Với mục tiêu xây dựng quy hoạch quản lý và khai thác hệ thống các tuyến vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tiến hành lập “Điều chỉnh cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa các tuyến sông do địa phương quản lý trong Quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Việc điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, hoàn thành tốt mục tiêu theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Kênh Văn Bé 11 trên địa bàn huyện Giao Thủy mới được đầu tư cải tạo, nâng cấp góp phần tạo dựng cảnh quan môi trường sạch, đẹp. |
Trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 15 sông do địa phương quản lý với tổng chiều dài 279km hầu hết qua các cống ngăn mặn dưới đê nên hạn chế tĩnh không, chỉ cho phép loại tàu dưới 100 tấn lưu thông, chủ yếu phục vụ vận tải đường thủy nội địa cự ly ngắn trong từng huyện. Hệ thống tuyến vận tải chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển các mặt hàng nông sản, vật liệu xây dựng lưu thông giữa các khu vực nội huyện, kết nối với hệ thống đường thủy do Trung ương quản lý tạo thành hệ thống đường thủy thông suốt và liên hoàn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều tuyến kênh, mương, tuy nhiên khả năng khai thác vận tải không cao, chủ yếu phục vụ tưới tiêu, thủy lợi hoặc vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ. Đường thủy nội địa tỉnh Nam Định chủ yếu được khai thác từ điều kiện tự nhiên, nên ở nhiều tuyến sông, kênh chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp thường có bề rộng luồng hẹp, bán kính cong nhỏ, độ sâu chạy tàu thấp, hàng năm có sự biến đổi, không ổn định; nhiều công trình vượt sông, đặc biệt là cầu đường bộ, đường sắt được xây dựng từ trước, chưa có quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa nên thường có tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp.
Tuyến Sông Sắt đoạn qua địa bàn tỉnh dài 15km từ xã Yên Lợi đến xã Yên Đồng (Ý Yên) hiện tại đang được quy hoạch đến năm 2030 có cấp kỹ thuật luồng đường thuỷ nội địa cấp V; trên tuyến sông có cầu sông Sắt, cầu Tào, cầu Ngăm. Sông Mỹ Đô dài 11km từ xã Yên Tân đến Yên Phương (Ý Yên) nối sông Đáy và sông Sắt; hiện tại sông đang được quy hoạch đến năm 2030 có cấp kỹ thuật luồng đường thuỷ nội địa cấp IV; trên sông có 3 cầu là cầu Bo mới, cầu Bo cũ, cầu Mai Độ. Sông Châu Thành dài 17km từ xã Điền Xá đến xã Nam Hải (Nam Trực); hiện tại sông đang được quy hoạch đến năm 2030 có cấp kỹ thuật luồng đường thuỷ nội địa cấp V; trên sông có 3 cầu là cầu Dứa, cầu Cổ Gia, cầu Cổ Giả. Sông Sò dài 22,7km từ thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) đến cửa Hà Lạn (Hải Hậu); hiện tại sông đang được quy hoạch đến năm 2030 có cấp kỹ thuật luồng đường thuỷ nội địa cấp III. Sông Ninh Mỹ dài 9,2km từ xã Hải Giang đến thị trấn Cồn (Hải Hậu); trên sông có 2 cầu là cầu Ninh Mỹ, cầu chợ Quán; hiện tại sông đang được quy hoạch đến năm 2030 có cấp kỹ thuật luồng đường thuỷ nội địa cấp V. Sông Múc dài 26,5km từ xã Hải Trung đến xã Hải Châu (Hải Hậu), theo Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 28-12-2021 của UBND tỉnh về việc công bố mở luồng đường thuỷ nội địa đã công bố cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa của sông Múc là cấp VI. Sông Vọp dài 15km từ cửa Ba Lạt (sông Hồng) đến Cồn Lu (Giao Thuỷ), theo Quyết định số 2880/QĐ-UBND ngày 28-12-2021 của UBND tỉnh công bố mở luồng đường thuỷ nội địa sông Vọp với cấp kỹ thuật luồng đạt cấp VI. Các tuyến sông này có mật độ phương tiện vận tải thuỷ thưa thớt, chủ yếu là phương tiện nhỏ, vận chuyển hàng hoá cục bộ; trên sông có nhiều cầu, cống không đảm bảo tĩnh không và khoang thông thuyền đối với sông cấp V.
Sau khi tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, Sở GTVT đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa các tuyến sông do địa phương quản lý trong quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó quy hoạch cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa cấp VI đối với 7 tuyến sông gồm: Sắt; Mỹ Đô; Châu Thành; Sò; Ninh Mỹ; Múc; Vọp. Đưa ra ngoài quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh Nam Định 8 tuyến sông còn lại gồm: Rõng, Quýt, Vô Tình, Cồn Giữa, Cồn Năm, Cồn Nhất, Mã, Chanh. Quyết định điều chỉnh cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa các tuyến sông do địa phương quản lý của UBND tỉnh nhằm tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên để phát huy lợi thế vận tải đường thủy, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đảm bảo tính đồng bộ giữa luồng tuyến và cảng, bến. Đồng thời đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định và các quy hoạch có liên quan khác. Từ đó, xây dựng quy hoạch quản lý và khai thác hệ thống các tuyến vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; xác định nhu cầu nạo vét và thanh thải chướng ngại vật để bảo đảm an toàn giao thông theo cấp kỹ thuật trên các tuyến vận tải đường thuỷ nội địa. Phát triển GTVT đường thủy nội địa phù hợp và kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác để phát huy hiệu quả của toàn hệ thống. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ cả về luồng tuyến, cảng bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong từng thời kỳ, phấn đấu từng bước giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Việc điều chỉnh cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa các tuyến sông do địa phương quản lý góp phần phát triển vận tải thủy nội địa của tỉnh, đóng góp tích cực vào lưu thông hàng hóa của các địa phương, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển./.
Bài và ảnh: Thành Trung