Để xóa những “điểm nghẽn”, Nam Định đã xác định giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Để xóa thế “ốc đảo” khi hệ thống cao tốc Bắc – Nam không chạy qua địa bàn, những năm qua, Nam Định đã chủ động tập trung đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Xóa “điểm nghẽn” giao thông
Có một thời gian dài, Nam Định là địa phương có hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội chưa cao, một phần vì vướng những “điểm nghẽn” trong hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.
Vốn có thế “ốc đảo” khi hệ thống cao tốc Bắc – Nam không chạy qua, một số công trình hạ tầng giao thông huyết mạch quan trọng chưa triển khai hoặc mới khởi công xây dựng, hệ thống giao thông nội tỉnh, nhất là nội huyện, còn nhiều tuyến đường quy mô nhỏ, lòng đường hẹp, địa bàn có nhiều sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào…) đã hạn chế khả năng kết nối vùng của địa phương.
Phối cảnh cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, TP Nam Định.
Để xóa những “điểm nghẽn”, Nam Định đã xác định giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Hơn 10 năm qua, Nam Định đã chủ động tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Nhờ đó, tỉnh Nam Định đã và đang đầu tư xây dựng mới hàng loạt công trình hạ tầng giao thông huyết mạch như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình; cầu Tân Phong; cầu Thịnh Long; cầu Bến Mới, cầu Đống Cao; nâng cấp các đường tỉnh 485B, 487B, 488B, 488C; dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn – Yên Định, Lạc Quần – Ngô Đồng; tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông hoàn thành đã kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; tuyến đường bộ mới TP Nam Định – đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định (tuyến tránh giảm tải cho quốc lộ 10) được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với thực tế phát triển kinh tế – xã hội.
Sau khi hoàn thành các cầu, các tuyến giao thông huyết mạch theo quy hoạch mở ra không gian phát triển về đô thị ven biển như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông và công nghiệp, đặc biệt là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia cao tốc Bắc – Nam. Sẽ góp phần thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng các khu kinh tế với chức năng chuyên biệt theo định hướng quy hoạch của tỉnh và hiệu quả tích cực trong giao thương, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA như dự án đường giao thông nông thôn 3 trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thực hiện 31 công trình. Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương LRAMP đã triển khai xong kế hoạch năm thứ nhất với 13 tuyến đường, năm thứ 2 với 10 tuyến đường và đang triển khai kế hoạch năm thứ 3 với 12 tuyến đường.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện và thành phố Nam Định làm chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án cải tạo, nâng cấp công trình giao thông từ đường tỉnh, đường huyện, đường trục xã, liên xã, đường giao thông nông thôn.
Tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cải tạo, nâng cấp và xây mới 437,7km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 18.870 tỷ đồng; đã huy động các nguồn lực trong tỉnh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 8.422km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 7.239 cầu, cống dân sinh; 100% số xã, thị trấn đã có đường ô tô được láng nhựa hoặc bê tông đến trụ sở UBND xã; 4.216,9km đường thôn xóm, hầu hết các tuyến có chiều rộng mặt đường 3,5-5m đã được rải nhựa và bê tông xi măng khoảng 83%.
Hiệu quả thu hút đầu tư
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định cho biết, để từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh theo quy hoạch, tỉnh Nam Định đã ưu tiên và huy động nhiều nguồn để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.
Thi công dự án cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi.
Các dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư, rút ngắn được khoảng cách từ các huyện phía Nam tỉnh đi trung tâm TP Nam Định và các tỉnh lân cận, góp phần kết nối các vùng kinh tế như tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.
“Thời gian tới, một số dự án tiếp tục đầu tư như Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn – Yên Định, Lạc Quần – Ngô Đồng, Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng, cầu Ninh Cường, cầu Song Hào, Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng… tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, hiện tại sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và quốc gia như: Giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh; cầu qua sông Đào… Cùng với đó, sở cũng tích cực tham mưu cho tỉnh chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để triển khai tuyến cao tốc kết nối giữa Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng đoạn qua địa bàn Nam Định dài 27,6km; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khởi công xây dựng cầu Bến Mới và chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.
“Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến có tính kết nối, đồng thời tiếp tục đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh hiện có.
Quyết tâm dồn lực, từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hệ thống hạ tầng giao thông là giải pháp đúng đắn để Nam Định xây chắc nền móng tiến tới hoàn thành mục tiêu “phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030″ như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra”, ông Hùng cho hay.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng, nâng cấp, ngày càng hoàn thiện đã đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội cho Nam Định. Đặc biệt, năm 2022 cũng là năm đánh dấu mốc đáng nhớ trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2021 khi Nam Định đã vươn lên đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2020), thuộc nhóm xếp hạng khá cả nước. Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Nam Định đạt tổng số 66,67 điểm, cao hơn năm trước 1,38 điểm; nằm trong nhóm tỉnh đạt điểm số trung vị của cả nước (66,66 điểm).
Trần Kim
Nguồn: http://namdinhtv.vn/chinh-tri-xa-hoi/nam-dinh-xoa-the-oc-dao-thu-hut-dau-tu