Nhờ chủ động nắm bắt chủ trương của tỉnh và huyện Vụ Bản khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô cánh đồng lớn, anh Trần Văn Tuyến ở xóm C, thôn Áp Phú, xã Thành Lợi đã thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất “đồng trà, đồng giống” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Anh Trần Văn Tuyến, xóm C, thôn Áp Phú, xã Thành Lợi thu hoạch lúa mùa trên cánh đồng lớn. |
Vụ mùa năm 2023 là vụ thứ 3 anh Trần Văn Tuyến và các thành viên sản xuất trên vùng đất tập trung tại các cánh đồng Xung, Bến với quy mô khoảng 24ha. Anh Tuyến cho biết: “Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn vì giá vật tư nông nghiệp tăng, các loại sâu bệnh hại diễn biến phức tạp; trong khi đó cơ cấu việc làm, lao động cũng thay đổi, nhiều lao động, nhất là thanh niên, chuyển sang làm công nhân cho các doanh nghiệp có thu nhập ổn định hơn hoặc đi làm ở các tỉnh, thành phố lớn nên đồng ruộng thiếu người làm. Bình quân ruộng đất mỗi hộ cũng không nhiều, nên sản xuất đơn lẻ không hiệu quả, một số hộ dân trên địa bàn đã bỏ ruộng không canh tác, gây lãng phí tài nguyên đất đai”. Trước thực trạng trên Hội Nông dân xã Thành Lợi đã tuyên truyền, vận động hội viên tham gia tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất. Tháng 5-2021 được Hội Nông dân xã hướng dẫn anh Tuyến đã cùng 9 hội viên nông dân trên địa bàn thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa chất lượng cao. Ngay sau khi thành lập, anh Tuyến đã chủ động phối hợp với Ban chi ủy Chi bộ thôn, Đoàn Thanh niên, chi Hội Phụ nữ các xóm đến từng gia đình vận động bà con cho thuê lại ruộng để có thể tập trung thành vùng sản xuất quy mô lớn. Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, vận động, dồn đổi, hàng trăm hộ gia đình ở các xóm đã đồng ý chuyển ruộng cho anh và Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa chuyên sản xuất lúa giống. Anh Tuyến chia sẻ: “Có diện tích lớn nhưng ghép từ nhiều mảnh nên cốt đất cao thấp không đều, hệ thống thuỷ lợi tắc nghẽn, nhiều bờ quai, bờ thửa phân ô nên chúng tôi đã phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian để chỉnh trang đồng ruộng: phá bỏ những bờ không cần thiết, đắp thêm bờ mới, cải tạo cốt đất, san phẳng mặt ruộng, xử lý để diệt cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng; khơi thông, xây mới hệ thống thuỷ lợi; đường điện để nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa máy vào làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh và thu hoạch. Mất bao nhiêu công mới có được cánh đồng diện tích sản xuất khá lớn có thể cấy đồng giống, đồng trà; ruộng cơ bản được khoanh vùng nên thuận lợi cơ giới hóa, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất”.
Anh Tuyến và các hội viên đã tự đóng góp đầu tư trang bị 1 máy cấy mạ khay, 2 máy làm đất, 1 máy gặt, xây dựng hệ thống đường điện để chủ động việc bơm nước tưới. Khâu bảo vệ thực vật được anh đầu tư 1 giàn máy phun thuốc trừ sâu không người lái, giúp giảm đáng kể chi phí so với phun thủ công, lại bảo đảm hiệu quả phòng trừ. Tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, anh Tuyến quy hoạch thành những vùng sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm hợp lý theo hợp đồng liên kết ký với Công ty TNHH Cường Tân. Các giống lúa được sử dụng gieo trồng là những giống chất lượng như: ST25, Kô-gi của Nhật Bản; một phần diện tích dành để sản xuất giống lúa mẹ, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho các hội viên.
Nhờ được gieo cấy trong khung thời vụ và chăm sóc tốt, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định; toàn bộ lúa thương phẩm được Công ty TNHH Cường Tân thu mua với giá bán theo hợp đồng thỏa thuận nên anh và Tổ hội không phải lo tìm đầu ra cho nông sản. Vụ mùa năm 2023, năng suất lúa bình quân đạt 200 kg/sào, với giá bán tại ruộng là 82 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi sào cho lãi hơn 700 nghìn đồng, cao gấp hơn 2,5 lần so với cấy đại trà… Trong vụ mùa năm 2023, anh Tuyến chọn trồng 19,8ha bằng giống lúa Kô-gi của Nhật Bản. Đây là giống lúa chất lượng cao, gạo ngon, có thời gian sinh trưởng, phát triển từ 102 đến 105 ngày, cứng cây, chống đổ tốt, số bông hữu hiệu khá cao. Qua gieo trồng thực tế cho thấy, giống lúa có đặc tính nông sinh học phù hợp với cơ cấu mùa vụ tại địa bàn, năng suất trung bình của giống lúa Kô-gi đạt từ 59-62 tạ/ha. Đánh giá về hiệu quả của mô hình, đồng chí Lê Văn Thường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Lợi cho biết: “Mặc dù mới đang trong thời gian đầu gieo cấy thử nghiệm nhưng mô hình sản xuất giống lúa Kô-gi đã cho những kết quả rất tích cực. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Cường Tân thu mua bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn các loại lúa bình thường. Nhưng để thực hiện được mô hình này một cách hiệu quả, nhất thiết người dân phải xây dựng mô hình cánh đồng lớn”. Từ những kết quả này, thời gian tới Hội Nông dân sẽ tham mưu cho UBND xã Thành Lợi tiếp tục nhân rộng mô hình hoạt động của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo tiền đề tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại địa phương.
Nhờ có ruộng đất sản xuất tập trung, biết đầu tư và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, anh Trần Văn Tuyến đã vươn lên khá giả từ chính nghề nông. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, anh Tuyến còn giúp tạo việc làm cho hàng chục hộ hội viên nông dân tại địa phương. Hiệu quả kinh tế – xã hội mà mô hình tích tụ ruộng đất mang lại đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Thành Lợi nếu biết khai thác tốt tiềm năng đất đai và có phương thức sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên thời tiết, khí hậu, sâu, dịch hại, vì thế điều anh Tuyến và các thành viên Tổ nghề nghiệp trồng lúa chất lượng cao xã Thành Lợi mong muốn là, ngoài việc tạo điều kiện trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất, cấp uỷ, chính quyền các cấp và HTX cần có sự vào cuộc quyết liệt, nhiệt tình ủng hộ những hội viên nông dân mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm” bằng các cơ chế hỗ trợ cụ thể trong 2-3 vụ đầu bởi chi phí xây dựng, chỉnh trang hệ thống thuỷ lợi, cải tạo mặt ruộng, trang bị máy nông cụ khá lớn so với tiềm lực tài chính của nông dân. Nếu để họ tự vận động và chính sách ưu đãi về tín dụng thì sẽ không động viên được vì nguy cơ mất mùa do thiên tai là rất lớn, người dân bỗng chốc trở thành “con nợ” lớn hoặc trắng tay có khi chỉ sau một vụ! Được như thế thì người nông dân sẽ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất bền vững./.
Bài và ảnh: Văn Đại