Kỳ I: Mục tiêu rõ ràng, hành động quyết liệt
Kỳ II: Bứt phá trong những chuyển dịch lớn
Kỳ III: Tạo nền móng phát triển toàn diện, bền vững
(Tiếp theo và hết)
Kỳ IV: Tăng tốc thúc đẩy liên kết vùng
Dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng Nam Định vẫn cần phải hành động quyết liệt hơn, táo bạo hơn với chiến lược trọng tâm là tăng tốc thúc đẩy liên vùng, chủ động khai thác phát huy tối đa mọi tiềm năng và cùng phối hợp với các địa phương trong vùng khai thác triệt để lợi thế so sánh của tỉnh, bứt tốc trên mọi lĩnh vực để sớm đạt được mục tiêu trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh gặp gỡ nhà đầu tư Thụy Sỹ. |
Theo đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị được coi là “kim chỉ nam” định hướng cho Nam Định tầm nhìn rõ ràng và các giải pháp thúc đẩy tỉnh phát triển theo hướng liên kết vùng để hướng tới mục tiêu trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH, góp sức xây dựng vùng. Nhờ quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm cao của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, nhân dân và doanh nghiệp, Nghị quyết 30-NQ/TW không chỉ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mà còn thực sự phát huy hiệu quả, giúp Nam Định chuyển mình mạnh mẽ từ tỉnh thuần nông để trở thành trung tâm kinh tế đa ngành.
Tổng sản phẩm GRDP năm 2024 của Nam Định tăng 10,01% so với năm 2023; đứng thứ 4/11 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH và đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc về mức tăng trưởng GRDP. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp GRDP của Nam Định đạt tăng trưởng hai con số, cao hơn mức trung bình cả nước trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu nhiều áp lực. Các chỉ số quan trọng khác cũng đồng loạt tăng trưởng vượt bậc: sản xuất công nghiệp ước tăng 14,5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 13,8%; xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 30,8% và thu ngân sách ước đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.
Hết năm 2024, Nam Định có 97,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và 28,1% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt xa mục tiêu tỉnh đặt ra. Huyện Giao Thủy được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển, nhất là chất lượng giáo dục, luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều áp lực, những kết quả đạt được không chỉ thể hiện sự tăng trưởng tích cực mà còn khẳng định Nam Định đang “bứt phá” mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển vượt bậc. Các kết quả Nam Định đạt được trong thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW đã giúp lòng tin của người dân được tăng cường đồng thời đã củng cố tinh thần, khí thế phát triển và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, Nam Định vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế so với trong vùng còn nhỏ; tỉnh vẫn là địa bàn đi sau trong phát triển doanh nghiệp và thu hút FDI của vùng; mức độ tham gia của tỉnh vào các liên kết quan trọng như liên kết trong hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt; liên kết đầu tư phát triển; khả năng kết nối, tích hợp kinh tế tỉnh vào chuỗi giá trị toàn vùng, liên vùng và toàn cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin, hợp tác thu hút đầu tư, xử lý môi trường các đô thị và cấp vùng… vẫn còn hạn chế.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị: “Để hoàn thiện vai trò một trung tâm phát triển trong vùng ĐBSH, Nam Định sẽ tiếp tục bám sát định hướng của Nghị quyết 30-NQ/TW; đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hành động quyết liệt hơn, táo bạo hơn. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng: Thực hiện hiệu quả hơn nữa quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết 30-NQ/TW coi liên kết vùng là xu thế tất yếu, là động lực và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng và cả vùng bằng các giải pháp đồng bộ tăng tốc thúc đẩy liên kết vùng; khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh”.
Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ tạo dư địa mới cho thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển. |
Tận dụng lợi thế để bứt phá
Từ việc bám sát định hướng của Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 4/5/2024, về vị trí, vai trò, phương án hỗ trợ đầu tư chung cho vùng, tỉnh sẽ khai thác triệt để các lợi thế cạnh tranh này để thúc đẩy nhanh hơn các giá trị, cơ hội liên kết với các tỉnh lân cận, với cả vùng. Theo đó, Nam Định nằm trong tiểu vùng phía Nam ĐBSH, nằm trên hành lang kinh tế Bắc – Nam và hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình. Do sở hữu bờ biển dài hơn 70km, Nam Định được xác định là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển miền Bắc, là đầu mối quan trọng kết nối kinh tế biển và khu vực nội địa. Đây là những lợi thế giúp vai trò của tỉnh trong các mục tiêu kinh tế trong vùng được nâng cao ngay trong giai đoạn 2021-2030. Việc áp dụng các chính sách và sự quan tâm chung của cả nước đối với vùng sẽ tác động tích cực lớn đến phát triển tỉnh, bao gồm được hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình quy mô quốc gia, được hỗ trợ đầu tư xây dựng Khu kinh tế (KKT) Ninh Cơ. Hệ thống hạ tầng giao thông hiện đang được Chính phủ thúc đẩy đầu tư nâng cấp; dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành một số tuyến giao thông quan trọng như đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế, cảng biển, kết nối đường ven biển khiến Nam Định có thêm cơ hội cho tỉnh và có khả năng giúp các tỉnh phía Nam ĐBSH cải thiện kết nối vùng và có thể tận dụng, khai thác lợi thế từ các trung tâm kinh tế biển lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh.
