Nêu cao vai trò của nông dân trong xây dựng những làng quê đáng sống
Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, các cấp Hội Nông dân đã tập trung, tích cực tuyên truyền về các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Đặc biệt, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay đã trở thành phong trào trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Hội. Sau hơn 30 năm thực hiện, phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan toả mạnh mẽ trở thành tâm điểm trong đời sống văn hoá, kinh tế, xã hội nông thôn.
Thông qua phong trào nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số…
“Có thể khẳng định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu đã góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa tổ chức Hội với hội viên, bà con nông dân; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, từng bước tập hợp, thu hút lao động làm ăn xa quê trở về tham gia xây dựng, phát triển quê hương trở thành những làng quê đáng sống” – Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nói.
Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cho biết: Từ những hiệu quả tích cực mang lại, hiện nay phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của các cấp Hội Nông dân đã được Đảng, Nhà nước đưa vào mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Xây dựng những miền quê đáng sống để ai đi xa cũng khát khao trở về
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân Việt Nam trong tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng quê Việt Nam trở thành những làng quê đáng sống để ai đi xa cũng khao khát được trở về như lời khẳng định và kỳ vọng của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 -2028, các cấp Hội Nông dân Việt Nam tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Một là: Trên cơ sở tổng kết 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội về xây dựng Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh, các cấp Hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết nông dân theo định hướng Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Cụ thể: Các cấp Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ các chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân theo phương châm “5 tự, 5 cùng”.
Đẩy mạnh thành lập các mô hình CLB nông dân, trong đó tập trung xây dựng ban hành hướng dẫn thành lập CLB theo 4 mô hình như: “CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “CLB nông dân với pháp luật”, “CLB Khoa học kỹ thuật nhà nông”, “CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường”.
Hai là: Các cấp Hội tiếp tục tập trung vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo định hướng chỉ đạo Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ với những nhiệm vụ, cụ thể như sau:
Ban Chấp hành Trung ương Hội đã tổ chức phát động phong trào “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành quy trình hướng dẫn và tổ chức hỗ trợ thành lập một số mô hình HTX nông nghiệp làm hình mẫu để các cấp Hội tham quan, học tập và nhân rộng mô hình.
Ba là: Tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội Nông dân các cấp với các giải pháp sau:
Giao Ban Tổ chức Trung ương Hội, Trường Cán bộ Hội thực hiện nhiệm vụ khảo sát thực tế để xây dựng và ban hành chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.
Thí điểm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp huyện trở lên.
Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp, chi hội trưởng, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc giai đoạn 2024 – 2030.
Bốn là: Giao cho Ban Kinh tế Trung ương Hội tham mưu cho Thường trực Trung ương Hội phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ chỉ số đánh giá và tổ chức cho hội viên nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
“Với sự quan tâm, nỗ lực của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, chúng ta tin tưởng làng quê nông thôn Việt Nam từng ngày sẽ thêm sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn, trở thành những miền quê đáng sống để ai đi xa cũng khát khao, mong muốn trở về” – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đính Khắc Đính nhấn mạnh.
Năm là: Giao cho Văn phòng Trung ương Hội tham mưu, tập trung hỗ trợ, phổ biến, mở rộng ứng dụng App Nông dân Việt Nam trong hội viên nông dân. Trước mắt thí điểm tổ chức cho hội viên nông dân tham gia ý kiến, tổng hợp phản ánh kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua App Nông dân Việt Nam.
Cùng với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trên, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 69 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam.
Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh: Hình thành những sản phẩm “đa giá trị”
Đánh giá về mục tiêu xây dựng những “làng quê đáng sống”, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ NNPTNT) nhận định: Trải qua hơn 14 năm xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi rõ nét, đặc biệt là từng bước chuyển sang phát triển theo hướng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của nông thôn Việt.
Một trong những chuyển biến rõ rệt và tích cực nhất theo ông Phương Đình Anh đó là: trình độ dân trí cũng như trình độ cán bộ cơ sở ở nông thôn đã được nâng cao. Người dân đã thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới, được chủ động bàn bạc, quyết định cái gì cần cho làng mình, xã mình.
Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, trong đó, tư duy “sản xuất nông nghiệp” đã và đang được chuyển sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, góp phần gia tăng giá trị trong sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên và người già, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, tình làng nghĩa xóm ngày càng được gắn kết, tinh thần đoàn kết cộng đồng cũng trở nên khăng khít, bền chặt hơn. “Có thể nói, chúng ta đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển “tam nông” trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” – ông Phương Đình Anh cho hay.
Cũng theo ông Phương Đình Anh, để duy trì được nếp sống văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được “nét quê”, giữ được các thiết chế văn hóa làng xã từ bao đời, cần quan tâm đến việc giữ gìn các không gian truyền thống khi quy hoạch xây dựng chi tiết đối với các điểm dân cư nông thôn. Chú trọng đến kiến trúc cảnh quan của nông thôn truyền thống theo Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng đến các yếu tố văn hoá trong phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội như xây dựng các công trình hạ tầng đa mục tiêu; phát triển các loại sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP gắn với các yếu tố đặc thù của từng địa phương.