Với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, huyện Nam Trực đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu về đích huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Cảnh quan nông thôn mới kiểu mẫu xã Hồng Quang. |
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ không có điểm dừng, Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Trực đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; trong đó xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh, văn minh. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên, viên chức và cộng đồng để huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; tổng kết, đánh giá các mô hình điểm, nhân rộng các điển hình, những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo… Đến nay, toàn huyện đã có 3 xã: Hồng Quang, Nam Mỹ, Nam Thắng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 6 xã: Điền Xá, Nam Dương, Nam Hùng, Bình Minh, Nam Thanh, Nam Lợi đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Từ nay đến hết năm 2024 tiếp tục hoàn thành mục tiêu 3 xã Nam Hoa, Nam Hồng và Nam Tiến đạt NTM kiểu mẫu; thị trấn Nam Giang hoàn thành đạt chuẩn đô thị văn minh; 100% số xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; huyện đạt chuẩn NTM nâng cao…
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực xây dựng NTM, huyện đang tập trung phát triển các cụm công nghiệp theo Phương án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản tập trung, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển con nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ hiện đại và thị trường tiêu thụ ổn định. Ở các xã, thị trấn đều có sản phẩm nông sản chủ lực được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất nguồn gốc. Tiêu biểu như sản phẩm lúa, gạo Đài thơm 8 và Bắc thơm 7 là sản phẩm gạo chất lượng cao của các xã; sản phẩm khoai tây với diện tích sản xuất 200ha của các xã vùng đồng màu… được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã vùng trồng. Đến nay, huyện Nam Trực có 32 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Kinh tế của huyện phát triển khá toàn diện, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/năm; 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,4%, tăng 9,21% so với thời điểm huyện được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018. Hệ thống cơ sở vật chất và tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính được xử lý trên Cổng dịch vụ công theo quy định và đạt mức độ III trở lên, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số thành phần “Tính minh bạch” của chỉ số PCI, DDCI (hệ thống Đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương) trên địa bàn huyện.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao, huyện Nam Trực giai đoạn 2021-2025 có 11 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh, các xã còn lại hoàn thành chương trình NTM giai đoạn 2021-2025. Tại các xã, 100% đường thôn được cứng hóa đạt chuẩn tiêu chí NTM nâng cao. Các thôn, xóm, tổ dân phố thường xuyên phát động nhân dân, hội viên của các tổ chức đoàn thể tham gia dọn vệ sinh môi trường các tuyến đường. Hệ thống điện đạt chuẩn, tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, ổn định đạt 100%. Toàn huyện có 66 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ I trở lên, đạt tỷ lệ 100%. Có 86,45% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh, tăng 55% so với khi huyện đạt chuẩn NTM năm 2018; có trên 300 điểm phát sóng wifi công cộng miễn phí bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn thông tin theo quy định.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn chú trọng phát triển, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhà văn hoá các thôn, xóm tiếp tục được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đầu tư trang thiết bị, ngày càng phát huy hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các tổ chức đoàn thể. Nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên, nhất là dịp lễ, tết. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được chú trọng thực hiện, nhất là xây dựng gia đình, xóm văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay, toàn huyện có 223 thôn, xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa. 100% khu dân cư giữ vững nền nếp hàng năm tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. Các xã, thị trấn đều thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt hoặc ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt với một số hợp tác xã dịch vụ môi trường; trên 70% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đến hết ngày 31/12/2023, huyện Nam Trực không có nợ xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Hiện huyện Nam Trực đang tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao, định hướng xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Trong đó, tập trung triển khai công tác xây dựng quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh và quản lý quy hoạch, tạo điều kiện để thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở vật chất các trường học, các công trình văn hóa cấp huyện; chỉnh trang cơ sở vật chất văn hóa và bổ sung trang thiết bị tại các xã, thôn, xóm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ và duy trì, quản lý tốt hệ thống chợ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số; duy trì tốt hệ thống thông tin liên lạc viễn thông. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với phương châm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là tại bộ phận một cửa ở huyện và cấp xã. Tập trung phát triển công nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, sạch, thân thiện với môi trường… Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Văn Đại
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/nam-truc-quyet-tamve-dich-huyen-nong-thon-moi-nang-cao-bd14537/