Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của học sinh, những năm qua, các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo hình thức “sân khấu hóa học đường” đã quen thuộc đối với học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Qua các buổi sinh hoạt này đã tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh, không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn kỹ năng sống, phát triển tư duy sáng tạo.
Sân khấu hóa tác phẩm “Chữ người tử tù” trong chương trình ngoại khóa của Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định). |
Học sinh là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, thích khám phá, tìm tòi song vốn hiểu biết về cuộc sống còn nhiều hạn chế, vì vậy trang bị cho các em những kiến thức về đạo đức, kỹ năng sống là cần thiết. Để tạo hứng thú cho học sinh với các môn học như Ngữ văn, Lịch sử…, các thầy, cô giáo trong các trường THPT đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện tổ chức sân khấu hóa các tác phẩm mà học sinh các khối lớp đã học. Tham gia hoạt động này, học sinh của từng lớp được lựa chọn những tác phẩm ngữ văn, trích đoạn trong lịch sử của chương trình giảng dạy để nghiên cứu, chuyển thể sang hình thức sân khấu hóa. Thông qua hình thức trình diễn, các tác phẩm văn học, trích đoạn lịch sử của dân tộc trở nên sinh động và hấp dẫn hơn so với những giờ giảng trên lớp. Học sinh được dành thời gian nghiên cứu về đặc điểm, tính cách nhân vật, từ đó “nhập vai” sao cho sát nhất với nội dung của tác phẩm văn học hoặc một tình tiết trong một trích đoạn lịch sử. Có dịp được tham gia vào một buổi ngoại khóa tại Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định), chúng tôi thấy được hầu hết các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình như: Chí Phèo, Vợ Nhặt, Số Đỏ, Tấm Cám… đã được sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động. Được tham gia trình diễn vào tác phẩm “Tấm Cám”, em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 11 cho biết: Sân khấu hóa các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học là một cách học hay, lôi cuốn người học. Bởi khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học, chúng em tự phân tích, đánh giá, suy nghĩ về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng. Còn tại Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc), thay vì cho học sinh đọc tác phẩm ngữ văn, thảo luận, trao đổi…, các thầy, cô giáo tại trường đã tạo điều kiện cho học sinh được học tập theo từng nhóm, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để “hóa thân” vào nhân vật trong các tác phẩm thuộc chương trình giảng dạy. Phương pháp này giúp học sinh chủ động tiếp cận tác phẩm, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm để cảm nhận về nhân vật, sau đó tái hiện trên sân khấu lớp học. Với những học sinh không tham gia diễn xuất cũng cần đọc văn bản thật kỹ và cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật được tái hiện trên sân khấu lớp học và đưa ra nhận xét của mình. Từ đó, các tiết học ngoại khóa theo hình thức sân khấu đã thực sự tạo được hứng thú cho đại đa số học sinh để các em học tập có hiệu quả. Phương pháp học này cũng góp phần xây dựng ở các bạn học sinh thói quen đọc sách để hiểu tác phẩm nhiều hơn.
Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử, truyện dân gian có sức hấp dẫn với học sinh bởi phương pháp này đã khơi gợi được cho các em ý muốn tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm; giúp các em hiểu được các thông điệp mà tác giả, tác phẩm muốn chuyển tải. Đồng thời, đây cũng là cách tạo điều kiện để học sinh phát huy vai trò tự chủ trong việc học, không bị giới hạn, bó buộc bởi những nội dung trong bài giảng của giáo viên. Cách tiếp nhận tác phẩm văn học, lịch sử mới mẻ và ấn tượng hơn, giúp các em hứng thú và yêu thích môn học. Ngoài ra, học sinh tham gia trực tiếp vào hoạt động này cũng được rèn luyện các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng về nghệ thuật. Thầy Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định) cho biết, sau thời gian tổ chức “Sân khấu hóa tác phẩm văn học”, các em chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm và nhân vật một cách chi tiết. Phương pháp này cũng góp phần xây dựng ở học sinh thói quen đọc văn bản nhiều hơn để hiểu sâu sắc về tác phẩm. Khi được trực tiếp hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm, học sinh tự phân tích, đánh giá về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện. Qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng, đồng thời phát huy sự sáng tạo trong quá trình chuyển thể tác phẩm văn học. Học sinh sẽ có cái nhìn đa chiều về tác phẩm văn học ở nhiều góc độ khác nhau.
Chương trình “Sân khấu hóa học đường” ngày càng khẳng định là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học các môn, đồng thời góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng các em học sinh đến những giá trị chân, thiện, mỹ./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh