Trò chuyện cùng Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đỗ Thị Lai – thủ nhang Điện Phúc Thiện Tâm Thành, thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường), chúng tôi nhớ mãi ấn tượng về sự bình dị, gần gũi, trong mỗi câu chuyện của bà đều mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Hơn 30 năm qua, bà dành nhiều tâm huyết trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Thị Lai – người có nhiều tâm huyết trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. |
Nghệ nhân Đỗ Thị Lai là một trong 6 nghệ nhân của tỉnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT về những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. NNƯT Đỗ Thị Lai sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hải Hưng (Hải Hậu). Năm 1988, bà có cơ duyên theo học cụ Nguyễn Thị Khuyên – người sinh ra trong một gia đình có truyền thống thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Năm 1990, bà Lai chính thức làm lễ mở điện thờ, trực tiếp thực hành tín ngưỡng tại Điện Phúc Thiện Tâm Thành cho đến ngày nay. Nhiều năm thực hành di sản, bà Lai đã truyền dạy cho các đệ tử, học trò những phép tắc, chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đến nay, số lượng đệ tử, học trò mà bà đã truyền dạy lên tới hơn 50 người gồm các đồng đền, thủ nhang, thanh đồng sinh hoạt tại khắp các đền, phủ, điện trong tỉnh. Bà Lai có 2 người con trai và 1 người con gái cũng được bà truyền dạy và hiện đang “nối nghiệp” thực hành các nghi thức thờ Mẫu Tam phủ. NNƯT Đỗ Thị Lai là hội viên của Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Bảo vệ, phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định; thường xuyên tham gia các cuộc giao lưu nghi lễ Chầu văn, hầu đồng. Quá trình hoạt động thực hành tín ngưỡng, bà đã tích cực phát tâm công đức kết hợp kêu gọi cộng đồng ủng hộ để tu bổ các di tích lịch sử – văn hóa như: Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường), Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương (Hải Hậu)…
Là thanh đồng, nghệ nhân cao tuổi, NNƯT Đỗ Thị Lai nắm giữ nhiều tri thức liên quan đến thực hành di sản với các nghi lễ quan trọng. Trong thực hành tín ngưỡng, bà luôn chỉn chu từ trang phục đến cung văn, vũ đạo, bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần của các khoa lễ, giá đồng ca ngợi công ơn các vị Thần, Thánh, Mẫu, các vị tướng có nhiều công lao trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Các khoa cúng lễ thường áp dụng theo lối tụng, niệm thông thường hoặc theo nhịp điệu chèo truyền thống gọi là “canh, kệ” để người nghe dễ hiểu và đi vào lòng người.
Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì cộng đồng là chủ thể sáng tạo để đưa vào đó nghệ thuật văn hoá tâm linh như: lên đồng, múa dâng, cách biểu đạt khi nhập vai các vị Thần, Thánh và sử dụng âm nhạc với các nhạc cụ, ca từ thể hiện qua giai điệu chầu văn, cách trang trí, bày biện ban lễ tại nơi thờ tự… Trong các giá hầu đồng có sự hiện thân của những nhân vật lịch sử với phong thái, tính cách khác nhau thể hiện qua cử chỉ, nét mặt, động tác múa, đòi hỏi người thể hiện phải am hiểu lịch sử, tâm linh, có kinh nghiệm chuyên môn và quan trọng hơn là phải nhập tâm vào từng giá hầu. Bà Lai luôn tâm niệm, đi theo con đường hầu Thánh trước tiên là để “khai tâm dưỡng trí”, sau là truyền dạy đệ tử theo con đường thánh thiện. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh nên những người thực hành tín ngưỡng này và cộng đồng cần phải bảo tồn, gìn giữ, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha ta đã để lại. Không chỉ chú trọng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, NNƯT Đỗ Thị Lai còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp, ủng hộ phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.
Vào mỗi dịp “Tháng 8 giỗ Cha” (Đức Thánh Trần) và “Tháng 3 giỗ Mẹ” (Thánh Mẫu Liễu Hạnh) âm lịch hàng năm, Điện Phúc Thiện Tâm Thành trở thành “điểm đến” của đông đảo thanh đồng, con nhang, đệ tử, người dân địa phương và du khách thập phương. Tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Điện Phúc Thiện Tâm Thành, trong tiếng nhạc khoan thai, dập dìu, trống phách, thanh la rộn ràng của nghệ thuật Chầu văn cùng những động tác múa uyển chuyển, dứt khoát của NNƯT Đỗ Thị Lai trong từng giá hầu đồng làm cho không khí của buổi lễ thêm sôi động. Dù tuổi đã cao nhưng NNƯT Đỗ Thị Lai vẫn đắm say, nhiệt huyết với tín ngưỡng thờ Mẫu, đóng góp công sức của mình trong việc kế thừa, gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy lan tỏa những giá trị nhân văn của Đạo Mẫu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng