Mặc dù có những biến động về hệ thống tổ chức song Khuyến nông Vụ Bản đã không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân địa phương.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Đại Thắng. |
Hệ thống khuyến nông huyện Vụ Bản được duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ từ huyện đến các xã, thị trấn với trên 30 người có trình độ, năng lực, nhiệt tình công tác, trong đó có 25 khuyến nông viên cơ sở hoạt động kiêm nhiệm. Hiện nay, diện tích gieo trồng cả năm của huyện Vụ Bản trên 18.200ha, trong đó diện tích cấy lúa hơn 16 nghìn ha. Năm 2022, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 11,4%; giá trị sản xuất đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng 5,8% so năm 2020. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương và điều kiện thực tế của địa phương, hoạt động khuyến nông của huyện tập trung vào chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, phổ biến kiến thức, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho nông dân nhằm tăng năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Khuyến nông Vụ Bản đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nam Định, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho gần 350 lượt cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y xã, khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên. Phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Nam Định và các xã, thị trấn trong huyện xây dựng được 23 mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng được hơn 180 mô hình trồng trọt và sử dụng vật tư nông nghiệp… Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vụ Bản cho biết: “Các mô hình khuyến nông đã thực hiện theo đúng chủ trương, định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, của huyện và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người sản xuất, thị trường, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng xã, thị trấn. Các mô hình triển khai đều tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”. Kết quả nghiệm thu các mô hình đều cho giá trị kinh tế cao hơn từ 10-20% so với sản xuất đại trà, hiện nay đang được nhân ra diện rộng trên địa bàn huyện như: Mô hình chăn nuôi vỗ béo bò 3B tại xã Hiển Khánh; mô hình trồng dưa lưới tại xã Đại Thắng, mô hình nuôi cá trắm đen tại xã Minh Tân; mô hình sản xuất ngô ngọt tại xã Tân Khánh; mô hình trồng cà chua tại xã Trung Thành, mô hình trình diễn các giống lúa mới, mô hình sử dụng phương pháp IPM trong sản xuất lúa, mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, mô hình sử dụng phương pháp sạ hàng nhằm hạn chế cỏ dại, lúa cỏ trong sản xuất lúa…
Nông dân xã Thành Lợi (Vụ Bản) trồng, chăm sóc cây rau màu mang lại thu nhập ổn định. |
Đặc biệt trong điều kiện các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX, công tác khuyến nông đảm nhiệm thêm một số chức năng là làm dịch vụ và cầu nối gắn kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà nông, thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp. Hệ thống Khuyến nông trở thành lực lượng chính làm công tác phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống người nông dân, góp phần quan trọng để tạo nên những thành tựu phát triển ngành Nông nghiệp. Thời gian qua, Khuyến nông Vụ Bản đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho trên 60 nghìn lượt nông dân tham gia. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp người dân lựa chọn và định hướng sản xuất, những mô hình điển hình, những cách làm mới, những phương pháp tổ chức sản xuất có hiệu quả, đồng thời hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi như: Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lạc năng suất chất lượng; kỹ thuật làm mạ khay – máy cấy; kỹ thuật sản xuất ngô ngọt, ngô hàng hóa, trồng cây khoai tây, đậu tương trên đất 2 lúa; phương pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt và nhiều lớp tập huấn về phương pháp lựa chọn sử dụng vật tư nông nghiệp, phương pháp xây chuồng trại; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả…
Có thể nói, hoạt động Khuyến nông huyện Vụ Bản đã luôn đồng hành, gắn bó và là địa chỉ tin cậy của nông dân; là kênh hiệu quả để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; động viên người nông dân mạnh dạn tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất để đạt kết quả năng suất, chất lượng, mẫu mã tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Qua kênh khuyến nông, những giống cây trồng, vật nuôi mới có tiềm năng năng suất, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu được đưa vào sản xuất kịp thời, thay thế các giống kém hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại