Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chủ động, khẩn trương có văn bản chỉ đạo kịp thời, quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra. Các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng đưa ra các phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp…
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh họp, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của khách hàng vay vốn tại thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định). |
Đến xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) ngay sau khi nước rút, tranh thủ trời nắng hanh khô, nhà nhà đều đổ ra đồng thu dọn ruộng vườn những diện tích hoa bị ngập úng mất trắng, tập trung cày xới, phơi đất, tạo luống để nhanh chóng gieo giống cúc cho kịp vụ Tết Nguyên đán năm nay. Vừa nhặt tỉa cỏ, anh Nguyễn Văn Mạnh, thôn Hồng Hà 1 ngậm ngùi chia sẻ: “Toàn bộ 2,5 mẫu hoa cúc của gia đình đều bị ngập, mất trắng; ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng. Hiện gia đình đang cố gắng tranh thủ từng ngày để cày ải, tạo luống, xuống giống để kịp vụ hoa Tết năm nay. Do giá giống hoa tăng cao sau bão nên mới chỉ kịp xuống giống được 2 luống. Gia đình rất mong các ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn càng sớm, càng tốt để kịp mua giống chuẩn bị cho vụ hoa Tết”. Chung nỗi niềm với anh Mạnh, ông Đặng Văn Phương ở thôn Hồng Hà 1 cho biết: “Sau bão số 3, gia đình tôi mất trắng 1,7 mẫu hoa cúc chậu, ước tính thiệt hại sơ bộ là 250 triệu đồng. Hiện gia đình tôi và người dân thôn Hồng Hà 1 đang gặp rất nhiều khó khăn trong tái sản xuất để chuẩn bị hoa phục vụ thị trường Tết năm nay. Bởi giá hoa cúc giống từ Đà Lạt đã tăng mạnh từ 2,5-2,8 triệu đồng/1 vạn cây giống lên đến 4 triệu đồng/1 vạn cây giống; giá cao lại thêm khan hiếm giống nên dự kiến từ giờ đến Tết, gia đình tôi cũng chỉ đảm bảo khôi phục được 1/5 diện tích hoa Tết như mọi năm”.
Tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh, qua thống kê ban đầu, có 10.211 khách hàng thuộc các chương trình cho vay: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với dư nợ cho vay là 466,2 tỷ đồng; dư nợ bị thiệt hại là 125,7 tỷ đồng. NHCSXH tỉnh chỉ đạo các cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn trực tiếp họp cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại các địa phương, lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các khách hàng, tổng hợp báo cáo trình cấp trên xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Bà Phạm Thị Thủy, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện, thành phố, phòng giao dịch, hội đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn thống kê, rà soát số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng khôi phục sản xuất, bước đầu, NHCSXH đã thực hiện tạm dừng thu lãi với 10.211 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đến hết năm 2024; đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 112 khách hàng với dư nợ gần 6,8 tỷ đồng. Hướng dẫn các hộ vay hoàn tất thủ tục cơ cấu nợ, giãn nợ nếu đủ điều kiện. NHCSXH tỉnh cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên vốn tạo điều kiện cho vay bổ sung đối với các hộ đang có dư nợ tại ngân hàng chưa vượt định mức tối đa khoản vay. Rà soát đẩy mạnh giải ngân vay vốn mới đối với khách hàng ở vùng bị ảnh hưởng có phương án vốn khả thi, sử dụng vốn đúng mục đích nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất, đề nghị NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn đặc biệt là chương trình cho vay giải quyết việc làm. Tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ khách hàng vay vốn khôi phục sản xuất để các hộ vay nắm được các giải pháp của NHCSXH”. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, tính đến hết tháng 9/2024, qua thống kê, tổng hợp thiệt hại tại các tổ chức tín dụng, trên địa bàn tỉnh hiện có 10.282 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa, lũ sau bão. Tổng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng là 929 tỷ đồng; tổng dư nợ bị thiệt hại 153,8 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ như: Miễn, giảm lãi vay đối với 64 khách hàng, dư nợ được miễn, giảm là 26,9 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 117 khách hàng với dư nợ là 10,2 tỷ đồng; cho vay mới đối với 2 khách hàng với số tiền là 1,19 tỷ đồng. NHCSXH tỉnh đã tạm dừng thu lãi đối với 10.211 khách hàng đến hết năm 2024.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng cũng tích cực chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất; giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… đồng thời, thiết kế các gói vay ưu đãi mới hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, để hỗ trợ khách hàng có điều kiện ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024, hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh đã triển khai áp dụng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân. Nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng, cũng như bám sát chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng triển khai thêm gói tín dụng mới quy mô 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng chưa có quan hệ tín dụng với BIDV; thời gian hỗ trợ đến hết năm 2024. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã triển khai chính sách giảm tới 0,5% lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 tại khu vực bị ảnh hưởng. Chương trình giảm lãi suất được áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.
Với các giải pháp thiết thực, trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp; các tháng cuối năm, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí để miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ phiền hà, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điệu kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh sau bão. Đồng thời, căn cứ vào thẩm quyền, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, kịp thời, đúng đối tượng, đồng hành với khách hàng.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/nganh-ngan-hang-chung-tay-ho-tro-khach-hangkhoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-7df1bf0/