Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là nhiệm vụ cấp thiết trong quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng vì sự phát triển bền vững; cần nguồn kinh phí lớn, nhất là đối với các nước đang phát triển. Trong khi ngân sách địa phương eo hẹp, vì vậy tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh khai thác đa dạng các nguồn đầu tư khác nhau theo phương thức xã hội hoá cho công tác này.
Lực lượng vũ trang huyện Giao Thủy chung tay bảo vệ môi trường. |
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Châu Á (ADB) tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCAPS). Trong đó đã hỗ trợ đầu tư 168 mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi, chống quá tải hầm khí sinh học; thí điểm 7 mô hình sử dụng máy tách phân, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; 2 mô hình tách phân kết hợp máy phát điện sử dụng khí sinh học; tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường cho trên 10 nghìn lượt nông dân. Từ nguồn tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng”. Qua đó, đã lắp đặt, hạ thuỷ và bàn giao cho chính quyền các địa phương vận hành 6 công cụ thu gom rác (bẫy rác) trên sông, gồm 5 bẫy rác đặt trên sông Hồng địa phận các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Điền Xá, Nam Thắng (Nam Trực), Xuân Thành (Xuân Trường), Giao Hương (Giao Thuỷ), một bẫy rác đặt trên sông Đào địa phận phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định). Các bẫy rác đã góp phần tăng hiệu quả thu gom rác trôi nổi trên sông, giảm thiểu rác trôi ra biển (nhất là rác thải nhựa) và nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý rác thải rắn, rác thải nhựa, đóng góp vào hệ thống dữ liệu mạng lưới bẫy rác toàn cầu.
Tập kết để đưa rác thải nguy hại vào xử lý tại Công ty CP đầu tư và kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC (Khu công nghiệp Hoà Xá, thành phố Nam Định). |
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã chỉ đạo triển khai vận động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia công tác BVMT, các chương trình hành động sản xuất “xanh hơn”, “sạch hơn”. Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, ứng dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, giảm phát thải độc hại. Nhóm các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã quan tâm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, làm mô hình kinh tế tuần hoàn; giảm xả thải và phát thải khí nhà kính: thực hiện thâm canh, quản lý dịch hại trên lúa, sản xuất rau quả sạch, an toàn (theo chuẩn VietGAP), không lạm dụng phân đạm, tiết kiệm phân bón để giảm chi phí và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường; áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt theo VietGAHP, tận dụng chất thải trong chăn nuôi xử lý làm phân bón cho cây trồng, thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản,… Các tổ chức đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên huy động hội viên, đoàn viên và người dân tham gia xây dựng và thực hiện các mô hình hoạt động công trình, tuyến đường tự quản về BVMT; nỗ lực thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; cải tạo cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Người dân trong toàn tỉnh cũng đã nâng cao trách nhiệm, chủ động chi trả các khoản phí cho dịch vụ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt…
Việc huy động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, tái chế rác thải… được tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện. Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC đã đầu tư dự án xây dựng Trạm xử lý chất thải nguy hại tỉnh Nam Định tại Khu công nghiệp Hoà Xá; Công ty TNHH Một thành viên Môi trường xanh Nam Trực đã xây dựng nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang tại thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Công ty TNHH Tân Thiên Phú đầu tư cải tạo khu xử lý rác thải kết hợp công viên sinh thái tại thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Môi trường Thảo nguyên sản xuất lò đốt rác tại thị trấn ngô Đồng (Giao Thuỷ); Công ty TNHH Môi trường đô thị Trực Ninh xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải phía bắc huyện Trực Ninh…
Nhờ nguồn lực xã hội hóa tỉnh đã từng bước giải được bài toán về kinh phí cho công tác BVMT; đáng kể nhất là làm chuyển biến nhận thức về trách nhiệm chung tay BVMT của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả huy động nguồn vốn xã hội hoá cho công tác BVMT, tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho BVMT. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch để khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, giảm xả thải và phát thải khí nhà kính. Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường; sản xuất các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, nhất là thiết bị xử lý rác, chất thải, tiến tới hạn chế phải nhập khẩu trang thiết bị, dụng cụ cho nhu cầu xử lý chất thải của nước ngoài, sử dụng sản phẩm trong nước giá thành rẻ hơn mà chất lượng tốt, dễ vận hành sử dụng, phù hợp với thực tiễn địa phương. Tăng cường xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp BVMT, nhất là các lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế chất thải quy mô liên huyện, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy