Dưới sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng trong hoạt động kinh doanh cùng trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ khách hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, nhiệm kỳ 2020-2025, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần cùng toàn ngành thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Với động lực từ vốn vay ngân hàng, làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hải Minh (Hải Hậu) đang phát triển mạnh mẽ, bền vững. |
Ước đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 151,14 nghìn tỷ đồng, tăng 73,071 nghìn tỷ đồng (gấp 1,94 lần) so với thời điểm cuối năm 2020, bình quân giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tăng trưởng 14,2%. Tổng dư nợ cho vay đạt 138,65 nghìn tỷ đồng, tăng 68,983 nghìn tỷ đồng (gấp 2 lần) so với thời điểm cuối năm 2020, bình quân giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tăng trưởng 14,8%. Tỷ lệ nợ xấu luôn thấp hơn nhiều so với quy định của NHNN (thời điểm cuối năm 2020 là 0,93%, đến nay là 0,46%), chất lượng tín dụng được đảm bảo. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng hàng năm đều đạt và cao hơn định hướng tăng trưởng chung toàn quốc. Trong đó, tỷ trọng cho vay theo ngành kinh tế được điều chỉnh theo hướng tích cực như tăng cho vay, công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 51,3%; tín dụng chính sách chiếm tỷ trọng trên 4% tổng dư nợ. Có được kết quả trên là nhờ NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã liên tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế – xã hội. Nguồn vốn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, sản xuất, kinh doanh; tiêu dùng, thương mại dịch vụ… Đồng thời, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng của các TCTD trên địa bàn đảm bảo thanh khoản và đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng. Không để tình trạng doanh nghiệp, người dân có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Không chỉ thúc đẩy giải ngân vốn, NHNN tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong từng thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2020-2022 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi cho 907 khách hàng, dư nợ được miễn, giảm là 2.466 tỷ đồng; số tiền lãi được miễn, giảm 15 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 1.818 khách hàng, dư nợ được cơ cấu là 2.670 tỷ đồng; cho vay mới đối với 2.092 khách hàng, dư nợ 11.581 tỷ đồng. Bên cạnh đó Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã thực hiện cho vay theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với 7 doanh nghiệp để hỗ trợ trả lương ngừng việc cho 348 lượt lao động, doanh số cho vay là 1,35 tỷ đồng. Bằng chính nguồn lực của mình, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung bình từ 0,5-1%/năm đối với Việt Nam đồng và 0,3%/năm đối với đồng USD nhằm đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. Tổng dư nợ được giảm lãi suất khoảng 32,091 nghìn tỷ đồng, với 95.265 khách hàng, số tiền lãi được giảm khoảng 126,7 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các TCTD đã hỗ trợ 9 khách hàng với số tiền lãi được hỗ trợ là 542 triệu đồng. Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP, đến ngày 31/12/2023 (thời điểm kết thúc chương trình), Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã rà soát và thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với 48.496 món vay, với dư nợ được hỗ trợ lãi suất 1.981 tỷ đồng; tổng số tiền lãi được hỗ trợ 40,6 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh đã nhanh chóng triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi). Theo đó, số khách hàng bị ảnh hưởng 10.282 khách hàng, chủ yếu là của NHCSXH (10.211 khách hàng); tổng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng 929 tỷ đồng; tổng dư nợ bị thiệt hại ước tính khoảng 153,8 tỷ đồng. Các TCTD đã triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 117 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại trên 10 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay đối với 64 khách hàng, dư nợ được miễn, giảm khoảng 27 tỷ đồng; cho vay mới đối với 2 khách hàng, số tiền trên 1 tỷ đồng. Riêng NHCSXH tỉnh đang áp dụng biện pháp tạm dừng thu lãi đến 31/12/2024 đối với toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng (466 tỷ đồng).
