Từ những hạt cát vô tri, với tài năng và tình yêu hội họa, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân – người con quê hương Nam Định, một trong những họa sĩ tiên phong phát triển loại hình nghệ thuật tranh cát động với hàng trăm tác phẩm độc đáo, qua đó góp phần quảng bá lịch sử – văn hóa dân tộc đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Vừa qua, anh được Viện Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật Tranh cát động về chủ đề lịch sử – văn hóa – xã hội nhiều nhất Việt Nam”.
Họa sĩ Nguyễn Thế Nhân trong một sự kiện biểu diễn tranh cát động. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sứ mệnh người tiên phong
Sinh ra ở miền quê xã Hải Cường (Hải Hậu), từ nhỏ Nguyễn Thế Nhân đã có tình yêu đặc biệt với hội họa. Anh chia sẻ: “Thời bấy giờ hiếm giấy viết, tôi thường dùng gai tre vẽ lên nền đất, mô phỏng những hình ảnh như cây cối và vật nuôi trong gia đình… Nhờ năng khiếu vẽ, tôi được thầy, cô giáo tin tưởng giao phụ trách vẽ trang trí báo tường và các khẩu hiệu”. Yêu nghệ thuật hội họa, nhưng Nguyễn Thế Nhân lại lựa chọn theo con đường binh nghiệp. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Trường phổ thông cấp III B Hải Hậu (nay là Trường THPT B Hải Hậu), anh nhập ngũ Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau khi trải qua khóa huấn luyện cơ bản, năm 1978, anh được đơn vị điều đi học Trung cấp Cơ điện Hải quân tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Năm 1979, anh tiếp tục được đơn vị cử đi tiếp nhận bộ khí tài tên lửa đất đối hải do Liên Xô viện trợ và được đào tạo thành kỹ thuật viên động cơ turbine phản lực do các chuyên gia quân sự Liên Xô giảng dạy, sau đó công tác tại Lữ đoàn tên lửa đất đối hải 679 (Vùng 1 Hải quân). Trong thời gian này, Nguyễn Thế Nhân được học thêm về hội họa để phục vụ đơn vị. Năm 1983, anh được phục viên về quê. Chỉ một năm sau, anh “Nam tiến” và thực hiện ước mơ mở tiệm vẽ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tiệm vẽ nhỏ, anh đã phát triển thành Công ty Quảng cáo Trang trí Thời Đại đặt trụ sở ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Duyên nghiệp đến với nghệ thuật biểu diễn tranh cát đến với họa sĩ Nguyễn Thế Nhân rất tình cờ. Năm 2010, một người bạn của anh chia sẻ đoạn video trên mạng internet về loại hình nghệ thuật do nghệ sĩ Kseniya Symonova người Ukraina trình diễn đoạt giải “Ukraine’s GotTalent”. Ấn tượng với màn biểu diễn của nghệ sĩ nước ngoài, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân đã tự nghiên cứu quy trình, các vật dụng cần thiết, kỹ năng để biểu diễn loại hình nghệ thuật tranh cát động. Họa sĩ Nguyễn Thế Nhân cho biết: “Tranh cát động là sự kết hợp giữa các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, âm nhạc. Trong đó, kỹ thuật gồm hộp đèn – ánh sáng, máy quay, phần mềm dựng film… Mỹ thuật đòi hỏi người biểu diễn phải có hình họa vững vàng, kỹ năng chỉ dùng ngón tay, bàn tay vẽ trên mặt hộp đèn với nguyên liệu là cát. Trong một màn diễn từ 5 đến 7 phút, trên sân khấu người họa sĩ trở thành nghệ sĩ và vẽ một loạt các hình ảnh mang tính động, logic, liền mạch tạo thành câu chuyện. Yếu tố âm nhạc là đặc trưng của tranh cát động, theo đó khi trình diễn, âm nhạc kết hợp hài hòa với hình vẽ, động tác thần thái của họa sĩ tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả”. Đặc trưng trong phong cách biểu diễn nghệ thuật tranh cát động của họa sĩ Nguyễn Thế Nhân là tính ngẫu hứng. Anh thường “phiêu” trong từng nốt nhạc. Với nhạc nhẹ, anh vẽ tranh mềm mại, chậm rãi, nhưng đến đoạn cao trào, những ngón tay trở nên dồn dập, hối thúc. Một trong những “chìa khóa” giúp họa sĩ Nguyễn Thế Nhân thành công trong nghệ thuật tranh cát động đó là tìm được loại cát phù hợp. Anh chia sẻ: “Tôi đã thử nghiệm nhiều loại cát, từ cát xây dựng, cát biển đến cát vẽ tranh tĩnh… nhưng đều không đạt yêu cầu. Một lần về quê xã Hải Cường, ra bãi sông gần nhà, tôi ngạc nhiên thấy loại cát ở đây không quá to, không quá nhỏ và hạt đều. Tôi đem về nhà bỏ vào chậu nước lọc sạch, phơi khô, sàng kỹ, sau đó cho lên chảo rang để khử trùng, khử mùi. Khi vẽ lên mặt kính, cát không nảy lên mà giữ nguyên dạng, dễ dàng điều khiển độ dày mỏng từng nét… Tôi tự hào 2 tiếng quê hương bởi từng nắm cát đã theo tôi đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước và ra tận nước ngoài”.
Hình ảnh Thánh Gióng được thể hiện bằng nghệ thuật tranh cát động của Họa sĩ Nguyễn Thế Nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Quảng bá lịch sử – văn hóa dân tộc
Trong suốt 13 năm gắn bó với nghệ thuật tranh cát động, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân đã tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế. Năm 2017, Bộ VH, TT và DL đã 2 lần mời anh biểu diễn tranh cát động trong chuỗi sự kiện Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 tại Đà Nẵng. Vừa qua, anh tiếp tục được Bộ VH, TT và DL mời biểu diễn tại Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, với sự tham dự của đại diện 11 nước thành viên và đại diện quan sát viên các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới… Không chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng trong những sự kiện lớn, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân còn được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Nhân Dân và nhiều đài truyền hình địa phương phối hợp sản xuất những chương trình tranh cát động với chủ đề lịch sử – văn hóa – xã hội. Chương trình “Suối Nguồn Yêu Thương” gồm 151 tập phim được phát trên kênh VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) sử dụng những tác phẩm tranh cát động của họa sĩ Nguyễn Thế Nhân để phác họa những câu chuyện ý nghĩa, nhân văn nhằm tăng cảm xúc cho người xem. Chương trình “Người Việt – Nước Việt” với 255 tập phim phát trên trang Thông tin điện tử VOV Live (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã khái quát lịch sử, giới thiệu các di sản văn hóa, địa danh tiêu biểu của dân tộc. Chương trình được chia thành 4 phần gồm: Dã sử – truyền thuyết, chính sử, di sản văn hóa, địa danh. Bằng kỹ thuật vẽ điêu luyện với lối diễn hình biểu ý, các hình ảnh cô đọng thể hiện tính logic, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân đã tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc, những chiến công vang dội của cha ông, những hình ảnh đẹp về di sản văn hóa, địa danh các vùng miền Việt Nam, qua đó khơi dậy lòng tự hào về truyền thống hào hùng cho thế hệ trẻ.
Hình ảnh Trận chiến Bạch Đằng được thể hiện bằng nghệ thuật tranh cát động của Họa sĩ Nguyễn Thế Nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Để thực hiện thành công các tác phẩm về đề tài lịch sử, văn hóa, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân đã dày công sưu tầm các tài liệu, đối chứng các tư liệu lịch sử từ các nguồn chính thống. Ngoài ra, anh đến nhiều địa danh trên cả nước, tìm hiểu văn hóa các vùng miền để “gom” chất liệu sáng tác phù hợp từng kịch bản. Để đưa nghệ thuật biểu diễn tranh cát động vươn xa và phát triển bền vững, anh đã mua hàng trăm bản nhạc để tránh vi phạm bản quyền khi trình diễn. Bên cạnh đó, là người tiên phong trong nghệ thuật tranh cát động, anh đã thành lập Câu lạc bộ Tranh cát động Việt Nam, mở các lớp dạy vẽ, truyền đạt kinh nghiệm và sự đam mê cho các bạn trẻ. Đặc biệt, sự đóng góp của Nguyễn Thế Nhân trong lĩnh vực tranh cát động không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn được ghi nhận trên cộng đồng tranh cát động quốc tế khi tham gia nhiều triển lãm và biểu diễn tranh cát động tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Danh hiệu “Nghệ sĩ – Họa sĩ Kỷ lục gia Tranh cát động Nguyễn Thế Nhân” do Viện Kỷ lục Việt Nam xác lập là niềm tự hào mà tất cả mọi người làm nghệ thuật ao ước, đặc biệt với loại hình nghệ thuật tranh cát động. Say mê, tâm huyết và đau đáu phát triển loại hình nghệ thuật tranh cát động, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân mong muốn thời gian tới bộ môn nghệ thuật này sẽ có chỗ đứng chính danh trong các trường đào tạo nghệ thuật ở nước ta. Thành danh với đam mê, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân luôn tự hào là người con quê hương Nam Định, nơi đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho những ước mơ của anh trở thành hiện thực./.
Viết Dư