Việc thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong tỉnh thời gian qua đã tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó đáp ứng nhu cầu học nghề của nhiều lao động, góp phần hỗ trợ người lao động phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.
Nông dân xã Điền Xá (Nam Trực) phát triển nghề trồng cây cảnh mang lại thu nhập cao. |
Toàn tỉnh có trên 356 nghìn người lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 34,1% trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng lao động dồi dào về số lượng đã đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Hàng năm, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành đặc biệt quan tâm, chú trọng, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh đã quan tâm xây dựng, sắp xếp tổ chức, kiện toàn mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với điều kiện học nghề của người lao động. Với 26 cơ sở gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường xuyên được quan tâm chú trọng, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng quy định pháp luật.
Thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. Trong 5 năm qua, Hội đã trực tiếp tổ chức 54 lớp dạy nghề cho 1.696 lượt người; phối hợp tổ chức 305 lớp cho 10.183 lượt người, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%; đồng thời, tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 7.500 lượt người. Nhóm nghề nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng; chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; trồng cây lương thực, thực phẩm; nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; nghề nuôi tôm, cua biển, ngao; trồng nấm; chăm sóc, uốn, cắt tỉa cây cảnh; trồng rau… Theo khảo sát, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có năng suất và hiệu quả hơn đạt trên 85%. Nhiều lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định giúp gia đình thoát nghèo. Bên cạnh đó, mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông, nhà trường, doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả và khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề. Với các hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi như: Cùng xây dựng chương trình đào tạo; tham gia vào quá trình giảng dạy; sắp xếp, bố trí nơi thực tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ trang, thiết bị cho các cơ sở đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp… Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho lao động, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Tiêu biểu như Doanh nghiệp tư nhân Cao Cường ở xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đã làm tốt công tác phối hợp dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hàng năm, doanh nghiệp đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định cùng chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan, bẹ chuối, may công nghiệp; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy nghề cho lao động của các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy. Nhờ có nguồn lao động có tay nghề, doanh nghiệp luôn ổn định sản xuất, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định cho lao động địa phương. Cùng với việc dạy nghề, những năm qua doanh nghiệp đã huy động vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng, tổ chức sản xuất thêm các sản phẩm may mặc, tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông nhàn. Hoạt động thu mua bẹ chuối, bèo tây của doanh nghiệp cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác trên địa bàn.
Việc thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng tốt quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hiện nay còn một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ chưa đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn cao. Chất lượng đào tạo tại một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Công tác tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn chưa thường xuyên, liên tục; hiệu quả chưa cao. Việc giải quyết việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là các nghề phi nông nghiệp. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên ở một vài cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Số lao động được đào tạo nghề còn ít so với nhu cầu lao động xã hội; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động… Cùng với đó, nhận thức, quan niệm của người dân một số địa phương chưa thực sự hiểu đúng về công tác đào tạo nghề; đào tạo nghề chưa thực sự gắn với việc xây dựng các vùng chuyên canh, chuyên nuôi tập trung, làng nghề, chưa có nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình đào tạo kiến thức mới về quản trị kinh doanh nhất là cho các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã và doanh nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… còn ít.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng cao năng suất lao động, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41 ngày 30-3-2022 về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 75%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 0,15%. Đến năm 2030, Nam Định phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, trong đó nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh – sạch – đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị./.
Bài và ảnh: Hồng Minh