Nam Định là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử – văn hóa cùng những lễ hội dân gian độc đáo. Với niềm đam mê nghệ thuật, các họa sĩ Nam Định đã tái hiện vẻ đẹp của các di tích và lễ hội qua từng nét vẽ tinh tế. Không đơn thuần phác họa hình ảnh, qua mỗi tác phẩm, các họa sĩ đều gửi gắm những thông điệp sâu sắc về lòng tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc trưng của Nam Định đến với công chúng.
Bức tranh “Hội làng” của họa sĩ Đặng Khắc Thiềm. |
Hội họa Nam Định với đề tài lễ hội truyền thống, là nơi giao thoa giữa nghệ thuật và giá trị văn hóa dân gian. Trong số những họa sĩ gắn bó với đề tài này, họa sĩ Dương Đức Điện (82 tuổi) và Vũ Xuân Dương (68 tuổi) là hai gương mặt tiêu biểu, với nhiều tác phẩm nổi bật, giàu ý nghĩa. Họa sĩ Dương Đức Điện, với bề dày kinh nghiệm và niềm đam mê hội họa, đã ghi dấu ấn đậm nét qua tác phẩm “Lễ hội Đức Thánh Trần” (1995). Đây là một trong những bức tranh khắc tổng hợp hiếm hoi tái hiện toàn cảnh không gian văn hóa của khu di tích Đền Trần – Chùa Tháp vào dịp lễ hội. Với khổ tranh lớn (100cm x 400cm), ông đã dành hơn ba tháng miệt mài sáng tác, tạo nên một tác phẩm mang đậm dấu ấn nghệ thuật và giá trị văn hóa. Bức tranh được chia thành hai không gian chính: bên trái là hình ảnh Chùa Tháp với dòng người hành hương tĩnh lặng, yên bình, hướng về cõi Phật; bên phải là sự náo nhiệt tại Đền Trần, với đoàn rước kiệu, cờ lọng, múa rồng và cảnh chọi gà dân gian. Điểm nhấn đặc biệt là cây cầu nối liền hai không gian, không chỉ tạo sự cân đối về bố cục mà còn hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về sự hòa quyện giữa tĩnh lặng và sôi động, giữa truyền thống và hiện đại. Tác phẩm đã nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn và được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.
Họa sĩ Vũ Xuân Dương tạo dựng tên tuổi qua loạt tác phẩm sơn dầu về lễ hội như “Lễ hội Phủ Dầy,” “Lễ hội Đền Trần” và “Hội chợ Viềng”. Bằng kỹ thuật chồng lớp màu độc đáo, ông mang đến cho người xem cảm nhận mới mẻ về không gian lễ hội, nơi mà mỗi gam màu đều chứa đựng ý nghĩa riêng, thể hiện sự kỳ công trong sáng tạo. Tiêu biều như tác phẩm “Lễ hội Phủ Dầy”, tái hiện không gian Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) đầy huyền bí với những điểm nhấn gam màu cam rực rỡ. Các đường lượn mềm mại và mảng khối xen kẽ tạo nên nhịp điệu hài hòa, mang lại cảm giác vừa hiện đại vừa thấm đẫm hơi thở truyền thống. Tương tự, trong bức “Lễ hội Đền Trần”, Vũ Xuân Dương đã khéo léo bố trí các mảng nhóm nhân vật trên một bố cục dàn ngang. Hình ảnh những người phụ nữ mặc áo nâu sòng, đầu đội tráp, bên cạnh đứa trẻ ngước nhìn lên hàng chữ Nho trên cổng đền, như kể câu chuyện về sự tiếp nối truyền thống. Bức tranh sử dụng gam màu ghi xám và nâu trầm, gợi lên không khí linh thiêng chốn tâm linh, đồng thời khắc họa sâu sắc lòng biết ơn và tự hào của thế hệ trẻ đối với tiền nhân.
Tiếp nối các thế hệ họa sĩ gạo cội, nhiều họa sĩ thế hệ sau là hội viên Hội VHNT tỉnh cũng đau đáu về đề tài di tích lịch sử – văn hóa. Họa sĩ Đặng Khắc Thiềm (45 tuổi) được nhiều người biết đến với phong cách hội họa kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và kỹ thuật. Anh không chỉ tái hiện hình ảnh mà còn gửi gắm vào mỗi tác phẩm những câu chuyện và thông điệp về cuộc sống. Một trong những tác phẩm nổi bật về đề tài di tích, lễ hội của Đặng Khắc Thiềm là bức tranh “Hội làng” (năm 2021), lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Đồng Phù (Nam Trực, Nam Định). Tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với bố cục chặt chẽ, nhiều lớp lang sắp xếp theo trật tự, nhằm nhấn mạnh sự linh thiêng của lễ hội. Điểm nhấn của bức tranh là hình ảnh cổng đền với dòng chữ “Mẫu Nghi thiên hạ” thể hiện lòng thành kính của người dân đối với Thánh Mẫu. Dưới cổng đền là đoàn rước kiệu kéo dài, trang nghiêm. Ở tiền cảnh, đội múa lân, sư, rồng đang biểu diễn, tạo không khí rộn ràng. Với những chi tiết tỉ mỉ, bức tranh đã khắc họa được không gian của một lễ hội truyền thống với sự kết hợp giữa yếu tố tôn nghiêm và sự náo nhiệt. Tác phẩm “Hội làng” không chỉ được đón nhận nồng nhiệt trong giới mỹ thuật mà còn góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa của Lễ hội Đền Đồng Phù. Năm 2023, bức tranh được trưng bày tại triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng; ngoài ra còn được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được in trong tập sách Di sản Việt Nam qua hội họa lần thứ nhất. Tiếp đó, tác phẩm tiếp tục được trưng bày tại triển lãm Non Côi Sông Vị đã tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả quan tâm đến giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Năm 2023, họa sĩ Đặng Khắc Thiềm tiếp tục gây ấn tượng với tác phẩm “Di sản” vẽ về lễ hội tại Phủ chính Tiên Hương – một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lớn của cả nước. Bức tranh “Di sản” được họa sĩ Đặng Khắc Thiềm sử dụng gam màu nóng làm chủ đạo, kết hợp với những điểm xuyết của màu lạnh, tạo nên một bố cục hài hòa, sống động. Bức tranh đã khắc họa thành công không gian lễ hội truyền thống, nơi con người và tín ngưỡng hòa quyện vào nhau, tạo nên hình ảnh thiêng liêng, ấm áp. Bức tranh được chọn trưng bày tại triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Hưng Yên và được giới thiệu tham dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2023.
Với họa sĩ Doãn Ngọc Báu (45 tuổi), qua những lần thực tế sáng tác, anh đã khắc họa sinh động không gian văn hóa và những lễ hội truyền thống ở nhiều địa phương trong tỉnh. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của anh là bức tranh “Chùa Tháp – Phổ Minh”. Với phong cách vẽ trực họa, Doãn Ngọc Báu đã ghi lại những đoàn du khách tấp nập dâng lễ, dâng hương tại Chùa Tháp. Không khí tôn nghiêm, thanh bình của không gian chùa được họa sĩ thể hiện qua những nét vẽ mượt mà, đầy cảm xúc. Tác phẩm Bảo tồn văn hóa Việt của Doãn Ngọc Báu lại mang đậm dấu ấn của lễ hội Chùa Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu) một trong những lễ hội lâu đời và đặc sắc của Nam Định. Bức tranh lấy bối cảnh cây cầu Ngói chợ Lương, nơi diễn ra nghi thức rước kiệu trong lễ hội. Anh đã ghi lại không khí lễ hội với các hoạt động như rước kiệu, múa lân, múa rồng và đông đảo bà con tham gia. Ngoài các tác phẩm về lễ hội, Doãn Ngọc Báu còn sáng tác bức tranh Phố cổ Nam Định. Bức tranh được vẽ tại phố Hoàng Văn Thụ, với những ngôi nhà mái ngói liêu xiêu đứng cạnh nhau, đan xen cùng những ngôi nhà tầng hiện đại. Bằng gam màu trầm, lạnh cùng những nét vẽ nhanh, mạnh mẽ, anh đã khắc họa thành công vẻ đẹp cổ kính, bình yên của phố cổ. Tác phẩm là một lời nhắc nhở về việc bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng, dù trong bối cảnh thay đổi của thời gian.
Họa sĩ Trần Văn Thăng, Trưởng bộ môn Mỹ Thuật Hội VHNT tỉnh cho biết: Đề tài di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội là một trong những mạch nguồn xuyên suốt trong sáng tác của nhiều thế hệ hội viên bộ môn. Thời gian gần đây, CLB Họa sĩ trẻ Nam Định với 12 thành viên, trong đó nòng cốt là hội viên bộ môn Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tác. Theo đó, hàng tháng, CLB tổ chức điền dã sáng tác tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Sau mỗi buổi vẽ trực họa, CLB tổ chức tổng kết, bình luận, góp ý để nâng cao chất lượng các tác phẩm. Với những hoạt động sáng tác thiết thực, CLB Họa sĩ trẻ Nam Định đang đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Nam Định qua nghệ thuật hội họa, đồng thời tạo dựng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, phản ánh sâu sắc nét đẹp văn hóa, lễ hội của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các tác phẩm hội họa của các họa sĩ Nam Định về đề tài di tích, lễ hội không chỉ có giá trị về thẩm mỹ mà còn có giá trị về văn hóa – lịch sử. Qua mỗi tác phẩm, người xem được hòa quyện với không gian, tính thiêng, tính cộng đồng của mỗi di tích, lễ hội, từ đó thêm trân quý văn hóa truyền thống, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống lịch sử cha ông, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài và ảnh: Viết Dư
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/hoi-hoa-nam-dinh-voi-de-tai-di-tich-lich-su-8757dd2/