Kỳ I: Đánh thức một vùng quê
Điểm nhấn trong quá trình hiện thực hoá khát vọng đổi mới, phát triển tỉnh là sự sáng tạo trong huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp. Nhờ nắm bắt đúng tâm nguyện người dân, chọn đúng khâu đột phá với cách làm sáng tạo, tỉnh đã huy động hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, dù với điểm xuất phát thấp, ngân sách “khiêm tốn”, Nam Định là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2019 để chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Triển khai chương trình xây dựng NTM từ năm 2010, trong bối cảnh không thể “mạnh tay” chi bởi ngân sách hạn hẹp; hầu hết cán bộ cơ sở và người dân ban đầu đều nhận thức đây là một chương trình mục tiêu lớn và sẽ được Nhà nước đầu tư, người dân nông thôn chỉ việc… thụ hưởng(!). Bám sát phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và hưởng thụ”. Cụ thể, nguồn lực xây dựng NTM phải từ khai thác nội lực, người dân đóng vai trò chủ thể, chủ động, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ để thực hiện, Nhà nước chỉ định hướng, xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ một phần để thực hiện. Nguồn lực Nhà nước chỉ đóng vai trò “đòn bẩy” khích lệ, và tập trung cho những công trình quy mô, ảnh hưởng lớn. Trên quan điểm này, dù “nghèo” nhưng tỉnh đã quyết định hỗ trợ mỗi xã xây dựng NTM 8 tỷ đồng, xã chọn làm điểm được hỗ trợ nhỉnh hơn; đồng thời tạo cơ chế cho cấp xã được giữ lại phần lớn nguồn thu từ đấu giá cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM. Cùng với đó cấp uỷ, chính quyền các cấp phát động sâu rộng phong trào thi đua “chung tay xây dựng NTM” nhằm động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp lớn xây dựng, phát triển nông thôn.
Nông dân xã Nam Điền (Nam Trực) tích cực tham gia phát triển nghề trồng hoa cây cảnh góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ngành càng giàu đẹp. |
Thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, từng địa phương đưa ra các lộ trình cụ thể, việc dễ làm trước, việc khó làm sau, tạo phong trào thi đua giữa các gia đình, các thôn, xóm, thi đua giữa các xã, thị trấn, làm từ nhà ra đồng, từ xóm đến xã. Những kết quả bước đầu trong xây dựng NTM được phổ biến lan tỏa, có sức khích lệ to lớn đối với các cộng đồng thôn, xóm, xã. Nhân dân nông thôn đều cảm nhận sâu sắc về giá trị, sự đổi thay to lớn của công cuộc xây dựng NTM mà chính bản thân, gia đình mình tham gia thực hiện và được thụ hưởng.
Bằng cách đó, trong giai đoạn 2010-2019, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của tỉnh đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 26%, còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngoài ra, toàn tỉnh đã đồng lòng quyết tâm tiếp tục triển khai nâng chất NTM, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ có bắt đầu nhưng không có điểm dừng, tiếp tục chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thậm chí từ năm 2021 đến nay, dù gặp rất nhiều trở ngại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, người dân và doanh nghiệp đều khó khăn… nhưng Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của tỉnh tiếp tục nhận được sự đồng thuận, ủng hộ thực hiện. Trong 2 năm (2021-2022), tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ước đạt 20.168 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương chiếm 1,2%; ngân sách địa phương chiếm 6%; còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và huy động cộng đồng.
Nhà máy ProSport Hồng Thuận xã Hồng Thuận là một trong số các dự án giải quyết việc làm cho nhiều lao động đã được huyện Giao Thuỷ thu hút đầu tư thành công trong lộ trình phát triển kinh tế của địa phương. |
Có thể kể hàng loạt “khâu khó, việc khó” đã được tỉnh triển khai thực hiện thành công, tạo đột phá cho toàn chương trình. Đó là công tác “dồn điền, đổi thửa”, đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng NTM và hình thành được các cánh đồng lớn liền vùng, liền thửa, thuận lợi cho tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hoá, tạo được nguồn nguyên liệu, sản phẩm số lượng lớn, chất lượng đồng đều, có kiểm soát, đạt yêu cầu xuất khẩu hay tham gia vào các chuỗi phân phối hiện đại. Thông qua “dồn điền, đổi thửa”, người dân tự nguyện hiến, góp hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp, thổ cư để kiến thiết lại đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu đưa máy móc vào để cơ giới hóa sản xuất; chỉnh trang khu dân cư, phát triển các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng. Hạ tầng kỹ thuật diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt theo hướng văn minh, hiện đại. 100% số xã, thị trấn có các nhà đầu tư đã và đang xây dựng các nhà máy nước sạch; 100% số xã, thị trấn đều có lò đốt rác sinh hoạt. Nnhiều khu dân cư nông thôn “Nhà có số, phố có tên, đường có điện, có hoa sáng – xanh – sạch – đẹp, sông không rác”; cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận, đời sống người dân nông thôn đã được nâng lên về chất, dần thu hẹp khoảng cách với thành thị, thực sự là những miền quê đáng mơ ước.
