Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất ró cói của chị Hoàng Thị Oanh, xóm 3, xã Xuân Phương (Xuân Trường) vào một ngày cuối tháng 7 nắng nóng gay gắt. Bên trong nhà xưởng những người thợ vẫn cần mẫn ngồi đan cói. Chị Oanh cho biết: “Với tôi, thành công lớn nhất từ khi mở xưởng là tạo được việc làm, nguồn thu nhập ổn định không chỉ cho gia đình mà còn cho nhiều lao động địa phương, trong đó đa phần là phụ nữ và người cao tuổi”.
Chị Hoàng Thị Oanh, xóm 3, xã Xuân Phương (Xuân Trường) hướng dẫn thợ trong xưởng cách đan các mẫu sản phẩm mới. |
Lập gia đình từ khi còn rất trẻ lại không có công việc ổn định, 2 vợ chồng chị Oanh gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Để cải thiện cuộc sống, nuôi con ăn học, chồng chị Oanh thường xuyên đi làm ăn xa, bản thân chị ngược xuôi khắp nơi buôn bán chiếu cói. “Quê tôi vốn có nghề dệt chiếu và đan cói truyền thống. Ngay từ những ngày còn bé, tôi đã biết đan các sản phẩm làm từ cói và tập tành học dệt chiếu. Gắn bó với nghề đan lát, tôi luôn xác định, đây sẽ là nghề giúp tôi và nhiều người dân quê tôi thoát nghèo”, chị Oanh chia sẻ. Yêu mến, gắn bó với manh chiếu, các sản phẩm đan lát từ cây cói, mặc dù có thời gian đi buôn chiếu “ế” quá phải xin đi làm công nhân nhưng rồi chị Oanh vẫn bỏ công việc mới, quay về với nghề đan lát. Khi đang làm công nhân, trong một ca giải lao giữa trưa, nghe thấy các anh chị em tổ sản xuất “kháo” nhau, chỗ này, chỗ kia người ta đan, buôn bán ró cói “được” lắm; ngay ngày hôm sau chị Oanh nộp đơn xin nghỉ việc đi tìm các mối nhập ró cói. Không quản đường xa, chị đến nhiều cơ sở đan, nhập ró cói trong tỉnh tìm hiểu về quy trình nhập nguyên liệu, đan, xuất khẩu ró cói. “Đấu mối” với cơ sở xong, mặc dù chưa bắt tay vào làm thực tế song chị Oanh đã mạnh dạn cam kết “sẽ làm ra các sản phẩm thật đẹp, đúng yêu cầu kỹ thuật” để bỏ mối cho đối tác. Tìm hiểu kỹ quy trình, chị bàn bạc với chồng, vay thêm vốn ngân hàng mở xưởng đan ró cói. “Với nhiều người, đây có thể là một quyết định liều lĩnh, nhưng tôi tin tưởng vào nhận định của mình. Tôi biết nghề, có nghề, thị trường lại rộng mở, tại sao không dám thử sức”, chị Oanh chia sẻ thêm về quyết định khởi nghiệp. Năm 2017, chị Hoàng Thị Oanh chính thức mở xưởng đan ró cói. Để mở xưởng, ngoài sửa sang lại nhà, chị còn vào Nga Sơn (Thanh Hoá) nhập nguyên liệu cói. Để các sản phẩm ró cói đẹp, bền, trước khi đan, chị còn tiến hành các công đoạn xử lý nguyên liệu gồm các bước: phơi, ngâm cói, tiếp tục phơi, sau đó ép cho cói bẹt ra rồi mới đan. Chị còn nghĩ cách nhuộm màu cói nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, đẹp mắt. Cách làm này còn giúp chị tận dụng được các loại cói xấu, ngắn trong quá trình đan. Cói sau khi đã được xử lý kỹ càng, chị Oanh bán nguyên liệu cho các hộ gia đình “vệ tinh”, cung cấp mẫu sản phẩm cần đan rồi thu mua thành phẩm hoàn chỉnh, xuất bán lại cho các đại lý, công ty chuyên thu mua sản phẩm ró cói xuất khẩu.
Để đạt thành công như hôm nay, theo chị Oanh, không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Những ngày đầu mới mở xưởng, mặc dù đã được cung cấp mẫu nhưng do chưa quen đan các sản phẩm xuất khẩu, chị thường xuyên nhận về rất nhiều hàng lỗi từ các hộ gia đình vệ tinh. Một mặt, chị phải hướng dẫn lại cách đan cho thợ, mặt khác phải trực tiếp sửa lỗi trên sản phẩm. “Mặc dù là hàng lỗi nhưng khi thanh toán tiền công cho thợ, tôi cũng không nỡ “bớt” của họ đồng nào. Vì tôi nghĩ nhiều người còn khó khăn, họ cũng đã bỏ công sức để hoàn thiện sản phẩm. Do đó, giai đoạn này tôi phải bù lỗ khá nhiều, hiệu quả kinh doanh chưa cao”, chị Oanh chia sẻ. Hơn 1 năm trở lại đây, công việc kinh doanh ró cói của chị càng gặp nhiều khó khăn hơn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Hàng làm ra có thời điểm không bán được. Hàng hoá tiêu thụ chậm dẫn đến tiền công thấp, thợ đan ró cói bỏ nghề đi tìm việc khác ngày càng nhiều. Khi chị nhận được đơn hàng mới thì lại không có đủ thợ đan, chậm tiến độ đơn hàng… Để khắc phục những khó khăn trên, chị Oanh tìm cách hạ giá thành sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, chị còn động viên thợ trong xưởng yên tâm sản xuất, tập trung đan các sản phẩm đẹp, đúng yêu cầu kỹ thuật, chắc chắn. Từ đó, tạo niềm tin cho khách hàng, duy trì sản xuất ổn định. Với những giải pháp thiết thực, “hợp tình hợp lý”, chị Oanh không những giúp cơ sở sản xuất ró cói của gia đình vượt qua khó khăn mà còn mở rộng được quy mô sản xuất, nhận thêm nhiều đơn đặt hàng lớn, có giá trị. Chị xây được nhà mới, mở rộng thêm khu vực nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương, chăm lo, đầu tư cho con cái học hành.
Năng động, dám nghĩ dám làm, với 50 tấn cói nguyên liệu nhập mỗi năm, mỗi tuần cơ sở sản xuất của chị Oanh xuất từ 3.000-5.000 sản phẩm ró cói: túi xách, giỏ, đế gương, đệm ngồi, quạt, lồng đèn…, tạo việc làm cho khoảng 300 người trong và ngoài huyện, mức lương 3-7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, cơ sở sản xuất ró cói của chị Oanh cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Đây cũng là một trong những cơ sở đan ró cói được đánh giá lớn, có uy tín trong tỉnh.
Trong khi nhiều phụ nữ nông thôn vẫn còn lúng túng chưa tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp thì những thành công mà cơ sở ró cói của chị đạt được đã góp phần cổ vũ, động viên nhiều chị em học tập, khởi nghiệp, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương, bảo tồn và phát huy những ngành nghề truyền thống. Mong muốn lớn nhất của chị Oanh là Nhà nước, các tổ chức xã hội tạo điều kiện, cơ chế cho phụ nữ là hỗ trợ nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp dạy nghề; Nhà nước có các chính sách khuyến khích, ủng hộ các mô hình kinh tế mới của phụ nữ, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi… để họ mạnh dạn lập nghiệp, gắn bó lâu dài với quê hương./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân