ sở giết mổ lợn/buôn bán sản phẩm thịt lợn để giám sát bệnh tai xanh và dịch tả lợn cổ điển, trong đó có 118 mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Kết quả có 1 mẫu dương tính với bệnh DTLCP tại xã Trực Thanh (Trực Ninh), các mẫu đều âm tính với bệnh tai xanh và dịch tả cổ điển. Lấy 350 mẫu bao gồm 340 mẫu gộp huyết thanh lợn, 10 mẫu thịt lợn sữa đông lạnh để giám sát bệnh DTLCP. Kết quả xét nghiệm 100% mẫu âm tính với bệnh DTLCP.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt mà cần căn cứ năng lực chuồng trại thực tế, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng và phát triển theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi. Các địa phương cần chủ động nguồn hóa chất, vôi bột, khuyến khích người chăn nuôi tự mua hóa chất, vôi bột để thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật theo phân cấp quản lý. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường chăn nuôi; thực hiện kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi theo quy định với chính quyền địa phương. Tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm trong chăn nuôi lợn, gia cầm; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng và phát triển các sản phẩm OCOP; khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi… Tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh động vật tại các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng. Yêu cầu người chăn nuôi khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh phát triển lây lan gây thiệt hại cho người nuôi./.
Bài và ảnh: Văn Đại