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thời gian qua được các NHTM chủ động triển khai, đạt được nhiều kết quả tích cực. Doanh số TTKDTM trên tổng doanh số thanh toán chiếm 95% về số món giao dịch và chiếm trên 90% về giá trị giao dịch. Thanh toán điện tử trong khu vực công đạt được kết quả khả quan: thu ngân sách Nhà nước, dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, cước viễn thông, chi trả lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp bằng phương thức TTKDTM được chú trọng và đạt kết quả tích cực. 100% các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực Hải quan được thanh toán trên cổng dịch vụ công quốc gia; 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng nộp thuế điện tử; 328 trường học trên địa bàn đã thực hiện thanh toán tiền học phí, trong đó địa bàn thành phố đạt 100%; 24 bệnh viện, cơ sở y tế đã triển khai thực hiện thanh toán tiền viện phí qua ngân hàng… Thực hiện mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số, đối với các TCTD, đến nay hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số (mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm…). Bên cạnh đó, các TCTD đã tích cực, chủ động triển khai đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học cho khách hàng để kịp thời phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tại Nam Định, tính đến ngày 6/12/2024, có tổng số 672.773 hồ sơ khách hàng đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chíp hoặc tài khoản VNeID, trong đó 671.673 khách hàng cá nhân; khách hàng cá nhân đã được chi nhánh các TCTD trên địa bàn đối chiếu thông tin sinh trắc học đạt tỷ lệ 62,75%. Dư nợ cho vay tiêu dùng của người dân qua phương thức điện tử tiếp tục được các TCTD quan tâm đẩy mạnh đạt 28,9 tỷ đồng… Những kết quả trên đã góp phần vào thành công chung trong công tác chuyển đổi số của ngành (NHNN xếp thứ 4 về an toàn thông tin mạng, thứ 3 về kiến tạo thể chế và thứ 4 chuyển đổi số theo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông). Thực hiện chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh, từ năm 2016, NHNN tỉnh đã cam kết với UBND tỉnh cắt giảm đến 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư trong nước và đầu tư có vốn nước ngoài so với yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và giải quyết TTHC về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn. Theo đó, mọi TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đáp ứng đầy đủ quy định đều được NHNN tỉnh tạo điều kiện giải quyết sớm cho doanh nghiệp.
Mạng lưới ngân hàng không ngừng được mở rộng đáp ứng tốt các nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 25 chi nhánh TCTD cấp I, 42 Quỹ Tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh NHTM cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 121 phòng giao dịch và 232 ATM. So với thời điểm cuối năm 2020, tăng 3 chi nhánh TCTD cấp I, 8 phòng giao dịch và 18 ATM, trong đó nhiều đơn vị đã nâng cấp ATM thêm nhiều dịch vụ hiện đại mới như nộp, rút tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm ngay tại ATM… Bên cạnh đó, các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngày càng được phát triển đa dạng; các sản phẩm dịch vụ tài chính đã được các TCTD quan tâm, chú trọng phát triển với nhiều tiện ích, thuận tiện, chi phí thấp nhằm hướng tới các mục tiêu tài chính toàn diện cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, NHNN tỉnh tập trung tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống; tích cực triển khai các nhiệm vụ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh; đẩy mạnh hoạt động thanh toán, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính… góp phần cùng toàn ngành thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thực hiện hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động, tình hình cấp tín dụng của các TCTD trên địa bàn để chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn: cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế như: chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản… Giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân qua phương tiện điện tử; tích cực triển khai Kế hoạch phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025; đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên địa bàn. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, nỗ lực phấn đấu để xem xét giảm thêm lãi suất cho vay; tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quy trình cấp tín dụng nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ…, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin rộng rãi, đầy đủ, rõ ràng về các chương trình, chính sách tín dụng của Nhà nước, các sản phẩm tín dụng ưu tiên, ưu đãi của TCTD, các sản phẩm dịch vụ tiện ích… để người dân, doanh nghiệp biết, hiểu rõ và chủ động tiếp cận chính sách.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202412/nganh-ngan-hang-quyet-tam-thuc-hien-thang-loinghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xx-7fa0415/