Tháng Mười khẽ về, tiếp bước những ngày thu dịu ngọt, những chiếc lá vàng bay bay trong gió, những sợi nắng vương dịu dàng trên đóa sen cuối mùa và một chút se se lành lạnh của mùa chớm heo may. Sớm tinh mơ bước chân khỏi cửa sẽ thấy dịu dàng trong yên tĩnh phố xá đầu ngày, chưa có nhiều người đi, chưa có nhiều xe chạy, chưa có nhiều ồn ào, chen chúc, chưa có nhiều vội vàng, hấp hoảng…Thong thả đi bộ trong phảng phất sương mai, sương mai của thu rất mỏng, mỏng và nhẹ như không có thật, se sẽ mát và thấp thoáng màu lam.
Ảnh minh họa. |
Mùa thu dịu dàng, nhẹ nhàng, sâu lắng như một kẻ mộng mơ, lặng lẽ kiếm tìm những dấu lặng cổ xưa, hoài niệm về những rêu phong ngày cũ. Trót chạm thu dù chỉ một chút thôi cũng đã đủ để yêu, để nhớ, để hương thu vương vấn mãi trên từng ngón tay. Phố như lắng lại khi thu về. Thời gian thì chậm hơn, trải dài theo từng đám là vàng ven hồ. Nắng thu trong vắt trải trên quảng trường Hòa Bình hay nhuộm vàng giăng mắc rồi rơi đầy trên vệt tường vôi nơi Phố khách. Nắng thu, cái màu vàng mang hồn cây, hồn đất vừa như muốn bay lên cao thẳm thinh không lại vừa như muốn rơi xuống bên người bồi hồi lắng tụ. Màu nước, màu mây, màu cây, màu trái; màu sợi rơm phơi thơm vàng đường gạch cổ, màu cỏ non triền đê líu ríu chân trời.
Nam Định vào thu luyến ái, tình tự như những nốt nhạc trầm xuyến xao lòng người. Mới nắng vàng và gió hao hao lùa qua ngõ phố, mưa thu bỗng tuôn rơi trên những nóc nhà, những đền đài xưa cổ, giọt vắn, giọt dài như sợi dây nối liền khoảng không của bao la diệu vợi và mặt đất thẳm sâu.
Thu rơi theo cảm xúc con người, có thể chạm vào từng góc khuất nhung nhớ, yêu thương, dỗi hờn… Thu đẹp dịu dàng bởi có vàng hoa cúc. Hoa cúc tự bao giờ đã thành biểu tượng gắn với mùa thu, không quá ồn ào, sôi nổi mà nhẹ nhàng, dịu êm. Điểm nhấn của Nam Định vào thu phải chăng vẫn là hoa cúc. Hoa từ Mỹ Tân, Phù Long,… cứ thế thong dong, rong ruổi khắp các nẻo đường, ngõ nhỏ trên xe hoặc trong những quang gánh trĩu nặng bờ vai. Hết đường này đến xóm nọ, những bó cúc vàng ánh lên màu của nắng nối nhau phác họa nên một Thành Nam ngập tràn sắc hoa dẫu mưa hay nắng. Với màu vàng hoang hoải cố hữu của đất trời, tiết thu như thể làm nền để tôn nâng cái vẻ đẹp quyến rũ xốn xang đang dâng lên trong sắc vàng sánh quyện của hoa cúc. Và dường như chút nắng vàng của những ngày cuối hạ đang được tạo hoá gom hết lại chuyển vào thanh sắc của cúc hoa Nam Định mùa thu, ngõ gió về khuya thổn thức tiếng rao đêm. Nhìn bóng chị bán bánh rong đổ dài liêu xiêu trên ngõ buồn hiu hắt, bỗng nhiên ta thấy mủi lòng. “Ai bánh mì Ba Lan đi, bánh mì Ba Lan nóng ròn nào”, tiếng rao dẫu đã khàn đặc nhưng vẫn khắc khoải vang lên như đi tìm một niềm đồng cảm. Trong tiết thu se lạnh tiếng rao vang như hồi chuông đánh thức một phần ký ức nôn nao.
Tháng Mười, mùa thu hương hoa sữa đã kịp ướp hương cho Thành Nam bé nhỏ đượm vị ngọt ngào để khi cơn gió heo may ngang qua hương hoa ấy sà vào lòng người mà nũng nịu. Heo may của Tháng Mười cũng thật nhẹ, cái lạnh chỉ khe khẽ chạm vào da thịt, níu hồn người neo lại trong những hoài niệm quá khứ xa xưa, phảng phất một chút ưu tư, mông lung trên từng hàng cây, con đường. Phố như dài thêm, nét rêu phong như trầm mặc hơn.
Tháng Mười, mùa thu còn có những ngày bình yên đến lạ, ngồi bên bạn bè với chén “trà hòm” – đặc trưng nơi Thành Nam, mà ngỡ thời gian đang chầm chậm trôi. Tháng Mười lạ lắm, “ngày dụi vào đêm, vừa nhạt nắng đã loang mềm dưới trăng”. Tháng Mười, thu rơi trên lá như chưng cất những giọt nắng mỏng manh. Tháng Mười, lắm lúc ta cứ phải trầm mặc một chút, nhớ nhớ thương thương một chút về điều gì đó cứ tưởng chừng như đã trôi thật xa./.
Trần Huyền Nga