Với quan điểm đặt con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), Nam Định đã vươn lên dẫn đầu của cả nước trong việc phát triển hệ sinh thái công dân số (CDS). Tỉnh đã triển khai đồng bộ hạ tầng viễn thông, cung cấp đa dạng dịch vụ tiện ích, giúp người dân dễ dàng ứng dụng công nghệ số trong thực hiện các thủ tục hành chính, sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày.
Người dân xã Trực Tuấn (Trực Ninh) kiểm tra xuất xứ hàng hóa qua mã QR trên sản phẩm trước khi mua sắm. |
Theo “Cẩm nang Chuyển đổi số” của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) để trở thành CDS cần có 9 yếu tố cấu thành bao gồm: Khả năng truy cập nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số; quyền, trách nhiệm trong môi trường số; định danh, xác thực, dữ liệu cá nhân; quyền riêng tư trong môi trường số. Để nhanh chóng tạo nền tảng phát triển hệ sinh thái CDS, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông đáp ứng tương đối tốt nhu cầu sử dụng phục vụ CĐS của người dân. Ngành viễn thông tỉnh đã phủ sóng 100% sóng băng rộng di động và internet ở tất cả các thôn, xóm trên địa bàn. Hiện nay, 86,5% dân số của tỉnh sử dụng điện thoại thông minh và gần 100% hộ gia đình kết nối internet băng rộng cố định. Sở TT và TT, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã nỗ lực hỗ trợ, trang bị kỹ năng số cơ bản cho trên 90% dân số, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các dịch vụ số cho người dân. 100% dịch vụ công của tỉnh đã xác thực định danh và tích hợp thanh toán số để người dân giao dịch trực tuyến với chính quyền trên môi trường mạng. Các lĩnh vực như y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục và đào tạo cũng đã áp dụng quản lý và giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả phục vụ.
Đặc biệt, hơn 90% số người dân trong tỉnh đã có mã hồ sơ sức khỏe điện tử. Khối các doanh nghiệp phục vụ tiện ích cuộc sống như ngân hàng, điện lực, nước sạch, viễn thông đều sử dụng hình thức quản lý khách hàng, giao dịch và thu nhận cước trực tuyến, giúp người dân thay đổi cách tiếp cận và góp phần hình thành những CDS. Tỉnh đã có trên 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép hoạt động khác; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của tỉnh ước đạt khoảng 9%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử; 40% giao dịch trên website hoặc ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử… Với hệ sinh thái này, người dân dễ dàng thanh toán điện tử thay cho thanh toán trực tiếp với mệnh giá nhỏ ngay tại các chợ truyền thống.
Đặc biệt việc tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh đã tạo hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư để đưa vào khai thác phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử (đạt 156% chỉ tiêu Bộ Công an giao). Đây là nguồn cơ sở dữ liệu về dân cư quan trọng nhất được xây dựng và đưa vào khai thác đã thúc đẩy triển khai các nhóm tiện ích nhằm hình thành CDS, hoàn chỉnh hệ sinh thái số và phát huy nguồn tài nguyên số về dân cư. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Trong đó, hệ thống thông tin của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi. Tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện kho dữ liệu về thủ tục hành chính và kho dữ liệu về điện tử cá nhân của công dân. Đây là cơ sở giúp công dân chủ động quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử của cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước.
Việc tập trung xây dựng hệ sinh thái CDS đã tạo nên động lực lớn thúc đẩy chương trình CĐS của tỉnh. Đến hết năm 2024, nhiệm vụ CĐS của tỉnh đã cơ bản đạt và vượt trước thời hạn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian tới, Sở TT và TT tiếp tục tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân khi hoạt động trên môi trường số bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật. Qua đó, thúc đẩy hệ sinh thái CDS phát triển và khai thác tốt nguồn lực từ cơ sở dữ liệu số, hạ tầng số góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202412/hieu-qua-tich-cuc-trong-xay-dunghe-sinh-thai-cong-dan-so-da80452/