Vì vậy Nam Định sẽ tận dụng, khai thác cơ hội lớn có được từ vị trí, vai trò riêng có, tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách được nhận tiếp tục đẩy mạnh cải thiện giá trị nội tỉnh và gia tăng thúc đẩy các liên kết vùng. Trong đó, tỉnh tiếp tục đặc biệt ưu tiên xây dựng, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nội tỉnh, giao thông kết nối vùng, hạ tầng cảng biển, hạ tầng các KKT, KCN và các trung tâm logistics. Nam Định cũng tăng cường tích hợp vào hệ sinh thái hiện có của các tỉnh ĐBSH để tạo ra chuỗi cung ứng toàn diện. Đồng thời sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch với một số tỉnh ĐBSH, tiêu biểu nhất là các tour du lịch văn hóa – tâm linh phía Bắc (Bái Đính – Tràng An – Đền Trần – Côn Sơn Kiếp Bạc – Yên Tử).
Tỉnh cũng tích cực tận dụng những chính sách ưu đãi về phát triển kinh tế biển và vùng ven biển của Việt Nam để thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; thúc đẩy xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh với trọng tâm là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm và thu hút phát triển các ngành kinh tế biển với 4 nhóm ngành gồm: Du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển. Ưu tiên xây dựng KKT Ninh Cơ trở thành vùng kinh tế động lực, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, và cảng biển hiện đại. Hình thành các cụm dân cư và phát triển các chuỗi đô thị ven biển như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông, biến nơi đây thành điểm đến mới về thương mại, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư để sớm triển khai dự án trung tâm năng lượng sạch của khu vực tại các vùng ven biển.
Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) tiếp tục được đầu tư, ngày càng hiện đại, văn minh. |
Thúc đẩy mạnh liên kết vùng toàn diện
Tỉnh tăng cường phối hợp với các tỉnh trong vùng xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương; đề xuất xây dựng chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh trong vùng. Lấy việc thực hiện chương trình hợp tác với các địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh trong thời kỳ hội nhập. Trong đó, về liên kết phát triển lĩnh vực giáo dục đào tạo, tỉnh sẽ thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các trường đại học trong tỉnh với các trường đại học quốc gia trong vùng như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình trong đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy thông qua liên kết với các trường đại học sư phạm có uy tín để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy từ xa thúc đẩy liên kết với các trường đại học quốc gia trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.
Lĩnh vực y tế, tỉnh liên kết, hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn các địa phương trong vùng tại Hà Nam, Hà Nội để tăng cường chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng điều trị chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường kết nối liên thông dữ liệu y tế trong toàn vùng, tận dụng nguồn lực của các tuyến y tế để vừa đáp ứng yêu cầu người bệnh, vừa giảm tải chuyển tuyến từ các bệnh viện tỉnh đến các bệnh viện Trung ương. Liên kết, hợp tác với các trung tâm văn hóa vùng ĐBSH và cả nước trong các hoạt động và các lễ hội văn hóa truyền thống đặc thù của người dân bản địa nhằm thúc đẩy sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa, lịch sử vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng ĐBSH và các quy hoạch ngành, lĩnh vực để đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Sự phát triển đi trước về kinh tế của các tỉnh lân cận, cũng như nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi tỉnh phải tập trung phát triển năng lực quản trị; thúc đẩy thu hút đầu tư vào các ngành sử dụng lao động tay nghề cao, các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời tạo động lực mới từ các lĩnh vực kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ, môi trường, nhân lực; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tỉnh cũng sẽ chủ động nghiên cứu, phối hợp với các địa phương đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.
Với sự quyết liệt, tinh thần đổi mới và trách nhiệm cao, Nam Định kỳ vọng sẽ phát huy tối đa các nguồn lực hiện tại, mở ra nhiều cơ hội, thành tựu mới trong phát triển kinh tế – xã hội, sớm trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH, góp phần phát triển vùng ĐBSH toàn diện, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW.
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202412/nghi-quyet-30-nqtwcua-bo-chinh-tri-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoivung-dong-bang-song-hong-kim-chi-nam-duanam-dinh-tro-thanh-cuc-phat-trien-quan-trong-cua-vung-nam-dong-bang-song-hong-ky-4-fb41279/