Huyện Nam Trực đã chủ động xây dựng và sẵn sàng vận hành các phương án phòng chống thiên tai (PCTT), quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Huyện Nam Trực có 29,4km đê cấp II, III và 11,1km đê bối; có 17 cống dưới đê, 10 cống trên đê bối và 10 kè hộ bờ. Tuyến đê sông hữu Hồng dài hơn 15km đã được đắp đất mở rộng và được cứng hóa bằng bê tông, mặt đê rộng 4-5m. Tuyến đê sông tả Đào dài 14,3km, toàn tuyến đã được đắp đất mở rộng, mặt đê rộng 4-5m, còn một số đoạn chưa được cứng hóa. Qua kiểm tra đê điều trước mùa mưa bão năm 2023, Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện xác định tuyến kè Quán Các, tương ứng K176+820 – K177+100 trên tuyến đê hữu Hồng, thuộc địa phận xã Tân Thịnh là một trọng điểm xung yếu cần được bảo vệ vì đoạn đê kè nằm ở đoạn sông cong, dòng chủ lưu chảy áp sát, phía ngoài có nhiều đoạn bãi hẹp, có chỗ mép bãi cách chân đê từ 15-25m. Trong mùa lũ bão những năm trước đã bị sạt lở bãi 25m dài, ăn sâu vào bãi 1-1,5m nhưng chưa được xử lý. Bên cạnh đó, còn các vị trí xung yếu khác cần quan tâm theo dõi là: Đoạn kè Quy Phú vị trí từ K178+000-K178+572 tuyến đê hữu Hồng; cống Sa Lung, Dương Độ, Đồng Lựu trên tuyến đê tả Đào; đê bối Thắng Thịnh tuyến đê hữu Hồng; đê bối Xí nghiệp Gạch, An Tùy, Đại An tuyến đê tả Đào.
Huyện Nam Trực diễn tập phương án di dân ứng phó với siêu bão tại xã Bình Minh. |
Trên 2 tuyến đê sông tả Đào và sông hữu Hồng có 10 kè, trong đó một số kè như: Kè Quy Phú bị hư hỏng một số đoạn, kè Bái Trạch có diễn biến sạt lở cần sửa chữa, tu bổ, kè Kinh Lũng đã bị huỷ liệt từ lâu nên không còn tác dụng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 4 bối gồm: Thắng Thịnh, Đại An, An Tùy, Xí nghiệp Gạch với 1.853 hộ, 7.468 khẩu. Tại các vùng bối, nhân dân vẫn phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm song nơi ở, sinh hoạt không đảm bảo an toàn khi có bão đổ bộ, đồng thời có nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn kết hợp với triều cường. Đặc biệt khu bãi ngoài bối Xí nghiệp Gạch bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bãi chỉ còn rộng từ 1-3m. Khu vực bãi sông Hồng thuộc địa phận xã Nam Thắng, tại vị trí tương ứng từ K174 đến K175 tuyến đê hữu Hồng nằm ngoài bờ bao, cách bờ bao khoảng từ 200 đến 300m, bãi đang bị sạt lở tạo thành các vách đứng với chiều dài khoảng 1km, vị trí điểm đầu sạt lở đối diện với đầu bãi bồi, điểm cuối sạt lở đối diện cuối bãi bồi. Hiện nay tại phần đất bãi người dân vẫn đang trồng cỏ.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của công và người dân trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Nam Trực, các xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để chỉ đạo công tác PCTT và TKCN. UBND các xã, thị trấn thành lập đội xung kích PCTT của địa phương với số lượng 70 người đối với xã nội đồng, xã có đê sông 90 người. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở thôn, xóm thành lập lực lượng xung kích xóm với số lượng từ 10 đến 25 người để sẵn sàng ứng cứu khi cần. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện sẽ điều động lực lượng Quân sự huyện và Công an huyện để sẵn sàng ứng cứu khi thiên tai xảy ra. Cùng với việc chuẩn bị lực lượng, huyện cũng dự trữ các loại vật tư phục vụ PCTT tại kho của huyện, gồm 6 bộ nhà bạt; áo phao, phao tròn, phao bè 1.302 chiếc; bao tải 500 chiếc; bạt chắn sóng 200m2. Trên 2 tuyến đê sông Hồng, sông Đào huyện tập kết 6.641m3 đá hộc. Trong đó tại Ngặt Kéo 769m3; Cống thứ nhất 2.020m3; Phú Hào 325m3; Trường Nguyên 1.104m3; An Lá 71m3; Bái Trạch 887m3; Thi Châu 820m3… Bên cạnh đó, các xã, thị trấn ven sông chuẩn bị ô tô tải 4 chiếc, tre, luồng 3.000 cây, bao tải 3.000 chiếc, vải bạt 1.000m², cuốc, xẻng 100 chiếc, xe rùa 50 chiếc, máy phát điện 1-2 chiếc, máy bơm dã chiến để phòng, chống úng và các loại lương thực thực phẩm thiết yếu.
Cùng với việc chuẩn bị chu đáo nhân lực, các loại phương tiện, vật tư, huyện đã xác lập 4 phương án, gồm: Phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến, phương án di dân, phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là trên hệ thống truyền thanh của huyện, các xã, thị trấn để phổ biến kiến thức, kinh nghiệm PCTT nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai. Tập trung tổ chức tốt hoạt động diễn tập PCTT và TKCN, thực hành diễn tập công tác xử lý sự cố đê, cứu người bị nạn do bão. Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh chủ động phối hợp tốt với Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, các hợp tác xã nông nghiệp để điều hành việc tưới tiêu, điều hòa nước phục vụ sản xuất. Chủ động vận hành các trạm bơm, khơi thông dòng chảy và tiêu rút nước đệm còn trên hệ thống không để mưa bão ảnh hưởng đến sản xuất; phối hợp UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm phương án phòng, chống úng, hạn; quy trình vận hành hệ thống; quy trình vận hành các cống dưới đê trong mùa lụt bão; phối hợp với Hạt Quản lý đê tham mưu UBND huyện biện pháp xử lý sự cố về đê, kè, cống…
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ công tác nhân lực, phương tiện, vật tư đến hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” sẽ giúp huyện Nam Trực bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè và giảm tối đa thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại