Kỳ I – Dấu ấn khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
(Tiếp theo và hết)
Kỳ II. Giải pháp căn cơ, toàn diện
Việc thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp trong thực tế mặc dù có chủ trương và nhu cầu cấp thiết song hiện vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ này thời gian qua cho thấy cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả và căn cơ để KHCN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị thu nhập và bền vững…
Nông dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) áp dụng mô hình máy cấy – mạ khay góp phần tăng năng suất, giảm công lao động nặng nhọc. |
Việc ứng dụng và triển khai các nhiệm vụ KHCN, nhất là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đã mang lại nhiều kết quả song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế do việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cho quá trình chuyển giao KHCN còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc ứng dụng KHCN đòi hỏi người nông dân – đối tượng tiếp nhận chuyển giao và thực hành phải có kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và trình độ nhất định. Trong khi đó, hiện số lao động trẻ có trình độ học vấn có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật ở nông thôn lại ít làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; lao động trong nông nghiệp chủ yếu là lao động nữ, lớn tuổi… do đó quá trình tiếp thu kiến thức, quy trình công nghệ mới, nhiệt huyết, sự đam mê với công nghệ nông nghiệp khá hạn chế.
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu nên yếu tố rủi ro lớn. Đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn và kéo dài. Thị trường tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm không ổn định ảnh hưởng đến khả năng áp dụng KHCN trong mở rộng sản xuất. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết: “Hiện nay, công chức phụ trách xây dựng và duy trì hệ thống ISO của ngành Nông nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm nên thời gian dành cho việc theo dõi, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng tại các đơn vị chưa được thường xuyên. Kinh phí để duy trì, vận hành hệ thống quản lý chất lượng còn hạn chế chưa đáp ứng đủ để duy trì và cải tiến hệ thống”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật cho hoạt động KHCN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao nên việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới còn khó khăn. Công tác đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có chuyển biển tốt, nhưng việc quảng bá, phát triển thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn. Đội ngũ nhân lực KHCN, đặc biệt là lực lượng chuyên gia hàng đầu, trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, nhất là công nghệ nông nghiệp cao rất ít. Ngoài ra, những nguyên nhân khách quan như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đối với việc nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN trong sản xuất.
Mặt khác, hoạt động KHCN chưa được các cấp quan tâm sâu sát, vai trò của các thành viên Hội đồng khoa học các cấp còn hạn chế. Kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh cấp hàng năm, nguồn vốn cấp cho các dự án KHCN còn thấp so với nhu cầu thực tế và mục tiêu triển khai các chương trình, do vậy nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp thấp. Bên cạnh đó, thủ tục để giải ngân vốn đầu tư KHCN nói chung còn nhiều bất cập, rất khó giải ngân và giải ngân không kịp thời. Đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là khuyến nông cơ sở còn yếu về trình độ chuyên môn, chưa có cơ chế thỏa đáng cho cán bộ làm công tác khuyến nông cơ sở (khuyến nông viên) dẫn đến việc áp dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn chậm, khó triển khai và hiệu quả, giá trị thu nhập không như kỳ vọng…
Nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) sản xuất rau bắp cải theo công nghệ Nhật Bản mang lại giá trị thu nhập cao. |
Để KHCN thực sự là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, công tác KHCN cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường. Thực hiện tốt các nhiệm vụ KHCN được giao. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Khuyến khích khu vực tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thúc đẩy đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ thành lập vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tập trung phát huy tối đa hiệu quả các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công tác chuyên môn và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo đồng chí Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH và CN: Với trách nhiệm của ngành, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ Nam Định triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản. Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện cho việc nhân rộng kết quả đề tài, dự án KHCN sau khi đã nghiệm thu. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, có hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp. Có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 77/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nam Định. Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành chức năng đề xuất sửa đổi chính sách về đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất tập trung. Có chính sách hỗ trợ địa phương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời hỗ trợ đối với cán bộ quản lý KHCN ở địa phương được đi nghiên cứu, học tập ở trong và ngoài nước… Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu tổ chức và nhân dân về vai trò của KHCN là then chốt trong phát triển sản xuất, tạo bước chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại