Sáng 30/11, tại thành phố Nam Định, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Vụ Bản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Huyền Trân Công chúa – Cuộc đời và giai thoại”.
Quang cảnh hội thảo. |
Các đồng chí: Trần Văn Chung, nguyên Phó Bí Thư Trường trực Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Thắng, Uỷ viên Ban TVTU, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo: Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia; Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh, UBND huyện Vụ Bản cùng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước tham dự.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng hội thảo. |
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Nam Định là nơi hội tụ, lưu giữ và lan toả nhiều giá trị văn hoá truyền thống của người Việt; là vùng đất khởi nghiệp, phát tích của Vương triều Trần. Trong số các nhân vật lịch sử thời Trần có Công chúa Huyền Trân, con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái của Vua Trần Anh Tông. Hội thảo khoa học “Huyền Trân Công chúa – Cuộc đời và giai thoại” là sự kiện quan trọng để bổ sung thêm những nguồn tư liệu quý góp phần làm rõ hơn về cuộc đời và những đóng góp của Công chúa Huyền Trân với đất nước và Phật giáo Việt Nam; về mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Đại Việt và Chăm-pa trong lịch sử; đồng thời làm rõ những giai thoại liên quan đến Công chúa Huyền Trân để người dân có nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về cuộc đời của bà”.
Hội thảo gồm 2 phiên: Phiên thứ nhất – “Cuộc đời và những đóng góp của Huyền Trân Công chúa”; Phiên thứ hai – “Chùa Hổ Sơn và việc thờ phụng Huyền Trân Công chúa”. Huyền Trân công chúa (1287-1340) là con gái Phật hoàng Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu; em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, khi vừa tròn 19 tuổi, vâng lời vua cha, Huyền Trân đã sang Champa kết hôn với vua lúc đó là Chế Mân và được phong làm hoàng hậu Paramesvari. Tuy nhiên sau khi kết hôn chỉ một năm, vua Chế Mân đột ngột qua đời. Huyền Trân được trở về Đại Việt. Bà đã xuất gia thọ Bồ Tát giới với thiền sư Bảo Phác tại núi Trâu Sơn (Bắc Ninh ngày nay) với pháp danh Hương Tràng. Sau đó, công chúa Huyền Trân về tu hành tại chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản) cho đến khi qua đời. Tại hội thảo, các tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, văn hoá, tôn giáo đã tập trung phân tích những vấn đề về bối cảnh chính trị, xã hội, Phật giáo thời Trần, mối quan hệ bang giao của nước Đại Việt với các nước láng giềng, nhất là các cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược phương Bắc; làm rõ những dấu mốc trong cuộc đời Công chúa Huyền Trân, khẳng định những đóng góp to lớn của Công chúa Huyền Trân thể hiện phẩm chất truyền thống “trung, hiếu, nghĩa” vẹn toàn, một “sứ giả hoà bình”, giúp đất nước Đại Việt mở mang bờ cõi… Một số bài viết đã đề cập đến sức toả giá trị văn hoá tâm linh trong tâm thức của người dân các địa phương với các cơ sở thờ tự Huyền Trân Công chúa trong cả nước; đặc biệt là quần thể di tích lịch sử – văn hóa Chùa Hổ Sơn, nơi Huyền Trân Công chúa tu hành và lan toả tinh thần, giá trị Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống xã hội.
Hội thảo “Huyền Trân Công chúa – Cuộc đời và giai thoại” đã cung cấp cơ sở luận cứ khoa học, chính xác phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu, bổ sung các nguồn tư liệu để làm rõ hơn về cuộc đời, nhân cách cao đẹp và những đóng góp của Huyền Trân Công chúa với dân tộc và đạo pháp, từ đó thực hiện các hoạt động tôn vinh Công chúa Huyền Trân một cách xứng đáng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá, di sản, các cấp chính quyền trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích thờ phụng Huyền Trân Công chúa trong đời sống văn hoá tín ngưỡng, tâm linh hiện nay.
PGS. TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phát biểu đề dẫn hội thảo: “Những đóng góp của Huyền Trân Công chúa đối với dân tộc là vô cùng to lớn. Bà đã dâng hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình vì mục tiêu cao cả: tăng cường, củng cố mối quan hệ Đại Việt với Champa, củng cố hoà bình biên giới phía Nam của Tổ quốc; qua đó tăng cường sức mạnh, nội lực quốc gia, sẵn sàng ứng phó đối với âm mưu xâm lược của phương Bắc. Sau khi trở về Đại Việt, Huyền Trân Công chúa đã tu hành, trở thành một ni sư giúp đỡ, giáo hoá nhân dân, dạy nghề, cấp ruộng cho dân nghèo, dựng chùa, lan toả tinh thần, giá trị Phật giáo trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, những truyền thuyết dân gian, câu chuyện dã sử, đặc biệt là mấy dòng ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” không có minh chứng đã phủ một lớp sương mờ lên cuộc đời bà, khiến cho hậu thế tốn rất nhiều giấy mực bởi những nghi hoặc, suy luận, suy diễn không có cơ sở. Thậm chí, có những tác phẩm đã phóng tác Huyền Trân Công chúa và Trần Khắc Chung (người được Vua Trần Anh Tông sai sang Champa đón công chúa về nước) sau khi về nước đã nên duyên vợ chồng. Chính những suy diễn, phóng tác, thêu dệt đã che mờ những đóng góp to lớn của Huyền Trân Công chúa đối với đất nước và dân tộc, khiến cho nhân cách cao đẹp của bà bị ảnh hưởng. Có thể nói, cho đến nay chúng ta vẫn nợ lịch sử một lời giải đáp thoả đáng về những nghi vấn nêu trên và đó chính là lý do để Hội thảo khoa học “Huyền Trân Công chúa – Cuộc đời và giai thoại” diễn ra…”
|
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phát biểu tham luận “Quan hệ Đại Việt – Đông Á thế kỷ XIII-XIV và cuộc hôn nhân Huyền Trân – Chế Mân” tại hội thảo: “Sau khi giành được quyền lực chính trị, với tầm nhìn của một triều đại lớn, giàu bản lĩnh, Vương triều Trần (1225-1400) trên con đường phát triển đã không ngừng củng cố, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, tự khẳng định vị thế trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Mối quan hệ giữa Thăng Long – Đại Việt với các quốc gia Đông Á luôn mang tính đa diện, đa chiều. Theo đó, chính quyền Thăng Long vừa có sự chia sẻ, giúp đỡ, vừa có sự đấu tranh với các thế lực trong khu vực. Trong ứng đối với môi trường chính trị Đông Nam Á, Vương triều Trần luôn có được nguồn thông tin phong phú, nắm bắt, phân tích khá chính xác những toan tính chính trị cũng như sự mạnh, yếu của từng quốc gia. Cuộc hôn nhân Việt – Chăm đã không diễn ra vội vàng. Vốn là một người giàu kinh nghiệm chính trị, uyên thâm, thận trọng nên việc hứa gả công chúa Huyền Trân không thể coi là quyết định đường đột, biểu hiện cảm xúc nhất thời hay sự “trót hứa” của Phật hoàng Trần Nhân Tông với Vua Chế Mân như các sử gia thời Lê quan niệm. Từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông hứa gả đến lúc sứ bộ Chiêm Thành chính thức sang đón dâu là 5 năm (1301-1306). Trong thời gian đó, cả hai bên đều có thể đưa ra nhiều nguyên nhân hay nguyên cớ để rút lời hẹn ước. Do vậy, trong cuộc hôn nhân, cả hai bên hẳn đều có sự tính toán chiến lược kỹ càng. Cùng với các sính lễ giá trị, chính quyền Chiêm Thành đã chủ động và tự nguyện đề nghị dâng hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới. Năm 1307, nhà Trần đổi thành châu Thuận, châu Hoá đến cuối thời Trần lập thành lộ (trấn) Thuận Hoá. Như vậy, có thể coi “Đất Thuận Hoá ra đời trong sự hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt không phải bằng sự lấn chiếm hay xâm lược mà là sản phẩm của quan hệ đồng minh, của sự hoà hiếu và của một cuộc hôn nhân mang ý nghĩa lịch sử”.
|
Đại đức Thích Nhẫn Trực, Trụ trì Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản) tham luận “Huyền Trân Công chúa – Ni sư Hương Tràng và Chìa Hổ Sơn”: Có thể nói, cho đến trước hội thảo này diễn ra chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về Huyền Trân Công chúa, nhất là giai đoạn Công chúa xuất gia với pháp danh Hương Tràng và nơi công chúa xuất gia, tu tập, viên tịch. Đến nay cũng chưa có thống kê đầy đủ những nơi thờ Huyền Trân Công chúa. Song có thể khẳng định, Huyền Trần Công chúa đã được nhân dân tôn thờ, và được nhà nước phong kiến ban sắc phong. Chùa Hổ Sơn là di tích ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng. Năm 1311, sau khi học Phật pháp với Thiền sư Bảo Phác ở Trâu Sơn thì Ni sư Hương Tràng về núi Hổ, xã Liên Minh (Vụ Bản) lập am thờ Phật cho đến khi viên tịch năm 1340. Trên núi có đền, ban đầu thờ Vua Hùng và Sơn thần, sau thờ Huyền Trân Công chúa. Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Chùa Nộn Sơn ở xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản. Triều Trần gả Huyền Trân Công chúa cho Vua nước Champa. Sau công chúa lại trở về nước trụ trì ở đây, nhân đấy, dân sở tại phụng thờ”. Như vậy, núi Hổ Sơn là nơi Ni sư Hương Tràng về tu tập và dần dần phát triển thành ngôi chùa. Để ghi nhớ công ơn của Ni sư Hương Tràng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội Chùa Hổ Sơn từ mồng 9 đến ngày 14/4 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội chùa có quy mô lớn trong vùng. Theo người dân địa phương, lễ rước kiệu Huyền Trân Công chúa về đình làng tượng trưng cho việc Công chúa hoằng hóa, ban phước cho người dân ở nơi đây; đồng thời cũng tượng trưng cho việc Ni sư Hương Tràng đến các thôn, ấp trong vùng giúp đỡ người dân, bốc thuốc cứu người, dạy dân thực hành thập thiện, phát triển Phật giáo… Hiện nay, Chùa Hổ Sơn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Tiêu biểu là 27 tượng thờ, trong đó có tượng nhị vị công chúa, 4 đạo sắc phong và một số di vật có giá trị khác. Hiện nay, Chùa Hổ Sơn đã được hưng công xây dựng theo dự án quy hoạch, thiết kế đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân”.
|
Tin, ảnh: Khánh Dũng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/hoi-thao-khoa-hoc-huyen-tran-cong-chua-cuoc-doi-va-giai-thoai-2071f83/