Cùng với đó, các hộ nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, ngành nghề; kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn với mô hình “cánh đồng lớn” có bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị. Chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, an toàn dịch bệnh, theo chuẩn VietGAHP ngày càng phát triển. Nuôi trồng thủy sản chuyển mạnh từ quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao, áp dụng quy trình nuôi tiêu chuẩn VietGAP. Thu nhập thực tế của người dân ở nông thôn năm 2022 bình quân đạt 65 triệu đồng/người; mức sống được cải thiện đáng kể, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Mô hình, cách làm NTM Nam Định đã được nhiều địa phương trong cả nước tới tham quan, học tập.
Đến cuối tháng 9-2023, toàn tỉnh có 189/204 (92,65%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX); 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó xã Giao Phong (Giao Thuỷ) là 1 trong 9 xã của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để thực hiện thí điểm mô hình xã NTM thông minh;…
Để bảo đảm nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đặc biệt chú trọng khuyến khích các địa phương, đơn vị có các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tích cực đôn đốc, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách trên địa bàn cũng tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Tính chung giai đoạn 1997-2021, tổng thu đạt 52.419 tỷ đồng, bình quân tăng 16,9%/năm; Giai đoạn 2021-2023 tổng thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn ước đạt 25.131 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 16,3%/năm. Nguồn thu gia tăng kết hợp với thực hiện nghiêm việc triệt để tiết kiệm trong chi tiêu hành chính để tăng nguồn cho đầu tư phát triển.
Chia sẻ về những bước đi, cách làm sáng tạo của tỉnh trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cho biết: “Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, Ban TVTU đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế đầu tư các khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ quỹ đất, tăng cường nguồn vốn cho đầu tư công”. Giải pháp đột phá này vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, phát triển thị trường bất động sản, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, vừa huy động được một nguồn vốn đáng kể từ xã hội. Hết năm 2020, toàn tỉnh đã triển khai được trên 70 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai 113 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn; số tiền đã thu được từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm đạt gần 4.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã phân cấp cho các huyện, thành phố để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng NTM và các công trình dự án khác. Ngoài ra còn lồng ghép tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu khác, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để đầu tư hoàn thành nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương.
Cầu Thịnh Long. Ảnh: Viết Dư |
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước được sử dụng đảm bảo nguyên tắc không đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, nhất là các công trình giao thông, khu công nghiệp có quy mô mang tính đột phá, tạo đòn bẩy kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác vào đa dạng các lĩnh vực, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp.
Nhờ những giải pháp thiết thực này, công tác huy động nguồn lực đầu tư của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực; quy mô vốn đầu tư thực hiện tăng nhanh qua các năm. Tính chung trong 25 năm tái lập (1997-2021) tổng vốn đầu tư tỉnh thực hiện đạt 331.587 tỷ đồng; riêng 3 năm 2021-2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 144.106 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 12,4%/năm. Trong đó vốn ngoài Nhà nước chiếm 71,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 8,5% và tăng bình quân 13,4%.
Nông thôn mới xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng). Ảnh: Việt Thắng |
“Cái khó ló cái khôn”, bằng sự sáng tạo trong cách làm, khó khăn của tỉnh về nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã từng bước được tháo gỡ. Một cuộc chu chuyển vốn ngoạn mục từ người dân, doanh nghiệp, con em quê hương ở tỉnh ngoài, nước ngoài và doanh nghiệp chảy về địa bàn nông thôn, đầu tư cho phát triển toàn diện “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã diễn ra thành công. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; nhờ đó mà các khâu khó, việc khó đã được tháo gỡ, thực hiện thành công sự nghiệp lớn, quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh.
(Còn nữa)
Vân Anh – Thanh Thúy
Xuất bản ngày 2-10-2023