Trong Thư gửi cán bộ Ngân hàng (tháng 1-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, cán bộ, đảng viên, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đưa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đi vào cuộc sống, đưa nguồn vốn tín dụng CSXH đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn người dân tìm hiểu về các chương trình tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Hợp Hưng (Vụ Bản). |
Đảng bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hiện có 10 chi bộ trực thuộc với 91 đảng viên. Để thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ, Ban Giám đốc Ngân hàng CSXH đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị; chú trọng lồng ghép với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW của BCH Trung ương (khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị… Cùng với việc khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động trong đơn vị tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Đảng bộ, Ban Giám đốc Ngân hàng CSXH thường xuyên quan tâm tới công tác bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thông qua sinh hoạt chi bộ và các buổi học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cán bộ, đảng viên đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của ngành; thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ về “cần, kiệm, liêm, chính”, “trung thực, khách quan” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhất là trong các buổi giao dịch tại xã, hỗ trợ người dân tiếp cận với vốn tín dụng chính sách, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả bằng các mô hình sản xuất, kinh doanh mới… Đơn vị thường xuyên quan tâm công tác dân vận, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có tác phong làm việc lịch sự, tận tình phục vụ nhân dân, hết lòng phụng sự cho công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ở địa phương; làm tốt công tác an sinh xã hội; thực hiện đạt kết quả các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động. Tính đến hết tháng 6-2023, dư nợ tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đạt 4.039,8 tỷ đồng với 96.695 hộ còn dư nợ. Bình quân mỗi năm giải ngân cho hơn 31 nghìn lượt khách hàng, đảm bảo cơ bản hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ. Qua kiểm tra, giám sát, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Xuân Trường Doãn Đình Tam cho biết: “Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ lâu đối với cán bộ, đảng viên, nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Xuân Trường được cụ thể hóa trong hoạt động hàng ngày tại công sở và khi tiếp xúc, làm việc với người dân. Đó là sự tận tụy, trách nhiệm trong công việc; là thái độ ân cần, niềm nở, tận tâm, gần gũi, thấu hiểu, chia sẻ với người dân; là tinh thần tiên phong, gương mẫu, hăng hái trong các phong trào thi đua và các hoạt động an sinh xã hội…”. Với đặc thù địa bàn hoạt động tại huyện Xuân Trường, người dân chủ yếu đi làm ăn xa nên thường xuyên vắng nhà. Trong mỗi dịp phân tích, đối chiếu dư nợ, cán bộ, nhân viên ngân hàng thường xuyên phải làm quá giờ; đặc biệt trong dịp tết khi nhiều gia đình có người đi làm ăn xa đến tận ngày 29, 30-12 âm lịch mới về nhà để thực hiện các thủ tục với ngân hàng. Bản thân anh Tam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình hướng dẫn bà con các quy trình, thủ tục, hồ sơ, sổ sách để việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đối với những vấn đề bà con chưa hiểu, anh chủ động vận dụng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để giải thích, giúp người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật. Không chỉ tận tâm hướng dẫn, phục vụ bà con khi giải ngân vốn mà cán bộ Ngân hàng CSXH còn thường xuyên đến các hộ vay vốn để nắm bắt tình hình, tư vấn cho bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Từ địa bàn có nợ quá hạn cao, dư nợ thấp, với sự tận tâm, tận lực, cố gắng của tập thể cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Xuân Trường, tính đến hết tháng 4-2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của huyện đạt 363 tỷ đồng với 11.370 khách hàng còn dư nợ; phấn đấu hết năm 2023, dư nợ đạt gần 400 tỷ đồng.
Chị Phạm Thị Na, Tổ tưởng Tổ kế hoạch kiêm cán bộ tín dụng ở Ngân hàng CSXH Nghĩa Hưng cho biết: “Là đảng viên, tôi luôn ý thức được trách nhiệm nêu gương của bản thân, xây dựng hình ảnh người cán bộ tín dụng “Thấu hiểu lòng dân – tận tâm phục vụ”, gắn bó mật thiết với người dân, đặc biệt khi đối tượng giao dịch là người nghèo và các đối tượng chính sách nên tôi càng hiểu rõ để vốn tín dụng chính sách hiệu quả phải càng gần dân, hiểu dân, chia sẻ cùng khó khăn với người dân”. Học tập tư tưởng của Bác “những gì có lợi cho dân thì cố gắng làm”, ngoài những phiên giao dịch tại xã hàng tháng, chị Na đều dành thời gian xuống địa bàn dân cư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó có hướng đề xuất với lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn theo đúng quy định, thực hiện tốt các chỉ tiêu tín dụng trên địa bàn. Chị đã kết hợp kiểm tra, giám sát vốn vay với tuyên truyền để bà con vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả; phối hợp với hội, đoàn thể cấp xã củng cố kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là các tổ hoạt động yếu kém. Nhờ vậy, dư nợ tín dụng của cả 3 xã do chị Na phụ trách gồm Nghĩa Trung, Nghĩa Hải, Nghĩa Phú đều tăng trưởng tốt, người dân được tiếp vốn kịp thời đã phát triển nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả như nuôi thủy hải sản, chế biến nước mắm, chăn nuôi hay sản xuất chế tác đồ gỗ mỹ nghệ. Tính đến hết tháng 4-2023, dư nợ của cả 3 xã đạt hơn 108 tỷ đồng với 2.339 hộ. Kinh nghiệm và tấm gương trách nhiệm trong công việc của chị Na được nhiều đồng nghiệp học hỏi, chia sẻ, từ đó giúp cho hoạt động vay vốn tín dụng chính sách tại Nghĩa Hưng luôn đạt tăng trưởng cao, sử dụng hiệu quả, góp phần tích cực trong tiến trình giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội của huyện trong nhiệm kỳ qua.
Để việc học và làm theo Bác thực sự hiệu quả, chất lượng, thời gian tới, Đảng bộ Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tích cực đổi mới các nội dung sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động. Phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị để đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Qua đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với phương châm “Thấu hiểu lòng dân – tận tâm phục vụ”; tiếp tục khẳng định tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu để thực hiện hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh ta./.
Bài và ảnh: Đức Toàn